Dự án phát triển cây thức ăn chăn nuôi ở Tuyên Quang được triển khai thí điểm tại 3 địa phương gồm xã Yên Nguyên (huyện Chiêm Hóa), xã Mỹ Bằng (huyện Yên Sơn) và xã Quyết Thắng (huyện Sơn Dương), đang cho thấy hiệu quả vượt trội cả về kinh tế và môi trường sinh thái.
Sản xuất xanh, thu lợi lớn
Ông Phạm Văn Chiến, xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương cho biết, trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi thường thu hoạch khi cây còn xanh, búp non nên năng suất khá cao, đạt trung bình 2,2 - 2,3 tấn/sào, đồng thời rút ngắn được thời vụ.
![]() |
Trồng ngô lấy thân làm thức ăn chăn nuôi đang cho thấy hiệu quả tích cực ở Tuyên Quang (Ảnh TL). |
Cụ thể, vụ trồng ngô thức ăn chăn nuôi thường dài khoảng 80 - 85 ngày nên mỗi năm có thể trồng 3 vụ. Đặc biệt, nhờ sự kết nối của HTX nông nghiệp Quyết Thắng, 100% sản phẩm của các hộ sản xuất trong xã được bao tiêu, giá thỏa thuận theo hợp đồng với trang trại bò sữa Hồ Toản là 820 nghìn/tấn.
“Năng suất cao, thị trường ổn định, với hơn 10 sào đất bãi trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi, mỗi năm tôi thu về gần 60 triệu đồng, tăng gấp đôi so với trồng ngô lấy hạt”, ông Chiến phấn khởi nói.
Theo ông Chiến, để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu cho doanh nghiệp, HTX yêu cầu các hộ liên kết canh tác ngô theo quy trình hữu cơ, nói không với các hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng, các loại thuốc diệt cỏ.
Thay vào đó, các hộ ưu tiên phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường. Nguồn nước dẫn vào ruộng phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm.
Tương tự, gia đình ông Hà Doãn Hộ, thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa sau khi tham gia dự án trồng ngô làm thức ăn chăn nuôi đã tạo thêm được việc làm, gia tăng được thu nhập cho gia đình.
Ông Hộ cho biết, gia đình ông có 6 sào ruộng, những năm trước mỗi năm trồng 1 vụ ngô, 1 vụ lúa nhưng thị trường bấp bênh nên hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2020, gia đình ông tham gia dự án trồng cây thức ăn cho chăn nuôi, thời vụ được rút ngắn nên gieo trồng thêm được 1 vụ ngô nữa. Chủ động được nguồn thức ăn sạch, ông Hộ đầu tư chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, vợ chồng ông có việc làm thường xuyên, thu nhập tăng lên đáng kể.
Phát huy triệt để tiềm năng
Cũng giống như các hộ khác trong dự án, gia đình ông Hà Doãn Hộ cũng tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc sản xuất an toàn sinh thái, sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, nhằm giảm thiểu tình trạng thoái hóa nguồn đất, nguồn nước, đảm bảo hiệu quả lâu dài.
![]() |
Cần có sự liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp để phát huy tiềm năng trồng cây thức ăn chăn nuôi ở Tuyên Quang (Ảnh TL). |
Được biết, sản xuất sạch, thân thiện môi trường cũng là một trong những chủ trương của ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang khi triển khai dự án trồng cây thức ăn chăn nuôi, nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo đại diện Sở NN&TNT tỉnh Tuyên Quang, hiện dự án đang thực hiện trồng 4 giống ngô gồm ĐH 17-5l, ĐH 19-2, VN 172, KM16. Đây là những giống ngô mới, với nhiều ưu điểm nổi trội như thời gian sinh trưởng ngắn, có sức đề kháng tốt với thời tiết, sâu, bệnh hại.
Tuyên Quang có tiềm năng rất lớn để trồng ngô lấy thân, bởi toàn tỉnh có tổng đàn gia súc trên 132 nghìn con, đặc biệt trên địa bàn tỉnh có hàng chục HTX chăn nuôi gia súc quy mô vừa và nhỏ, 4 trang trại chăn nuôi bò sữa tầm cỡ với tổng đàn trên 4.100 con.
Bên cạnh đó, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của Tuyên Quang rất phù hợp với phát triển cây ngô làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc lớn. Song, qua khảo sát nhiều địa phương, người dân vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của loại cây trồng này.
Vì vậy, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh lan tỏa rộng rãi hiệu quả của mô hình, thu hút nhiều hộ nông dân tham gia phát triển, từ đó đảm bảo nguồn thức ăn sạch cho các trang trại chăn nuôi của HTX, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt, để phát triển bền vững, tỉnh sẽ hỗ trợ các địa phương hình thành liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp chăn nuôi, phát triển sản xuất theo hướng an toàn sinh thái, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Không chỉ đặt mục tiêu đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn xanh chất lượng cao cho các HTX, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, nếu phát huy tốt tiềm năng, tỉnh Tuyên Quang có thể hướng tới việc xuất bán sản phẩm sang các tỉnh lân cận, bởi nhu cầu thức ăn chăn nuôi sạch hiện rất lớn.
Nhật Minh