Ngày 16/5 tới đây là kỷ niệm tròn một năm diễn ra Lễ ký kết Hợp tác chiến lược phát triển cây chia giữa UBND huyện Than Uyên và HTX Nhà Xanh toàn cầu, Trung Tâm chuyển giao công nghệ & Khuyến nông.
Cái bắt tay lịch sử
Chia còn được biết đến với cái tên Salvia, là loại thảo mộc siêu thực phẩm. Trong hạt chia chứa hàm lượng cao chất xơ, protein, axit béo Omega-3, chất chống oxy hóa… mang lại nhiều lợi ích đã được chứng minh cho sức khỏe, làn da và vóc dáng. Do đó, cây chia được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như thực phẩm, mỹ phẩm và dược phẩm.
![]() |
Hạt chia là siêu thực phẩm, có hàm lượng dinh dưỡng cao. |
Không chỉ mang lại giá trị cao, chia còn được mệnh danh là loại cây dễ trồng nhất trong các loại siêu thực phẩm và thảo mộc. Cây có thể sinh trưởng tốt suốt các mùa. Dù khí hậu khô nóng hay lạnh giá, đất đai không quá màu mỡ, cây vẫn không cần chăm sóc nhiều.
Dựa trên tình hình thực tiễn về tiềm năng phát triển của cây chia trên thế giới và tại Việt Nam, HTX Nhà Xanh toàn cầu đã xác định sứ mệnh nghiên cứu tiên phong đưa loại cây giá trị này trở thành mũi nhọn mới của nông nghiệp Việt Nam, với chiến lược liên kết hợp tác xây dựng vùng trồng, đầu tư áp dụng công nghệ vào sản xuất và bao tiêu thu mua sản phẩm.
Dự án được đặt nền móng từ năm 2012, dưới bàn tay tâm huyết của Tiến sĩ Phạm Văn Dân và Trung Tâm chuyển giao Công nghệ & Khuyến nông, đã thuần hoá và đưa vào sản xuất được 3 giống chia phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đồng bằng Bắc bộ và miền núi phía Bắc, cho năng suất và chất lượng thực thu đạt các tiêu chí dinh dưỡng ở mức cao so với thế giới. Cụ thể, đạt 8,5/10 điểm dựa trên kết quả kiểm tra dầu 31,75/34g, protein 18,15/21g.
Sau khi đem trồng thử nghiệm giống chia ở nhiều nơi, hợp tác xã xác định, Than Uyên là một trong những địa phương có nhiều lợi thế nhất. Sở hữu vùng thung lũng bao quanh là núi nên có thổ nhưỡng phù hợp, khí hậu mát mẻ, ổn định, Than Uyên rất phù hợp với cây lấy dầu, trong đó có cây chia. Bên cạnh đó, tập quán canh tác tự nhiên của bà con tại đây ít dùng các sản phẩm hoá học, dễ khoanh vùng sản xuất theo chuẩn hữu cơ.
Than Uyên cũng có nhiều tiềm năng để quy hoạch phát triển thành một vùng nguyên liệu, tập trung cung cấp các sản phẩm từ cây chia cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Quan trọng hơn, loại cây cho hạt li ti này sẽ giúp bà con nâng cao thu nhập, từ đó giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế tại địa phương.
Kết quả xứng đáng
Được biết, ngay sau khi ký kết hợp tác, huyện Than Uyên đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để vận động bà con trồng cây chia. Bao gồm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, thị trấn rà các soát diện tích đất, vận động bà con chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả. Ngoài ra, huyện cũng tạo điều kiện chính sách và quản lý quy hoạch vùng trồng khuyến khích sự tham gia và giúp bà con nông dân thuận lợi canh tác phát triển cây chia.
Trong năm 2024, huyện đã tập trung trồng cây chia tại xã Mường Kim và Mường Cang. Đến nay, sau hơn một năm ký kết, tổng diện tích trồng chia trên địa bàn đã lên tới 12 ha, tập trung ở các xã: Mường Than, Mường Cang, Mường Kim và Tà Mung.
Trong đó, Tà Mung là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Than Uyên. Thu nhập, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng vì thiếu nước, nhiều năm nay, người dân xã chỉ sản xuất được một vụ lúa. Kinh tế khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã còn cao.
Khi huyện Than Uyên chỉ đạo đưa cây chia vào trồng trên diện tích cấy lúa một vụ, xã Tà Mung đã vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi. Giống cây chia được cung cấp từ Trung Tâm Chuyển Giao Công Nghệ & Khuyến Nông có tỷ lệ nảy mầm và phát triển tốt. Sau khoảng 3 tháng trồng, cây bắt đầu cho ra hạt, bắt đầu vào mùa thu hoạch. Sau khi thu hoạch bằng cách tách quả ra khỏi cây, người nông dân sẽ tiến hành tách hạt. Để đảm bảo chất lượng, hạt chia được sấy khô và bảo quản trong điều kiện khô ráo.
![]() |
Người dân Than Uyên sơ chế cây chia lấy hạt. Ảnh: Hợp tác xã Nhà xanh toàn cầu. |
Theo lãnh đạo UBND huyện Than Uyên, kết quả bước đầu cho thấy cây chia mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất trung bình đạt gần 8 tạ/ha với giá 100 nghìn đồng/1 kg. So với trồng lúa, trồng chia cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Đáng chú ý, cây chia mang lại giá trị kinh tế không chỉ từ sản phẩm hạt mà còn từ các sản phẩm phụ như lá non, vỏ cây, cành lá. Hoa cây chia đẹp độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, là điểm đến lý tưởng cho du khách chụp ảnh lưu niệm.
Hơn nữa, việc phát triển cây chia cũng tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương, từ công việc trồng trọt, thu hoạch đến chế biến, đóng gói.
Từ đó, đời sống người dân huyện Than Uyên đã có những chuyển biến tích cực. Không chỉ thoát nghèo, sống ổn định mà còn có thêm nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp mới. Thừa thắng xông lên, địa phương dự kiến tiếp tục mở rộng diện tích cây chia, từng bước đưa thành cây trồng chủ lực tại các xã.
Vai trò cầu nối của HTX
Đóng góp không nhỏ trong thành công này là hợp tác xã với vai trò là cầu nối, giúp Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông kịp thời cử chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm về trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến cây chia cho nhân dân trong quá trình sản xuất; cung cấp, chuyển giao, chia sẻ thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật; phối hợp với các bên rà soát, đánh giá điều kiện sản xuất tại các vùng, lựa chọn vùng trồng và đưa ra các biện pháp áp dụng để đảm bảo được chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại để giới thiệu và phát triển sản phẩm từ hạt và cây chia, nâng cao giá trị sản phẩm; triển khai xây dựng thương hiệu vùng trồng, mã vùng trồng tại huyện Than Uyên để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường…
Trong hợp tác chiến lược này, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cùng với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường đóng vai trò là đơn vị bảo trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Với mạng lưới hợp tác xã trên cả nước và khả năng kết nối các nguồn lực xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã góp phần định hướng phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo yếu tố liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Dự án hợp tác chiến lược này đã mở ra một hành trình mới cho cây chia Việt Nam nói riêng và ngành nông sản Việt Nam nói chung, nâng cao vị thế của nông sản Việt trên thị trường tiêu dùng trong nước và quốc tế, tạo tiền đề cho nhiều giống cây, sản phẩm tiềm năng chất lượng cao ra đời.
Trong bối cảnh cạnh tranh trên thế giới ngày càng gay gắt, nơi chỉ còn chỗ cho những sản phẩm xanh, sạch, chất lượng, cây chia sẽ là hướng đi đúng đắn cho bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tại vùng cao nói riêng và cả nước nói chung.
Minh Khôi