Cây chuối lùn, trong tiếng của người Pa Kô ở Tà Rụt gọi là “Ta Pê”, quả to tròn, khi chín rất thơm ngon, có vị đặc trưng riêng. Chuối lùn dễ trồng và chăm sóc, sinh trưởng nhanh, ít bị sâu bệnh, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Dấu ấn của tổ hợp tác
Tại xã Tà Rụt, cây chuối lùn bản địa được người Pa Kô và người dân địa phương trồng từ lâu đời trên nương rẫy, trong vườn nhà. Loại chuối lùn này khi chín rất thơm ngon, quả to tròn và có vị đặc trưng riêng nên được nhiều người ưa chuộng.
![]() |
Tổ hợp tác trồng chuối lùn xã Tà Rụt đưa cây chuối lùn trở thành loại cây sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. |
Tuy nhiên, với lối canh tác lạc hậu, chủ yếu mang tính tự phát dẫn đến năng suất thấp, chất lượng mẫu mã chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Vì vậy, có một thời gian người dân bỏ mặc, không mặn mà với cây chuối lùn nên cây trồng bản địa này cũng gần như bị suy thoái về giống.
Với mong muốn khôi phục loài cây bản địa này và là cây “xóa nghèo” cho người dân Tà Rụt, vài năm trước Tổ hợp tác trồng chuối lùn xã Tà Rụt đã được thành lập với 15 hộ dân tham gia ban đầu. Tổ hợp tác đã khôi phục, phát triển khoảng 20 ha chuối lùn theo hướng thâm canh. Với hình thức liên kết, tổ hợp tác giúp cho hàng chục chị em phụ nữ là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có việc làm, thu nhập ổn định.
Đến nay, tổ hợp tác này có 20 thành viên, với hàng ngàn buồng chuối được thu hoạch và bán ra thị trường mỗi năm, tổng thu nhập đạt khoảng 720 triệu đồng/năm. Có được thành quả đó là nhờ các thành viên tổ hợp tác chịu khó tìm tòi, học hỏi và nhất là tham gia các buổi tập huấn nhằm tiếp cận ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Sau khi tham gia các lớp tập huấn, các thành viên tổ hợp tác đã mạnh dạn cày bừa, vỡ đất để trồng hàng ngàn gốc chuối lùn. Hiện nay, cây chuối lùn sinh trưởng, phát triển tốt và cho thu nhập đáng kể nên người dân Tà Rụt rất phấn khởi. Theo kế hoạch, tổ hợp tác sẽ phát triển diện tích chuối lùn lên 40 ha trong năm 2025 và đưa cây chuối lùn trở thành loại cây sản xuất hàng hóa, tạo việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Lãnh đạo Hội Nông dân xã Tà Rụt cho biết giống chuối lùn bản địa đã có từ lâu đời nên dễ trồng, dễ thích nghi với thời tiết khí hậu, ít sâu bệnh, quả nhiều. Sau 7 - 8 tháng chuối cho thu hoạch, bình quân mỗi buồng từ 8-10 nải, mỗi nải có 12-16 quả; năng suất đạt từ 45-50 tấn/ha. Khi quả chín có màu vàng sáng, hương vị thơm ngon. Đặc biệt khi chín vỏ, cuống trái vẫn dày và cứng nên ít bị hư hỏng, thuận tiện trong vận chuyển đi xa.
Mang lại thu nhập đáng kể
Theo người dân địa phương, chỉ sau 1 năm trồng và chăm sóc, cây chuối lùn sẽ cho thu hoạch. Mỗi gốc chuối có thời gian thu hoạch từ 3-5 năm với chi phí đầu tư ban đầu khoảng 50-80 triệu đồng/ha. Lúc cây cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận mang lại khoảng 85 triệu đồng/ha/năm. Đây là nguồn thu nhập đáng kể đối với người dân nơi đây.
![]() |
Lợi nhuận từ trồng chuối lùn bản địa mang lại khoảng 85 triệu đồng/ha/năm là nguồn thu nhập đáng kể đối với phụ nữ dân tộc thiểu số ở Tà Rụt. |
Trong thời gian tới, xã Tà Rụt sẽ tiếp tục định hướng phát triển, mở rộng diện tích trồng chuối lùn bản địa với vai trò quan trọng của kinh tế hợp tác theo hướng thâm canh, tạo vùng nguyên liệu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, xã sẽ xây dựng phương án khôi phục, bảo tồn nguồn giống chuối lùn bản địa bằng cách nuôi cấy mô và cấp cho người dân.
Ngoài ra, xã Tà Rụt còn phối hợp cùng huyện Đakrông mở các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc phát triển cây chuối lùn bản địa nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, khuyến khích thành lập các tổ hợp tác sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Trong việc phát triển trồng cây chuối lùn bản địa phải kể vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tà Rụt đã tích cực nhân rộng mô hình đem lại lợi ích kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân. Trong đó không thể không nhắc đến vai trò của chị Hồ Thị Hằng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tà Rụt. Chị là người đã góp phần làm đổi thay nhận thức, xóa bỏ định kiến giới vốn đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bao thế hệ đồng bào Pa Kô nơi đây.
Chị Hằng đã vượt qua những khó khăn để mạnh dạn kết nối, quảng bá sản phẩm chuối lùn bản địa để bán tại các cửa hàng OCOP, siêu thị Coopmart Đông Hà (tỉnh Quảng Trị).
Như chia sẻ của chị Hằng, từ 1.800 cây giống chuối lùn, sau 3 năm thực hiện theo mô hình tổ hợp tác liên kết, đến nay đã phát triển thành 8.000 cây. Từ khi trồng đến nay, có hơn 6.000 cây chuối đã có buồng cho thu hoạch. Từ nguồn thu nhờ bán chuối mà hàng chục hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu ở Tà Rụt được cải thiện và hơn hết là chị em có việc làm ổn định.
Cũng nhờ sự quan tâm sâu sát của chị Hồ Thị Hằng mà phụ nữ ở các bản, làng xa xôi của xã Tà Rụt đã dám nói, dám làm, mạnh dạn tham gia tổ hợp tác sản xuất chuối lùn để nâng cao kinh tế hộ gia đình, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của toàn xã.
Thúc đẩy thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Theo chị Hồ Thị Xở, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn A Đăng (xã Tà Rụt), từ sự động viên của chị Hằng nên bản thân chị đã tập hợp, thu hút chị em trong thôn cùng tham gia trồng giống chuối lùn bản địa bằng thành quả khởi nghiệp của mình là mô hình trồng 8.000 gốc chuối lùn.
Thuyết phục chị em bằng hiệu quả sản xuất “mắt thấy, tai nghe” nên chị Xở nhanh chóng thành lập Tổ hợp tác chuối lùn và được chị Hằng mạnh dạn đem mô hình tham dự Cuộc thi “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” toàn quốc.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đakrông Nguyễn Thị Ty cho biết: Tổ hợp tác trồng chuối lùn xã Tà Rụt là mô hình điển hình về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và ứng dụng công nghệ vào kết nối tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, đã thúc đẩy chị em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực tìm tòi, học hỏi kiến thức sản xuất để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho mình và cho cộng đồng.
Mong rằng trong thời gian tới mô hình trồng cây chuối lùn bản địa của tổ hợp tác ở Tà Rụt sẽ tiếp tục được nhân rộng. Điều này cũng cần sự quan tâm, hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Quảng Trị nhằm tạo được động lực cho tổ hợp tác trồng chuối lùn thực hiện hiệu quả và nhân ra diện rộng, góp phần thúc đẩy thoát nghèo bền vững, đưa kinh tế địa phương phát triển.
Ngoài ra, để đầu ra cho chuối lùn bản địa ở Tà Rụt một cách vững chắc thì rất cần tiếp tục có những đợt tập huấn hướng dẫn người dân cách tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, tạo cửa hàng online miễn phí, cách quảng bá sản phẩm bản địa, cách quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, tìm kiếm và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Thông qua các lớp tập huấn và mô hình ứng dụng, các phụ nữ dân tộc thiểu số tại Tà Rụt sẽ có được kiến thức nâng cao khả năng để áp dụng quy trình trong sản xuất, kinh doanh chuối lùn bản địa nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống.
Thanh Loan