Đặc biệt, tại huyện Đầm Hà, nhờ phát triển theo hướng liên kết chuỗi, nhiều nông sản của các HTX đã tạo dựng được thương hiệu, như dưa lưới, rau - cà chua hữu cơ; mô hình nuôi ngan, trứng vịt đạt tiêu chuẩn OCOP 3 – 5 sao... được người tiêu dùng và thị trường đánh giá cao.
Giám đốc HTX không ngại "bẻ lái"
Với khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình, anh Trương Thế Đô, thôn Làng Y, xã Đại Bình đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, chọn lựa cho mình hướng đi phù hợp, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
![]() |
Anh Trương Thế Đô, Giám đốc HTX Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt chăm sóc cây dưa lưới trong nhà màng. |
Những ngày đầu khởi nghiệp, anh Đô tập trung vào việc chăn nuôi ngan và trâu sinh sản. Nhờ chịu khó học hỏi, trung bình mỗi năm, gia đình anh xuất bán ra thị trường trên 10 tấn ngan sao thương phẩm, sau khi trừ chi phí, cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Với đầu ra của sản phẩm ngan sao ổn định, tạo thu nhập để anh có điều kiện tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô mô hình kinh tế của gia đình.
Nhận thấy thị trường ưa chuộng các sản phẩm nông nghiệp sạch, năm 2018, anh Đô đã tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định trồng thử nghiệm 1.000m2 mô hình măng tây xanh theo hướng hữu cơ, tuy nhiên mô hình không thành công. Không lùi bước trước khó khăn, anh Đô chuyển hướng đi theo mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững, trồng các loại dưa lưới, dưa baby, cà chua theo công nghệ Israel. Đầu năm 2019, anh đầu tư khu nhà màng với diện tích trên 1.000m2 trồng dưa lưới, sau khoảng 3 tháng dưa cho thu hoạch với trọng lượng khoảng 1,5kg/quả. Mô hình thành công đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Với mong muốn mở rộng quy mô phát triển kinh doanh đầu tư, tạo chuỗi liên kết sản phẩm, dần hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung, tháng 9/2021 anh Đô đã cùng 6 hộ nông dân trong vùng thành lập HTX Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt. Từ một HTX nhỏ có số vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng, đến nay con số này đã là hơn 5 tỷ đồng.
“HTX Thành Đạt đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương thông qua những chính sách, pháp luật, cơ chế quản lý và khuyến khích đầu tư nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa của Nhà nước; các thành viên trong HTX có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và đất đai, nguồn nhân lực lao động tại chỗ, nên tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất”, anh Đô chia sẻ.
Đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho hay, nhờ áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại, mô hình trồng dưa lưới của anh Trương Thế Đô (HTX Sản xuất nông nghiệp hữu cơ Thành Đạt) đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận, sản phẩm dưa lưới chất lượng, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Được biết, từ hiệu quả mô hình ban đầu, HTX Thành Đạt đã từng bước mở rộng quy mô canh tác lên 4ha, trong đó xây dựng 4 nhà màng, với diện tích 7.000m2 mang lại thu nhập trung bình từ 2 – 3 tỷ đồng/năm với lợi nhuận đạt 30%.
Không ngừng nâng cao giá trị nông sản
Trên quan điểm ưu tiên phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, huyện Đầm Hà từng bước quy hoạch, hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung về thuỷ sản, chăn nuôi đàn gia súc gia cầm, trồng cây ăn quả. Huyện khuyến khích các nông hộ, các HTX và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, giống mới vào sản xuất, áp dụng quy trình canh tác tiên tiến, đưa ra thị trường những nông sản sạch, nông sản không dư lượng hoặc không có thành phần chất hoá học, đạt chất lượng và giá trị cao.
Tương tự lĩnh vực trồng trọt, trong lĩnh vực chăn nuôi, HTX Thắng Huệ (thị trấn Đầm Hà) hiện cũng là đơn vị điển hình phát triển theo hướng liên kết chuỗi. Khởi điểm từ mô hình chăn nuôi ngan sao nông hộ, anh Đinh Văn Thắng, Giám đốc HTX đã mở rộng sang lĩnh vực dịch vụ ấp trứng gia cầm thuê cho bà con, dịch vụ giết mổ gia cầm, kiêm cung ứng giống gia cầm ra thị trường.
Cũng trên địa bàn huyện Đầm Hà, do nhận thấy tiềm năng phát triển từ nghề làm chả cá, chả mực và các thực phẩm tươi sống, anh Hà Văn Tiêu, thôn Trại Giữa, xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà), đã thành lập HTX Thương mại và Chế biến thực phẩm Khánh Đan.
Sản phẩm chả cá, chả mực của HTX Khánh Đan từng bước tạo dựng thương hiệu uy tín trên thị trường. Đến nay, sản phẩm của HTX được công nhận OCOP 3 sao, tiêu thụ trên toàn quốc với sản lượng hàng chục tấn/tháng, doanh thu mỗi năm vào khoảng trên 2 tỷ đồng. Không chỉ tập trung sản xuất cung cấp cho thị trường truyền thống (chợ, bếp ăn công nghiệp, trường học…), HTX đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tận dụng ưu thế hệ thống thương mại điện tử, mạng xã hội để bán hàng bằng hình thức online.
HTX hiện tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức lương 7-10 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao đời sống cho thành viên và người lao động.
Trên thực tế, thời gian qua, tại huyện Đầm Hà nói riêng và trên toàn tỉnh Quảng Ninh nói chung, đã có nhiều HTX chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho nông sản, mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn thương mại điện tử xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện có 300 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao của tỉnh được giới thiệu, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
![]() |
Sản phẩm chả cá, chả mực của HTX Khánh Đan góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. |
Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian tới, anh Trương Thế Đô cho hay HTX dự kiến tiếp tục mở rộng sản xuất, phát triển các vùng trồng rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản, cung cấp cho thị trường sản phẩm rau sạch, chất lượng.
“Để đạt được mục tiêu đề ra, HTX rất mong chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện về đất đai, cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch của người dân, giúp nâng cao đời sống của các thành viên”, anh Đô bày tỏ.
Kinh tế tập thể là nòng cốt
Nhờ có sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền và các ban ngành chức năng, trong đó có hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, nhiều thành viên HTX tại địa phương đã mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn lao động, đất đai của từng gia đình, địa phương để phát triển kinh tế; xuất hiện ngày càng nhiều HTX sản xuất kinh doanh giỏi với mức thu nhập hàng trăm đến hàng tỷ đồng một năm.
![]() |
Nhiều thành viên HTX tại Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. |
Ở Đầm Hà có rất nhiều gương điển hình trong công tác xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, với việc thực hiện tốt chương trình vay vốn giải quyết việc làm, đã giúp người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, từng bước tăng thu nhập.
Tính đến tháng 4/2025, tỉnh Quảng Ninh đã có 1.087 HTX, trong đó 768 HTX nông nghiệp (chiếm hơn 70%), tạo việc làm cho gần 75.000 lao động (chiếm 10,9% lực lượng lao động toàn tỉnh).
Doanh thu bình quân một HTX ước đạt 850 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân một thành viên, lao động HTX là 5,6 triệu đồng/người/tháng.
Hiện, số HTX làm ăn hiệu quả được duy trì và tăng lên, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường, từ đó khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh việc tăng mạnh về số lượng, công tác tổ chức, quản lý HTX đã có những thay đổi tiến bộ theo hướng dân chủ và minh bạch hơn. Trong các hoạt động của HTX đã có sự liên kết, liên doanh với nhau và liên kết hợp tác với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác để cùng phát triển. Do vậy, số HTX làm ăn hiệu quả được duy trì và tăng lên, thích ứng ngày càng tốt hơn với cơ chế thị trường. Từ đó, khẳng định rõ hơn vai trò, vị trí của HTX trong nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh bước đầu đã tác động tích cực, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX.
Xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh và Liên minh HTX tỉnh đã có nhiều giải pháp cụ thể đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát triển. Theo đó, tỉnh ưu tiên dành nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn hợp pháp, chính đáng của các HTX; thực hiện đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng để phục vụ phát triển HTX; hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm được sản xuất bởi các HTX.
Hồng Hương