Những HTX này không chỉ mang đến một hướng đi mới cho nền nông nghiệp địa phương mà còn trở thành "cú hích" quan trọng, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc nơi đây.
HTX năng động
Những năm gần đây, trên khắp các thôn bản của Dương Quang, những HTX với các tên gọi khác nhau như HTX Dương Quang; HTX Văn Quyến; HTX Đào Trường… đã không ngừng lớn mạnh
Một vài HTX đầu tiên ở Dương Quang thường được hình thành một cách tự phát. Tuy nhiên, theo thời gian và được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và các ban ngành, các HTX hoạt động ngày càng chuyên nghiệp.
Tiêu biểu như HTX Dương Quang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản, tập trung vào sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn và có giá trị gia tăng, bao gồm: trồng rau-dưa lưới an toàn, trồng cây dược liệu. Ngoài ra, HTX còn đầu tư vào những sản phẩm chế biến từ thịt như lạp sườn, thịt hun khói, thịt lợn khô. Riêng hai sản phẩm là lạp sườn và thịt hun khói đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Đặc biệt, từ năm 2023, HTX mạnh dạn trồng thử nghiệm hoa cúc chi trên diện tích 2,3ha để sản xuất trà hoa cúc và phục vụ du lịch trải nghiệm.
![]() |
Hoạt động chế biến nông sản của HTX Dương Quang. |
Một điểm nhấn ở mô hình này là các thành viên HTX Dương Quang đi đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, HTX đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới quy mô trên 1.000m2 tại thôn Nà Ỏi với hệ thống tưới nước hiện đại, đồng thời áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP và OCOP.
Mô hình sản xuất hiệu quả của HTX giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho các thành viên và người lao động. HTX cũng tạo ra việc làm cho 15 thành viên và nhiều lao động khác trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Sự phát triển hiệu quả của mô hình này đã đóng vai trò quan trọng trong việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch, làm thay đổi diện mạo nông thôn, nhất là thúc đẩy giảm tỷ lệ hộ nghèo. Đây cũng là một điển hình tốt về sự đổi mới và thích ứng của các HTX trong bối cảnh phát triển nông nghiệp hiện nay.
Còn HTX Văn Quyến được biết đến với mô hình sản xuất hạt cườm từ các loại gỗ địa phương như thông, mỡ, bồ đề. Đây là một hướng đi tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và tạo ra sản phẩm có giá trị. Mô hình của HTX được ghi nhận là góp phần tạo việc làm ổn định cho người dân tại xã Dương Quang và các vùng lân cận. Với mức doanh thu 1,5-2 tỷ đồng/năm cho thấy hoạt động sản xuất và kinh doanh có hiệu quả nhất định.
Điều đặc biệt là năm 2022, HTX đã được hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến để sản xuất hạt chiếu (một dòng sản phẩm từ hạt cườm), giúp tăng hiệu suất lao động, chất lượng sản phẩm và giảm tỷ lệ hạt lỗi. Đây cũng là nền tảng để HTX mở rộng các điểm sản xuất trên địa bàn tỉnh, bao gồm xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn), các xã thuộc huyện Bạch Thông và thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn).
Với những gì đã đạt được, HTX có định hướng sản xuất các thành phẩm từ hạt cườm như đệm ghế, xâu chuỗi rèm mành để xuất bán, nhằm mang lại thu nhập cao hơn cho thành viên, người lao động..
Sự cần thiết của những mô hình liên kết
Trước khi những làn gió mới từ mô hình HTX thổi về, bức tranh kinh tế - xã hội của xã Dương Quang mang đậm dấu ấn của một vùng quê thuần nông với nhiều khó khăn chồng chất.
Một trong những khó khăn lớn nhất mà người dân Dương Quang phải đối mặt chính là vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Do sản xuất nhỏ lẻ, không có sự liên kết, sản phẩm làm ra thường bị thương lái ép giá, thu nhập của người nông dân vì thế mà càng thêm bấp bênh. Việc thiếu thông tin về thị trường, về nhu cầu của người tiêu dùng cũng khiến cho người dân khó định hướng sản xuất, dẫn đến tình trạng "trồng rồi bỏ", hoặc sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
![]() |
HTX Dương Quang mở rộng sang trồng hoa cúc chi để chế biến và phát triển du lịch. |
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vốn sản xuất cũng là một rào cản lớn cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Người nông dân, với tài sản thế chấp hạn chế, khó tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng hay các tổ chức tín dụng. Điều này khiến họ không có đủ nguồn lực để đầu tư vào giống tốt, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay các trang thiết bị sản xuất cần thiết. Vòng luẩn quẩn "nghèo đói - thiếu vốn - sản xuất lạc hậu - nghèo đói" cứ thế tiếp diễn qua nhiều thế hệ.
Về mặt xã hội, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở Dương Quang trước đây thường ở mức cao so với mặt bằng chung của tỉnh và cả nước. Trong bối cảnh đầy thách thức đó, người dân Dương Quang luôn khao khát một sự thay đổi, một hướng đi mới để thoát khỏi cảnh nghèo khó, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn.
Sự cần thiết của mô hình kinh tế tập thể, hiệu quả hơn, có khả năng giải quyết những khó khăn về vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm và phát huy sức mạnh cộng đồng trở nên vô cùng cấp bách. Đây chính là tiền đề quan trọng cho sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các HTX kiểu mới tại Dương Quang trong thời gian vừa qua và những năm tiếp theo.
Vào HTX giúp nâng thu nhập lên 20-30%
Sự chuyển mình của Dương Quang từ một vùng quê nghèo khó sang một điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể không diễn ra một cách ngẫu nhiên. Đó là kết quả của sự hội tụ nhiều yếu tố, từ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, đến tinh thần đoàn kết, ý chí vươn lên của người dân và vai trò tiên phong của những cá nhân tâm huyết.
Chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, đặc biệt là Luật HTX năm 2012 và gần đây là Luật HTX năm 2023, đã được Liên minh HTX Việt Nam thông qua Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho sự ra đời và phát triển của các HTX kiểu mới trên địa bản tỉnh nói chung và xã Dương Quang nói riêng. Các chính sách hỗ trợ về vốn, về đào tạo, về xúc tiến thương mại của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh cùng các ban ngành đã tiếp thêm sức mạnh cho phong trào HTX ở nhiều địa phương, trong đó có xã Dương Quang.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương xã Dương Quang đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của mô hình HTX trong việc phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia HTX, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý, hỗ trợ về mặt bằng, và kết nối HTX với các chương trình, dự án phát triển của tỉnh và quốc gia.
Sự phát triển của các HTX (theo thống kê trên địa bàn xã hiện có 4 HTX đang hoạt động) đã mang đến những thay đổi sâu sắc trong bức tranh kinh tế - xã hội của xã Dương Quang, đặc biệt là trong công tác giảm nghèo bền vững.
Một trong những tác động trực tiếp và rõ rệt nhất của mô hình HTX đến công tác giảm nghèo ở Dương Quang chính là việc tạo ra nhiều cơ hội việc làm ổn định và giúp tăng thu nhập đáng kể cho người dân.
Như tại HTX Dương Quang, khi mới thành lập chỉ có 7 thành viên, sau đó thu hút thêm và tăng lên 9 thành viên và hiện nay là 15 thành viên. Chưa kể hoạt động của HTX còn tạo việc làm cho nhiều lao động khác.
Tương tự, HTX Văn Quyến đã mở rộng địa bàn hoạt động sang các xã, huyện lân cận, tạo ra công việc ổn định cho nhiều lao động địa phương trong các khâu sản xuất và phân phối sản phẩm. Việc sản xuất theo quy mô lớn và có sự quản lý chuyên nghiệp giúp tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả kinh tế, từ đó mang lại thu nhập tốt hơn cho các thành viên.
Chị Đàm Thị Ninh, thành viên HTX Dương Quang chia sẻ trước đây, gia đình chị trồng rau theo kiểu truyền thống, năng suất thấp, lại hay bị sâu bệnh, bán ra thị trường thì bấp bênh về giá. Từ khi tham gia HTX, chị được hướng dẫn kỹ thuật trồng rau hữu cơ, được hỗ trợ về giống, phân bón. Sản phẩm làm ra được HTX thu mua với giá ổn định, cuộc sống gia đình đã khấm khá hơn nhiều.
Theo thống kê của UBND xã Dương Quang, thu nhập bình quân của các hộ gia đình là thành viên HTX cao hơn 20-30% so với các hộ không tham gia HTX có cùng điều kiện sản xuất. Điều này cho thấy, vào HTX là con đường tất yếu để giúp người dân có hướng đi hiệu quả trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Tùng Lâm