Trong những năm qua, huyện Định Quán đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).
Nền tảng vững chắc
Với sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại các xã, thị trấn, người dân, HTX dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm và cải thiện điều kiện sống.
Song song với đó, chương trình khuyến nông của huyện đã đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật cho người dân. Các dự án hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác tiên tiến đã giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa các mô hình kinh tế.
Điển hình như mô hình chăn nuôi dê của gia đình ông Ửng Cooc Sáng ở xã Ngọc Định, hay việc mở rộng diện tích trồng sầu riêng của chị Võ Thị Thu Cúc ở xã Trà Cổ đều có sự hỗ trợ từ các chương trình này.
Để phát triển hiệu quả mô hình HTX, Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai phối hợp với Trường Trung cấp nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Nam tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức quản lý tài chính, kế toán, hỗ trợ HTX ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển HTX theo Luật HTX 2023… Trong đó, có các HTX ở huyện Định Quán được tham gia.
![]() |
Nhiều hộ dân có thêm thu nhập từ nghề thủ công mỹ nghệ. |
Chính vì vậy, không ít HTX trên địa bàn huyện không chỉ là mô hình kinh tế tập thể đơn thuần mà còn là "điểm tựa" vững chắc, giúp người dân đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều HTX đã và đang hoạt động hiệu quả, trở thành những mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu, đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo.
Tiêu biểu như HTX Trâu Bò Mạnh Cường tại xã Gia Canh đã đẩy mạnh liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình chăn nuôi theo hướng hàng hóa và an toàn sinh học. HTX cũng đứng ra hỗ trợ kỹ thuật, tìm kiếm thị trường, mở rộng đầu ra, từ đó đóng góp quan trọng trong việc tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Điều này cũng cho thấy tiềm năng phát triển của mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực chăn nuôi tại huyện Định Quán.
Đặc biệt, HTX cũng nhận được sự quan tâm của Liên minh HTX tỉnh trong việc định hướng sản xuất theo đúng Luật và hỗ trợ liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Còn tại HTX Tiểu thủ công nghiệp Định Quán, xã Phú Ngọc đang tập trung sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình, mây, tre, cói. HTX tạo việc làm cho khoảng 30 lao động tại chỗ và 700 lao động gia công tại nhà. Đây là mô hình kinh tế tập thể có nhiều năm hoạt động, tiên phong trong việc đưa nghề thủ công về địa phương phát triển, góp phần tạo việc làm và phát triển kinh tế nông thôn. HTX đang hướng tới đa dạng hóa sản phẩm và phát triển mô hình sản xuất kết hợp du lịch trải nghiệm.
HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp Phong Phú, xã Phú Túc đang kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán nông, lâm sản nguyên liệu và động vật sống, buôn bán thực phẩm, đồ uống, máy móc thiết bị nông nghiệp. HTX cũng đang tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho nhiều thành viên, người lao động tại địa phương.
Đi lên từ nhu cầu và thế mạnh của địa phương, HTX Sầu Riêng 94, xã Túc Trưng, với 32 thành viên, vốn điều lệ 2 tỷ đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực trồng trọt, chủ lực là trồng cây sầu riêng. Sự ra đời của HTX Sầu Riêng 94 là cơ hội để giúp các thành viên, nông dân tiếp cận được với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, vốn, bảo đảm đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, xây dựng sản phẩm OCOP... Hiên, HTX phối hợp với các ngành của huyện thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các thành viên áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng, sản phẩm OCOP... góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều HTX như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tổng Hợp DONA Thành Công, HTX dịch vụ vận tải ô tô Định Quán… đều đang đóng góp tích cực vào quá trình tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thúc đẩy kinh tế, hỗ trợ giảm nghèo
Các mô hình kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả cho thấy Định Quán có tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế cạnh tranh.
Chính vì vậy, ngoài thương mại dịch vụ, các mô hình HTX hoạt động hiệu quả đóng góp không nhỏ vào việc phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy giảm nghèo bền vững.
Như HTX Tiểu thủ công nghiệp Định Quán đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương thông qua sản xuất các mặt hàng từ lục bình, mây, tre, cói, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Theo tính toán của HTX Sầu Riêng 94, nếu áp dụng quy trình kỹ thuật và có đầu ra thuận lợi, lợi nhuận trên mỗi héc ta sẽ vào khoảng từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Điều này cho thấy tiềm năng thu nhập rất lớn từ cây sầu riêng. Huyện Định Quán có diện tích trồng sầu riêng lớn, với nhiều diện tích đã cho thu hoạch và sản lượng hàng năm đáng kể nên tạo ra nguồn thu lớn cho người dân khi tham gia HTX.
Chính nhờ những điều này mà đầu năm 2023, huyện chỉ còn 986 hộ nghèo (tỷ lệ 1,91%) và 482 hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,93%). Đến năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 86 triệu đồng, vượt chỉ tiêu đề ra cho thấy sự cải thiện về kinh tế của địa phương.
![]() |
Mô hình trồng sầu riêng cho thu nhập cao nếu áp dụng đùng quy trình và có đầu ra thuận lợi. |
Đặc biệt, huyện Định Quán đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023. Điều này phản ánh rõ rằng tiêu chí về giảm nghèo là một phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện.
Huyện đang tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2028. Chính vì vậy, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và các chính sách hỗ trợ khác để tạo sinh kế, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, thành viên HTX đang được triển khai trên địa bàn huyện.
Thúc đẩy HTX - giải pháp then chốt cho giảm nghèo
Để phát huy vai trò của HTX trong công cuộc giảm nghèo ở huyện Định Quán, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai thường xuyên có các buổi làm việc với UBND huyện Định Quán để nắm bắt tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX và tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc. Trong đó, vấn đề nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phụ trách kinh tế tập thể và các thành viên HTX luôn được quan tâm.
Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan như trường Trung cấp Nghề và Đào tạo cán bộ HTX miền Nam (Liên minh HTX Việt Nam) để triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý và thành viên HTX. Nội dung đào tạo thường tập trung vào quản trị HTX, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật,... Liên minh HTX tỉnh cũng là cầu nối để các HTX ở Định Quán tiếp cận các chương trình đào tạo, bồi dưỡng do Liên minh HTX Việt Nam và các trường đào tạo của hệ thống tổ chức.
Những hoạt động của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho các HTX ở huyện Định Quán. Các hoạt động này góp phần giúp các HTX hoạt động hiệu quả hơn, phát triển bền vững và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đến cuối năm 2024, huyện Định Quán đã có 41 HTX, 119 tổ hợp tác, 2 Quỹ tín dụng nhân dân, 6 Câu lạc bộ năng suất cao.
Những con số này cho thấy nỗ lực không ngừng và sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn huyện.Và đây cũng là cách đi đúng hướng trong công cuộc giảm nghèo bền vững. Bởi HTX không chỉ là một mô hình kinh tế hiệu quả mà còn là cầu nối quan trọng, giúp người dân phát huy tiềm năng, nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Việc tiếp tục đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các HTX sẽ là một giải pháp then chốt để huyện Định Quán đạt được những thành công lớn hơn nữa trong mục tiêu giảm nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân.
Minh Nhương