Nghề làm cá khô và mắm ở Sóc Trăng không chỉ đơn thuần là chế biến thực phẩm mà còn là một nét văn hóa ẩm thực đặc trưng, được lưu giữ và phát triển qua nhiều thế hệ. Mỗi vùng đất, mỗi gia đình, mỗi HTX lại có những bí quyết riêng, tạo nên sự đa dạng và phong phú trong hương vị của các sản phẩm.
"Cần câu cơm" của hàng ngàn hộ dân
Với nguồn lợi thủy sản phong phú từ biển và các sông ngòi, nghề làm cá khô và mắm đã trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Sóc Trăng. Hàng ngàn hộ gia đình ven biển và các vùng nông thôn đã gắn bó với nghề này qua nhiều thế hệ, tạo ra nguồn thu nhập ổn định và góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Vĩnh Châu, thị xã Vĩnh Châu, là một ví dụ điển hình. Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm khô cá kèo, bà Hoa cho biết trước đây, gia đình bà chủ yếu làm nông, cuộc sống rất khó khăn. Từ khi chuyển sang làm khô cá kèo, thu nhập ổn định hơn nhiều. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình có thể lãi khoảng 150 - 200 triệu đồng. Nhờ đó, bà có điều kiện xây nhà cửa khang trang và lo cho con cái ăn học đầy đủ.
![]() |
Khâu xử lý cá để làm mắm, cá khô. |
Không chỉ riêng gia đình bà Hoa, nhiều hộ dân khác ở các huyện như Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú cũng nhờ nghề làm cá khô và mắm mà có cuộc sống khấm khá hơn. Các cơ sở sản xuất, từ quy mô nhỏ hộ gia đình đến các HTX và doanh nghiệp lớn hơn, đã tạo ra một chuỗi giá trị liên kết, từ khai thác nguyên liệu, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, mang lại lợi ích kinh tế cho nhiều tầng lớp người dân.
Với nhu cầu sử dụng sản phẩm truyền thống đang lên ngôi, nhất là với các bạn trẻ làm nghề review thực phẩm đang tạo cơ hội thuận lợi cho sản phẩm mắm, cá khô của tỉnh rộng đầu ra. Tính trung bình, một cơ sở sản xuất mắm có thể sản xuất và cung cấp ra thị trường hàng tấn sản phẩm mỗi tháng. Còn đối với các HTX, làng nghề truyền thống làm cá khô có thể cung cấp hàng trăm tấn sản phẩm ra thị trường vào mỗi dịp lễ Tết.
Đặc biệt, nhiều cơ sở sản xuất, HTX không chỉ dừng ở việc đa dạng sản phẩm mà còn tham gia Chương trình OCOP. Điều này đang hỗ trợ các sản phẩm mắm và cá khô của Sóc Trăng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu và tiếp cận thị trường cao cấp hơn
Nâng cao giá trị sản phẩm
Để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho các sản phẩm cá khô và mắm Sóc Trăng, việc liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu đang được chú trọng. Nhiều HTX và tổ hợp tác (THT) đã được thành lập, tập hợp những người có chung kinh nghiệm và tâm huyết với nghề, cùng nhau chia sẻ kỹ thuật, tìm kiếm thị trường và xây dựng uy tín cho sản phẩm.
HTX Thủy sản Hưng Phú (huyện Cù Lao Dung) bên cạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng như "Tôm một gió" đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, còn cung cấp cá khô các loại. Đến nay, HTX liên kết với các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, cửa hàng OCOP, siêu thị trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm. Cách làm này của HTX đang mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên và nhiều hộ dân.
Còn cơ sở khô biển các loại Phong Bích (huyện Trần Đề) dù không trực tiếp hoạt động theo mô hình HTX, nhưng đây là một cơ sở sản xuất mắm, cá khô truyền thống nổi tiếng với chất lượng sản phẩm được khẳng định.
![]() |
Nghề truyền thống được đánh giá là tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân nếu được đầu tư bài bản theo chuỗi giá trị. |
Đơn vị này cũng đã liên kết với người dân để thu mua nguyên liệu, tận dụng hiệu quả mạng xã hội (Facebook) để quảng bá sản phẩm, tương tác với khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ trên cả nước. Nhờ truyền thông tốt và chất lượng đảm bảo, cơ sở sản xuất này nhận được sự quan tâm lớn từ khách hàng, giúp tăng doanh số và thu nhập cho nhiều hộ dân.
Ngoài ra, Sóc Trăng còn có nhiều HTX, cơ sở sản xuất mắm, cá khô khác góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.Việc thành lập và phát triển các HTX đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, mở rộng thị trường và tăng thu nhập bền vững cho người dân làm nghề mắm và cá khô ở Sóc Trăng.
Đặc biệt, vài năm gần đây, các HTX, cơ sở sản xuất ở Sóc Trăng cho "ra lò" thêm những món mắm rất “độc” như mắm cua gạch, mắm sú cồ, mắm tôm hùm, mắm bò hóc, mắm cá rô không xương... nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Thu nhập ổn định và ngày càng tăng
Nghề làm mắm, cá khô đã trở thành nguồn thu nhập chính cho hàng ngàn hộ gia đình ở các vùng ven biển và nông thôn Sóc Trăng.
Với nhu cầu tiêu thụ ổn định và tiềm năng mở rộng thị trường, nghề này mang lại thu nhập đều đặn, giúp người dân trang trải cuộc sống, đầu tư vào sản xuất và cải thiện kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, các mô hình liên kết sản xuất như HTX giúp tăng cường sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cho sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho các thành viên. Như HTX Thủy sản Hưng Phú đã chứng minh hiệu quả của việc liên kết trong việc mở rộng thị trường và tăng thu nhập cho người dân làm nghề truyền thống này.
Từ khâu khai thác nguyên liệu, chế biến, đóng gói đến vận chuyển và tiêu thụ, nghề làm mắm, cá khô tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và ven biển, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và ổn định xã hội.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, giá trị sản xuất từ nghề làm mắm, cá khô đóng góp vào tổng sản phẩm nông nghiệp và thủy sản của tỉnh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế chung của Sóc Trăng. Thu nhập cho người dân làm trực tiếp và những công việc gián tiếp từ nghề làm mắm, cá khô khá ổn định, bình quân tại các cơ sở chế biến, HTX có thể đạt 100.000 - 300.000 đồng/ngày. Mức thu nhập này ở vùng nông thôn là rất đáng kể bởi công việc không quá nặng, không dầm mưa dãi nắng.
Làng khô ấp Cảng (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) là nơi nổi tiếng của tỉnh Sóc Trăng về chế biến và xuất bán các loại khô (cá biển) như hắc cấy (khô cá đuối đen), khô cá khoai, cá lù đù, lưỡi trâu, tép xẻ,… Theo đánh giá của lãnh đạo địa phương, làng khô ấp Cảng đã hình thành và phát triển từ hàng chục năm qua, nhiều gia đình đã gắn bó lâu năm với nghề làm khô và xem đây là nguồn thu nhập chính. Mỗi năm, làng nghề đánh bắt và cần trung bình trên 40.000 tấn tôm, cá làm nguyên liệu chế biến. Nhờ duy trì và phát triển nghề làm khô mà thời gian qua, nhiều hộ gia đình tại thị trấn Trần Đề đã có cuộc sống ổn định, vươn lên khá giàu.
Không chỉ làng khô ấp Cảng, các làng nghề, điểm sản xuất của HTX làm mắm, cá khô truyền thống cũng đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn khám phá văn hóa ẩm thực địa phương. Việc kết hợp du lịch với trải nghiệm làm mắm, cá khô không chỉ tạo thêm thu nhập cho người dân mà còn quảng bá sản phẩm và văn hóa Sóc Trăng đến du khách trong và ngoài nước.
Nâng tiềm năng, mở lợi thế
Nhận thấy giá trị kinh tế của nghề làm mắm, cá khô truyền thống tại địa phương, dưới sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Sóc Trăng thời gian qua đã thực hiện tư vấn, hướng dẫn người dân về quy trình, thủ tục thành lập HTX trong lĩnh vực chế biến mắm, cá khô; Hỗ trợ xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh cho các HTX mới thành lập.
Việc liên kết để tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chế biến mắm, cá khô đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; cung cấp kiến thức về quản lý HTX, xây dựng thương hiệu, marketing và tìm kiếm thị trường tiêu thụ đang giúp các HTX trong lĩnh vực này nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Đến nay, nhiều HTX, cơ sở sản xuất mắm, cá khô ở Sóc Trăng đã được tạo điều kiện tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh để giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, các HTX, cơ sở sản xuất còn được hỗ trợ xây dựng website, fanpage và các kênh bán hàng trực tuyến để tiếp cận người tiêu dùng rộng rãi hơn.
Nghề làm cá khô và mắm không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của Sóc Trăng. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc phát triển nghề này theo hướng bền vững, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và xây dựng thương hiệu mạnh là vô cùng quan trọng.
Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục định hướng hỗ trợ các HTX, cơ sở sản xuất cá khô và mắm đầu tư vào công nghệ chế biến tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã và xây dựng các câu chuyện thương hiệu hấp dẫn. Đồng thời, việc kết nối với các kênh phân phối hiện đại, đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng trực tuyến và phát triển du lịch ẩm thực gắn với nghề truyền thống này cũng là những hướng đi tiềm năng.
Tùng Lâm