Theo UBND tỉnh Quảng Nam, sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu đặc thù, hiện nay mới chỉ phát hiện phân bổ trên vùng sinh thái hẹp, dưới các tán rừng nguyên sinh quanh đỉnh núi Ngọc Linh, thuộc địa phận của huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam cùng các huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.
Cây “tăng giàu, giảm nghèo”
Việc phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn còn ở quy mô nhỏ, manh mún và mang tính tự phát trong dân cư địa phương, thực sự chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị của loài cây này. Diện tích trồng sâm Ngọc Linh hiện có khoảng 40 ha, trong đó thuộc địa bàn huyện Nam Trà My (Quảng Nam) là 34,5 ha, địa bàn các huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông (Kon Tum) có 5,4 ha.
![]() |
Các HTX phát triển sâm Ngọc Linh góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. |
Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để cây sâm Ngọc Linh thực sự có thương hiệu và khẳng định được giá trị đúng của nó, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tích cực xây dựng và bảo tồn sâm Ngọc Linh gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững.
“Chúng tôi đặt mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững cây sâm Ngọc Linh nhằm cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đồng thời phát triển sâm Ngọc Linh trở thành một sản phẩm chủ lực của Việt Nam”, ông Hồ Quảng Bửu chia sẻ.
Hiện Quảng Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách về phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản xuất, chế biến sản phẩm sâm Ngọc Linh.
Các địa phương trong tỉnh cũng đã thu hút các HTX xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo nền móng cho công nghiệp chế biến dược liệu vốn còn non trẻ này.
Bà Hồ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT HTX dược liệu sâm Ngọc Linh Quảng Nam cho biết, HTX thanh lập năm 2020 đã góp phần nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm chế biến từ dược liệu, thúc đẩy việc tiêu thụ các loại dược liệu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như người dân trên địa bàn, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Hiện HTX chủ yếu tập trung vào các sản phẩm chế biến từ Sâm và các loại dược liệu quý của vùng núi Ngọc Linh. Đến nay, HTX đã cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm có chất lượng, đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Mục tiêu của HTX trong thời gian tới không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước mà hướng đến xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản và Châu Âu.. Từ đó, giúp người dân nơi đây giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu”, bà Hồ Thị Thanh chia sẻ.
Cùng liên kết vươn lên làm giàu
Tại tỉnh Kon Tum, nhờ chủ trương khuyến khích và hỗ trợ của tỉnh, hàng chục HTX và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tận dụng điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển trồng sâm Ngọc Linh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
![]() |
Sâm Ngọc Linh đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. |
Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Thương mại Thanh Tâm, xã Đắk Hà, huyện Tu Mơ Rông, cho biết sâm Ngọc Linh là sản phẩm có giá trị cao nhưng trước đây người dân chưa biết cách canh tác để đưa sản phẩm ra ngoài thị trường. HTX Thanh Tâm được thành lập nhằm kết nối chuỗi giá trị từ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến để tạo thành các sản phẩm. HTX cũng đang góp phần tạo việc làm cho người dân đi đôi với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Tại vùng nguyên liệu sản xuất của HTX, nếu như trước người dân để cây sống tự nhiên thì nay được chăm sóc theo hướng hữu cơ. Dược liệu được phân vùng sản xuất và chỉ sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc…
Từ diện tích cây dược liệu của các thành viên, đến nay, HTX còn phát triển thêm các vùng dược liệu khác trên địa bàn tỉnh, nâng tổng diện tích trồng cây dược liệu lên hàng chục ha.
Có những nơi, HTX thuê đất và thuê luôn người dân trồng, chăm sóc dược liệu, cũng có những khu vực, HTX liên kết với nông dân hay HTX tại các địa phương để tổ chức trồng dược liệu. Mỗi hình thức đầu tư có những ưu điểm riêng. Ví như khi liên kết với nông dân sẽ trồng cây dược liệu ngắn ngày để nhanh khép lại chu kỳ sản xuất, sớm chia lợi nhuận cho nông dân, còn với hình thức tự thuê đất của dân để trồng thì chọn đầu tư những loại cây dược liệu lâu năm.
Xác định mô hình trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng là hướng đi lâu dài để nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân, hàng năm, HTX hỗ trợ người dân về nguồn giống cây, đồng thời liên kết cùng chính quyền giao khoán rừng theo nhóm hộ để người dân canh tác kết hợp với bảo vệ rừng. Vì khi được bảo vệ rừng sẽ là lá chắn bảo vệ các loại cây dược liệu, trong đó có sâm Ngọc Linh.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay, để thúc đẩy việc bảo tồn, xây dựng và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh, huyện đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ các HTX đầu tư sản xuất giống sâm Ngọc Linh để hỗ trợ lại giống cho gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia liên kết với trồng sâm Ngọc Linh. Đồng thời, các HTX cấp giấy chứng nhận công bố sản phẩm thực phẩm để đưa ra thị trường.
“Hy vọng với việc triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của chính phủ trong mục tiêu giảm nghèo bền vững, cùng với việc xây dựng các cơ chế đặc thù phù hợp với thực tiễn tại địa phương thì chắc chắn rằng trong tương lai không xa, huyện vùng cao Tu Mơ Rông sẽ sớm thoát khỏi huyện nghèo và cuộc sống của người dân nơi đây sẽ ngày càng ấm no hơn”, ông Võ Trung Mạnh nói.
Kim Yến