Nghề thủ công mỹ nghệ không chỉ là kết tinh của sự khéo léo, tỉ mỉ và óc sáng tạo của người dân, mà còn ẩn chứa những giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc.
Khai thác tiềm năng nhờ những mối liên kết
Tại Hậu Giang, với nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú từ cây lúa, lục bình, tre, dừa..., người dân đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương. Các sản phẩm từ lục bình (giỏ, thảm, đồ trang trí), mây tre lá (bàn ghế, vật dụng gia đình), dừa (đồ mỹ nghệ, quà lưu niệm)... không chỉ mang giá trị sử dụng mà còn có giá trị thẩm mỹ cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trong bối cảnh đó, sự ra đời và phát triển của các mô hình HTX thủ công mỹ nghệ đã mang đến một luồng gió mới, góp phần giải quyết những khó khăn và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành.
Một ví dụ điển hình có thể kể đến là HTX Đan lát Lục bình Quang Thoại (huyện Long Mỹ) chuyên sản xuất các sản phẩm đan lát từ cây lục bình.
HTX thu mua lục bình từ người dân địa phương, sau đó chế biến và tạo ra các sản phẩm như giỏ, thảm, đồ trang trí nội thất... Các sản phẩm này không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản, Italia thông qua các cơ sở gia công tại TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động của HTX tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương, đặc biệt là phụ nữ.
![]() |
Thủ công mỹ nghệ là nghề tạo việc làm và giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập. |
HTX Thanh Tú (huyện Vị Thủy) sản xuất sản phẩm từ tre, nứa, rơm rạ và vật liệu tết bện. HTX thu mua sản phẩm thô từ các thành viên và người dân, sau đó cung ứng ra thị trường khoảng 4.000 - 5.000 sản phẩm mỗi tháng. Các sản phẩm này được bán cho các cơ sở để gia công và xuất khẩu. Trải qua quá trình hoạt động, HTX Thanh Tú được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sinh kế cho nhiều hộ gia đình ở Vị Thủy.
Ngoài các HTX, một điển hình khác là Công ty cổ phần Ecoka đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng liên kết với các HTX để sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình, mây, tre. Mối quan hệ hợp tác này nhằm gia công sản phẩm và đang thu hút khoảng 527 lao động thông qua các HTX, hộ dân trên địa bàn huyện Long Mỹ.
Mỗi tháng, công ty xuất khẩu một lượng lớn sản phẩm (từ 6.000 đến 30.000 sản phẩm) sang các thị trường như Anh, Mỹ, Pháp. Điều này có thể thấy sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX địa phương với doanh nghiệp xuất khẩu đã tạo thành chuỗi giá trị, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất và doanh nghiệp.
Nhìn chung, các HTX, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ ở Hậu Giang đang đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, tạo sinh kế cho người dân và bảo tồn các nghề truyền thống. Sự liên kết giữa các HTX với các doanh nghiệp như Ecoka cho thấy một hướng đi hiệu quả để mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiệu quả hoạt động của HTX và doanh nghiệp cùng ngành đã mang lại những tác động tích cực đến đời sống của các thành viên và cộng đồng địa phương. Thu nhập của người lao động được cải thiện đáng kể, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định hơn. HTX, doanh nghiệp còn tạo ra việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương, góp phần giảm thiểu tình trạng di cư lao động. Quan trọng hơn, các HTX đã góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của nghề mây tre lá, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ.
Biến động thị trường
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các HTX trong ngành thủ công mỹ nghệ cũng không tránh khỏi những khó khăn như biến động thị trường với những thách thức đan xen.
Dù nhiều HTX đã cố gắng trong cải thiện mẫu mã, đa dạng sản phẩm nhưng theo đánh giá chung, ngành thủ công mỹ nghệ ở Hậu Giang đang gặp những hạn chế về mẫu mã và thiết kế. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi mà nhiều HTX, làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Hậu Giang gặp phải. Các sản phẩm thường mang tính truyền thống cao nhưng lại thiếu sự đổi mới, sáng tạo, chưa bắt kịp xu hướng và thị hiếu ngày càng thay đổi của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Bên cạnh đó, phần lớn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là từ các làng nghề truyền thống, có giá thành tương đối cao do quy trình sản xuất thủ công và nguyên liệu. Trong khi đó, kiểu dáng và mẫu mã lại chưa đủ hấp dẫn để cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp hoặc sản phẩm từ các tỉnh thành khác có sự đầu tư bài bản hơn về thiết kế và marketing. Việc tìm kiếm các kênh phân phối ổn định và mở rộng thị trường là một thách thức lớn đối với các HTX và doanh nghiệp.
![]() |
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở Hậu Giang không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu. |
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, nhiều HTX và cơ sở sản xuất nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào đổi mới công nghệ, thiết kế mẫu mã, mở rộng sản xuất và phát triển thị trường. Trong khi các kênh marketing trực tuyến chưa được người dân, HTX khai thác hiệu quả nên năng lực quảng bá sản phẩm còn hạn chế. Việc xây dựng thương hiệu uy tín cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hậu Giang trên thị trường trong và ngoài nước vẫn còn là một bài toán nan giải.
Đặc biệt hiện nay, sự thay đổi thất thường của giá nguyên liệu đầu vào như lục bình, mây, tre cũng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và tính cạnh tranh sản phẩm của các HTX, doanh nghiệp. Trong khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, lạm phát gia tăng có thể làm giảm nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu như thủ công mỹ nghệ, gây khó khăn cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Giá cước vận tải biển tăng cao cũng làm tăng chi phí xuất khẩu của HTX, doanh nghiệp.
Đưa ngành thủ công mỹ nghệ vươn xa
Để nghề thủ công mỹ nghệ thực sự trở thành một “cánh tay đắc lực” trong công cuộc giảm nghèo bền vững ở Hậu Giang, theo đại điện các HTX, cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nghề thủ công mỹ nghệ một cách toàn diện. Điều này bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề và nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế mẫu mã sản phẩm.
Khi làm tốt được những vấn đề này sẽ hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa mẫu mã. Các cơ sở sản xuất và HTX khi tiếp cận được nguồn vốn sẽ đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ, thiết bị, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong thiết kế sẽ tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị gia tăng cao.
Đại diện HTX Thanh Tú cho rằng, HTX rất mong được Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục hỗ trợ trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hậu Giang thông qua các hội chợ, triển lãm, kênh bán hàng trực tuyến và hợp tác với các doanh nghiệp du lịch. Thời gian qua, HTX đã được tạo điều kiện tham gia một số hội chợ, triển lãm nên mong muốn thời gian tới được hỗ trợ nhiều hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như mở thêm cơ hội kết nối với các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Hậu Giang, nghề thủ công mỹ nghệ không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Để tiềm năng này được khai thác tối đa và vươn xa trên thị trường, Hậu Giang đang tiếp tục đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành thủ công mỹ nghệ trong tương lai.
Quang Am