Trên con đường đèo uốn lượn dẫn về xã Tân Bắc (huyện Quang Bình), tiếng lách cách của khung cửi dệt thổ cẩm vẫn đều đặn vang lên bên những mái nhà sàn của người Pà Thẻn. Nhưng điều đặc biệt, bên cạnh khung cửi là một chiếc điện thoại thông minh đang phát trực tiếp trên mạng xã hội.
Cách làm mới cho nghề truyền thống
Những người phụ nữ dân tộc thiểu số nhỏ nhắn vừa dệt vải, vừa giới thiệu sản phẩm với khách hàng qua màn hình – một hình ảnh sinh động cho thấy chuyển đổi số đang thực sự lan tỏa đến từng nếp nhà vùng cao xã Tân Bắc.
Chị Tải Thị Mai – Giám đốc HTX dệt thổ cẩm truyền thống Pà Thẻn ở xã Tân Bắc – được ví như “người mở đường” trong việc số hóa sản phẩm văn hóa của người Pà Thẻn.
![]() |
Ứng dụng chuyển đổi số giúp người dân tộc thiểu số miền núi huyện Quang Bình xóa đói giảm nghèo, làm giàu. |
Từng trải qua những năm tháng khó khăn khi sản phẩm làm ra không tìm được đầu ra, chị Mai đã chủ động thay đổi cách tiếp cận thị trường, mở fanpage, quay video ngắn giới thiệu sản phẩm, học cách livestream, thậm chí thiết kế mã QR truy xuất nguồn gốc.
“Ngày xưa chỉ bán ở chợ phiên, nay khách ở Hà Nội, TP.HCM hay cả nước ngoài đều có thể xem và đặt mua ngay qua điện thoại. Doanh thu nhờ thế tăng gấp đôi”, chị Mai phấn khởi nói.
Đặc biệt, việc sử dụng mã QR, tem chống giả, hình ảnh minh bạch từng công đoạn sản xuất đã giúp sản phẩm thổ cẩm Pà Thẻn tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng.
HTX dệt thổ cẩm truyền thống Pà Thẻn hiện có gần 30 thành viên, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số. Nhờ sự kết hợp giữa truyền thống và công nghệ, các chị không chỉ giữ được nghề cổ mà còn có thu nhập ổn định 5–7 triệu đồng/tháng.
Không riêng xã Tân Bắc, phong trào chuyển đổi số ở vùng cao Quang Bình đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. Điển hình tại xã Tân Trịnh, HTX thổ cẩm My Bắc – đơn vị đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao – cũng đang từng bước “lên mạng”.
Từ sàn giao dịch đến sàn nông sản số
Để nâng cao hiệu quả chuyển đổi số, các thành viên, người lao động của HTX thổ cẩm My Bắc đã chủ động thiết kế website riêng, sử dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, nâng cao giá trị gia tăng.
Đại diện HTX cho biết khách quốc tế rất ưa chuộng thổ cẩm My Bắc vì sản phẩm được làm thủ công 100%, sử dụng nguyên liệu tự nhiên như sợi lanh, bông, và thuốc nhuộm từ rễ cây.
“Nhiều đơn hàng từ châu Âu, Nhật Bản đã đến thông qua kênh trực tuyến. Điều này trước kia là điều không tưởng với một HTX nhỏ vùng cao”, chị Lý Thị Chi – thành viên HTX thổ cẩm My Bắc – chia sẻ.
Không còn là thứ “xa vời”, chuyển đổi số đang len lỏi vào đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số ở Quang Bình. Bản thân người dân vốn rất e ngại trước công nghệ thì nay đã học cách sử dụng điện thoại thông minh, mở tài khoản ngân hàng số, biết cách livestream bán hàng, nhận chuyển khoản, đặt hàng online…
Đáng chú ý, không chỉ trong lĩnh vực dệt thổ cẩm, các sản phẩm nông nghiệp tại Quang Bình cũng đang từng bước được số hóa. Theo thống kê, đến nay huyện đã có 26 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee… Trong đó, các đặc sản như mật ong bạc hà, chè shan tuyết, lợn đen bản địa… đều có mặt và được người tiêu dùng trong cả nước đón nhận.
![]() |
Hàng loạt sản phẩm thế mạnh của huyện Quang Bình đang trên tiến trình số hóa, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu. |
Bà Hoàng Thị Duyên, một hộ dân trồng chè shan tuyết ở xã Xuân Giang, cho biết: “Trước kia muốn bán chè phải mang xuống chợ huyện, đi lại vất vả. Từ ngày có người hướng dẫn đưa sản phẩm lên mạng, đơn hàng tăng rõ rệt. Con trai tôi còn quay video làm vườn chè đăng lên TikTok, nhiều người thích lắm”.
Câu chuyện của bà Duyên cũng là bức tranh thu nhỏ cho thấy sức sống của công nghệ trong đời sống nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Quang Bình.
Sự thành công của đồng bào dân tộc thiểu số, các HTX tiêu biểu ở Quang Bình không thể thiếu vai trò của các chương trình hỗ trợ từ chính quyền và tổ chức đoàn thể. Ba năm gần đây, huyện đã hỗ trợ hàng chục mô hình tổ hợp tác, HTX chăn nuôi tại các thôn Đồng Tiến, Nặm Khẳm, Thượng Sơn… Mỗi mô hình được hỗ trợ 500 triệu đồng để phát triển giống, chuồng trại và thiết bị quản lý.
Cũng không thể không nhắc đến vai trò của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang trong việc kiện toàn hoạt động, hỗ trợ các HTX trong sản xuất, vốn vay, đào tạo nhận lực, xúc tiến thương mại…
Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Hà Giang triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính cho các HTX trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Quang Bình.
Riêng trong năm 2024, 5 HTX tại Hà Giang đã được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với tổng số tiền lên tới 18 tỷ đồng. Nguồn vốn này giúp các HTX đầu tư vào sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Tương lai số hóa vùng cao
Để giúp các HTX quảng bá sản phẩm và tìm kiếm đối tác kinh doanh, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ 32 HTX tham gia 8 hội chợ xúc tiến thương mại trên cả nước trong năm 2024. Đặc biệt, 4 HTX đã được hỗ trợ tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, góp phần khẳng định chất lượng và uy tín của sản phẩm địa phương.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh Hà Giang đã ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giai đoạn 2024–2030, tập trung vào việc phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Chương trình này nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, hội viên phụ nữ tích cực hợp tác, liên kết sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn, tạo tiền đề thành lập, phát triển các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp...
Không thể phủ nhận rằng, quá trình chuyển đổi số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn không ít rào cản – từ hạ tầng mạng, thiết bị số, đến trình độ tiếp cận công nghệ. Tuy nhiên, những đổi thay đang diễn ra từng ngày cho thấy khi có sự hỗ trợ đúng hướng và sự vào cuộc của người dân, chuyển đổi số không còn là khái niệm xa lạ.
UBND huyện Quang Bình cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hơn các lớp đào tạo kỹ năng số, kỹ năng quản trị bán hàng online cho cán bộ HTX, đoàn viên thanh niên và phụ nữ dân tộc. Đồng thời, mở rộng mô hình số hóa sản phẩm nông sản, kết nối HTX với các sàn thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu gắn với văn hóa bản địa.
Từ những người phụ nữ bên khung cửi, từ những hộ dân chăn nuôi lợn đen, trồng chè trên đỉnh núi – vùng đất Quang Bình đang dần chuyển mình theo hướng hiện đại. Chuyển đổi số không chỉ mang lại giá trị kinh tế, mà còn mở ra cơ hội để người dân vùng cao tự tin bước vào thị trường rộng lớn, giữ gìn bản sắc văn hóa, và vươn lên thoát nghèo một cách bền vững.
Có lẽ chưa bao giờ hình ảnh người phụ nữ Pà Thẻn vừa dệt vải vừa nói chuyện với khách hàng qua livestream lại thể hiện rõ nét đến thế tinh thần đổi mới của miền núi phía Bắc – nơi công nghệ đang từng ngày làm sống dậy những giá trị truyền thống theo cách rất hiện đại.
An Chi