Trên địa bàn huyện Krông Ana có 7 xã và 1 thị trấn, với 72 thôn, buôn, tổ dân phố. Huyện có 26 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hiện vẫn còn 11 buôn đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 23,54% dân số toàn huyện.
Đa dạng mô hình sinh kế
Mặc dù đôi chân bị tật nguyền nhưng bà H Yar Kbuôr ở buôn Kala, xã Dray Sáp vẫn giữ nghề dệt và phát triển kinh tế từ nghề truyền thống. Động lực cho hành trình này chính là nguồn vốn chính sách xã hội. Từ số tiền 50 triệu đồng vay theo chương trình cho vay hộ nghèo, bà đã mở cơ sở dệt may thổ cẩm. Bên cạnh những tấm vải thổ cẩm dệt thủ công truyền thống, cơ sở còn sản xuất nhiều loại sản phẩm khác như quần áo, giỏ, balô... Ngoài phát triển kinh tế gia đình, cửa hàng của bà H Yar Kbuôr còn tạo việc làm thêm cho 10 phụ nữ trong buôn với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.
![]() |
Những mô hình sản xuất sạch, hữu cơ đang tạo bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp. |
Cùng với việc triển khai linh hoạt các chương trình, dự án, chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS, việc thực hiện Nghị quyết 07/NQ-HU ngày 11/10/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Ana về phát triển kinh tế - xã hội các buôn đồng bào DTTS trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025 đã thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS huyện Krông Ana. Nổi bật là ngày càng có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, đời sống của người dân được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Điển hình như gia đình anh K’Nich ở buôn Dur 1, xã Dur Kmăl. Sau thời gian rèn luyện trong quân ngũ, anh K’Nich trở về buôn tập trung phát triển kinh tế. Tham gia mô hình tái canh cà phê theo Nghị quyết 07, anh K’Nich được hỗ trợ 600 cây cà phê và 45 cây sầu riêng trồng trên diện tích 6 sào đất nông nghiệp. Canh tác bài bản, khoa học, vườn cây của gia đình anh trở thành mô hình mẫu để bàn con thăm quan, học tập.
“Năm 2021, tôi nhận hỗ trợ xây dựng mô hình tái canh cà phê theo hướng xen sầu riêng và dành nhiều thời gian chăm sóc cây trồng. Ngoài tham gia các lớp tập huấn, thực hiện tái canh theo đúng quy trình, tôi còn sang Lâm Đồng học hỏi kinh nghiệm, mua thêm giống về ghép để nâng cao năng suất”, anh K’Nich cho biết.
Tổ mô hình tái canh cà phê theo Nghị quyết 07 tại buôn Dur 1 có 5 hộ tham gia, anh K’Nich không chỉ tiên phong phát triển mô hình, mà còn tận tình hướng dẫn 4 thành viên trong tổ cải tạo vườn cà phê xen canh.
Trong thời gian qua, chính quyền và các ban ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ bà con tạo sinh kế, phát triển sản xuất. Trong đó, tập trung vào công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến nông, khuyến lâm; xây dựng mô hình kinh tế hợp tác, tổ hợp tác (THT), tổ liên kết sản xuất cho hộ nghèo; phát triển cây trồng chủ lực như cà phê, hồ tiêu, lúa nước, chăn nuôi gia súc gia cầm…
Kết quả bước đầu cho thấy, nhiều xã đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%, một số hộ sau hỗ trợ đã thoát nghèo bền vững và có điều kiện vươn lên làm giàu; cộng đồng ngày càng có nhận thức tích cực hơn về việc tự lực thoát nghèo.
Trong năm 2025 này, UBND huyện Krông Ana đã đề ra chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1-1,2% trở lên, riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm từ 1,5-2% trở lên; duy trì 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao… Trong đó, việc xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX hiệu quả tiếp tục được huyện chú trọng, nhằm góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo ở các địa phương.
Những “đầu tàu” liên kết
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, hoạt động của các loại hình kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX và THT, trên địa bàn huyện Krông Ana có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
![]() |
Các HTX và tổ hợp tác là "đầu tàu" liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. |
Điển hình như THT Gạo thơm 10/3 (xã Ea Bông). Thành lập vào tháng 9/2023, THT có 19 thành viên cùng tham gia sản xuất lúa giống Đài Thơm 8 theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 30ha. Tổ trưởng Lê Văn Kim cho biết, để thành lập được THT, ngoài việc tuyên truyền để nông dân hiểu rõ hơn về hiệu quả khi tham gia liên kết sản xuất, THT đã lựa chọn hợp tác với các nhà sản xuất, nhà phân phối, đáp ứng nhu cầu vật tư nông nghiệp trong sản xuất cho thành viên và nông dân; hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm ra với giá bán cao hơn bên ngoài liên kết.
Do thấy rõ lợi ích khi liên kết sản xuất, nhiều nông hộ đã tham gia THT. Từ 19 thành viên ban đầu, đến nay, THT đã có 39 thành viên với tổng diện tích hơn 45 ha, năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/ha.
Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình (xã Quảng Điền) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất chính là trồng lúa nước; quản lý khai thác các công trình thủy lợi với tổng diện tích sản xuất 653ha. Hiện, HTX có 22 thành viên chính thức và hơn 700 thành viên liên kết.
Giám đốc Đoàn Công Bình thông tin, thay vì sản xuất lúa nước nhỏ lẻ, sản lượng, chất lượng thấp như trước đây, các thành viên HTX đã chuyển sang sản xuất theo hướng tập trung, áp dụng “3 giảm, 3 tăng” để nâng cao thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
HTX đã khoanh vùng sản xuất lúa theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm với quy mô 40ha. 40 nông hộ tham gia vào dự án đều được hỗ trợ trung bình hơn 10,8 triệu đồng/ha để đầu tư sản xuất. Sau thu hoạch, lúa đạt tiêu chuẩn được xuất bán, nông hộ có lợi nhuận tăng thêm khoảng 8 triệu đồng/ha.
Năm 2024, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống Đài Thơm 8 (150 ha), lúa thương phẩm (170ha) và lúa giống RVT (35ha), qua đó từng bước hướng nông hộ tới sản xuất lúa có sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao để nâng cao giá trị lúa gạo ở địa phương.
HTX Sản xuất ca cao hạt Tân Thành (xã Ea Na) cũng là một “đầu tàu” liên kết sản xuất, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân. HTX có 15 thành viên, bên cạnh việc liên kết hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá cao hơn thị trường 10%, HTX đang liên kết với Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (doanh nghiệp có trang trại ca cao được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh) phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch.
Giám đốc Nguyễn Văn Sỹ chia sẻ, tham gia HTX, nông dân ngày càng gắn bó hơn với nhau, cùng trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Đây là tiền đề để mở rộng vùng liên kết sản xuất theo hướng ổn định, bền vững, đồng thời cũng là nền tảng để HTX phát triển cả về năng lực và quy mô hoạt động.
Đồng hành cùng HTX
Có thể khẳng định, trong thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Xác định được vấn đề này, UBND huyện Krông Ana luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động ổn định và nâng cao năng lực đối với 30 HTX, 14 THT tại địa bàn. Ngoài ra, toàn huyện hiện có 64 trang trại nông nghiệp với diện tích hơn 321 ha, trong đó có 42 trang trại trồng trọt, 20 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại thủy sản, 1 trang trại tổng hợp; có 130 hộ nuôi chim yến với 142 nhà yến, bước đầu đã có thu hoạch sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Huyện Krông Ana cũng nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục để phát huy vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, công tác xóa đói, giảm nghèo trong thời gian tới. Đó là, dù đã và đang góp phần quan trọng và giải quyết việc làm, phát triển kinh tế ở địa phương, nhưng chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực kinh tế tập thể của huyện nhìn chung còn thấp. Đồng thời, sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực được sản xuất, tiêu thụ trong các chuỗi giá trị chưa đạt yêu cầu đề ra, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng sản lượng sản xuất trên địa bàn.
Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của các HTX, THT, huyện tiếp tục tạo điều kiện, đôn đốc các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết chuỗi đặc biệt là xây dựng hạ tầng cơ sở, nhà máy chế biến nông, lâm sản; liên kết với các hộ nông dân từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sức bật mới cho kinh tế tập thể, góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban ngành chức năng của trung ương và địa phương, trong đó có Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Đắk Lắk có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đồng hành với các HTX, THT nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó nâng cao thu nhập cho các thành viên và hộ dân liên kết. Những nội dung trọng tâm trong thời gian tới cần được quan tâm là: chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, đào tạo kỹ năng quản lý, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh để tiếp cận nguồn vốn tín dụng…
Phương Linh