Huyện Trấn Yên là "vựa" dâu tằm lớn nhất tỉnh Yên Bái, với gần 1.000 ha, mỗi năm thu về giá trị trên 300 tỷ đồng cho người dân nơi đây. Trong đó, xã Báo Đáp là một trong những địa phương có diện tích nuôi tằm lớn nhất của huyện, tập trung ở các thôn Đồng Sâm, Đồng Danh, Đồng Ghềnh, Đồng Bưởi.
Thu tiền tỷ từ trồng dâu nuôi tằm
Trước đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm được ví von là nghề “ăn cơm đứng’' bởi sự vất vả, nhọc nhằn do bà con làm nghề theo cách truyền thống, tự học nhau kinh nghiệm, kỹ thuật. Thế nhưng những năm gần đây, nhờ tích cực tham gia những lớp tập huấn khoa học kỹ thuật của Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh, và trực tiếp áp dụng phương pháp được học vào nhà mình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao của các hộ gia đình.
![]() |
Huyện Trấn Yên là "vựa" dâu tằm lớn nhất tỉnh Yên Bái, với gần 1.000 ha, mỗi năm thu về giá trị trên 300 tỷ đồng. |
Với hơn 300 vòng tằm, sản lượng kén đạt gần 300 tấn, mang lại nguồn thu khoảng 25 tỷ đồng cho người dân trong xã Báo Đáp mỗi năm.
Anh Nguyễn Văn Tư (thôn Đình Xây) chia sẻ, từ khi chuyển sang trồng dâu nuôi tằm, kinh tế của gia đình anh ổn định và khá giá hơn hẳn. So với các loại cây trồng khác, trồng dâu nuôi tằm cho lợi nhuận gấp 3-4 lần. Điều quan trọng nhất khi nuôi tằm là phải đảm bảo vệ sinh sạch sẽ khu nuôi, đồng thời phải sát sao trong quá trình nuôi để sớm phát hiện tằm có bị bệnh hay không để kịp thời xử lý.
Cũng là hộ có thu nhập khá từ trồng dâu nuôi tằm trong xã, chị Nguyễn Thị Hải (thôn Đồng Xây) cho biết, trồng dâu nuôi tằm hiệu quả hơn trồng lúa và nhiều loại hoa màu khác.
"Bình quân mỗi lứa, gia đình thu từ 250 - 300kg kén tằm. Để nâng cao hiệu quả khi nuôi tằm, gia đình đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào trong chăn nuôi như chuyển từ né tre sang né gỗ vuông. Từ đó giúp rút ngắn thời gian cắm né, tơ thu được lại rất đẹp và năng suất, sản xuất ra là HTX bao tiêu ngay", chị Hải cho biết thêm.
"Cầu nối" giữa người dân và doanh nghiệp
Có thể nói, nghề trồng dâu nuôi tằm rất phù hợp với người dân nông thôn Trấn Yên, tuy nhiên trước đây, do tình hình thị trường, dịch bệnh nên giá kén tằm có năm cao, năm thấp. Sản phẩm kén làm ra trước đây chủ yếu do tư thương đến thu mua nên giá không ổn định, nhiều khi còn bị ép giá.
Huyện Trấn Yên đã hình thành HTX, tổ hợp tác, tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là các đầu mối trung gian kết nối giữa hộ nông dân với doanh nghiệp trong thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Hiện, trên địa bàn xã Báo Đáp đã thành lập được 5 HTX và 25 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. Nhờ liên kết giữa HTX với công ty, toàn bộ kén tằm của các hộ dân được thu mua, giá cả thu mua cũng ổn định hơn so với tư thương.
Người dân trên địa bàn huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung đã thực sự nhìn thấy giá trị của nghề trồng dâu nuôi tằm. Diện tích trồng dâu không ngừng được tăng lên, chất lượng kén tằm cũng được nâng cao.
Bà Nguyễn Thị Tâm, người đã gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm lâu năm ở xã Báo Đáp cho biết, bà và các hộ dân trong xã đã tham gia vào HTX trồng dâu nuôi tằm, HTX cung ứng giống tằm, sau đó thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao, ổn định để bán cho nhà máy sản xuất.
“Tôi và hàng trăm hộ dân địa phương rất yên tâm mở rộng diện tích sản xuất”, bà Tâm phấn khởi nói.
Theo cán bộ phụ trách kinh tế xã Báo Đáp, đến nay nghề trồng dâu nuôi tằm đã trở thành ngành chủ lực trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ xã Báo Đáp, các địa phương trên địa bàn huyện Trấn Yên hiện cũng đang tích cực vận động người dân đổi mới cách thức sản xuất, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn thành lập các HTX, tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm. Đây sẽ là tiền đề vững chắc để mở rộng vùng nguyên liệu, đưa nghề dâu tằm tơ phát triển ngày càng bền vững.
![]() |
Nhờ liên kết giữa HTX với công ty, toàn bộ kén tằm của các hộ dân được thu mua, giá cả thu mua cũng ổn định hơn so với tư thương. |
Đại diện Liên minh HTX tỉnh Yên Bái cho biết: "Các HTX đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và làm thay đổi căn bản đời sống của người dân”.
Nỗ lực đưa cây dâu trở thành cây trồng mũi nhọn
Ban lãnh đạo huyện Trấn Yên nhận xét, mô hình trồng dâu nuôi tằm sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với hình thức tổ chức sản xuất phù hợp đã góp phần tạo sự chuyển biến trong tư duy và cách thức tổ chức sản xuất, mang lại hiệu quả cao cho người dân.
Là một trong những huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, đến nay công tác giảm nghèo của huyện đã đạt những kết quả ngoài mong đợi. Cụ thể, từ 955 hộ nghèo cuối năm 2021 đến cuối năm 2024 đã giảm còn 235 hộ, giảm 2,98%, trung bình giảm 0,99%/năm; tỷ lệ hộ cận nghèo đến cuối năm 2024 giảm còn 439 hộ, giảm 2,57%, trung bình giảm 0,86%/năm.
Theo các chuyên gia, nếu triển khai đúng hướng, dâu tằm có thể trở thành cây trồng mũi nhọn giúp nâng cao thu nhập cho nông dân Yên Bái, thay thế một số cây trồng kém hiệu quả. Tuy nhiên, để đảm bảo sự bền vững, ngành nông nghiệp khuyến cáo các HTX cần chú trọng quy hoạch vùng trồng, ứng dụng công nghệ bảo quản và chế biến, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ, tránh phụ thuộc vào một số ít đầu mối.
Được biết, thời gian qua, Yên Bái đã và đang thực hiện 9 dự án hỗ trợ phát triển trồng dâu nuôi tằm với tổng kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng. Trong đó, dự án của HTX dâu tằm Hưng Thịnh có quy mô chăm sóc 45 ha dâu hiện có, trồng mới 8,13 ha, xây dựng và nâng cấp 14 nhà tằm lớn.
Dự án của HTX dâu tằm Hạnh Lê cũng không kém cạnh với việc mở rộng 50,5 ha dâu hiện có, trồng mới 6,64 ha và xây dựng 24 nhà tằm. Các dự án khác tại Hồng Ca, Minh Quân (huyện Trấn Yên), Yên Thái, Xuân Ái (huyện Văn Yên) cũng đang trong quá trình giải ngân và triển khai đồng bộ.
Điểm đáng chú ý là các dự án này đều hướng đến liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến tơ tằm, giúp người dân yên tâm về đầu ra. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của tỉnh, nhiều hộ dân đã đầu tư xây dựng nhà tằm quy mô lớn, áp dụng công nghệ chăn nuôi tằm hiện đại, nâng cao hiệu suất và chất lượng sản phẩm.
Dù vậy, trong quá trình thực hiện đang gặp phải một số trở ngại do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 hồi tháng 9/2024.
Tuy nhiên, nhờ sợ nỗ lực của các cấp chính quyền cũng như người dân, đến nay, các vùng trồng dâu, nuôi tằm dọc sông Hồng nằm trên địa bàn 2 huyện Trấn Yên, Văn Yên bị ảnh hưởng sau bão lũ cũng đang xanh tươi trở lại. Riêng năm 2024, vùng dâu tằm đã phục hồi được 602/661ha; trong đó, huyện Văn Yên là 44ha, huyện Trấn Yên là 558ha, dự kiến dâu từ diện tích trồng mới này sẽ bắt đầu được sử dụng để nuôi tằm trở lại từ vụ thu năm nay.
Ngoài diện tích bị ảnh hưởng đang phục hồi, năm 2025, 2 địa phương này lại tiếp tục vận động nhân dân trồng mới 280ha, trồng cải tạo 50ha, nâng diện tích dâu lên trên 1.400ha, sản lượng kén tằm đạt trên 2.300 tấn.
3 tháng đầu năm 2025, huyện Văn Yên đã tiến hành trồng mới được 50/180ha dâu, huyện Trấn Yên đã trồng mới 72/100ha. Người dân cơ bản nắm được kỹ thuật, tích cực chăm sóc cây dâu, con tằm theo đúng quy trình. Với giá bán cao, người trồng dâu, nuôi tằm đang có một khởi đầu rất tốt, hứa hẹn một mùa bội thu.
“Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn sau mưa lũ, tỉnh Yên Bái vẫn kiên trì với mục tiêu đưa cây dâu tằm trở thành cây chủ lực, ưu tiên phát triển trong thời gian tới”, đại diện tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.
Giang Nguyễn