Thời điểm trước khi ban hành Đề án (cuối năm 2015), toàn tỉnh có 212 HTX. Trong đó, lĩnh vực nông, lâm nghiệp có 113 HTX; lĩnh vực phi nông nghiệp có 99 HTX.
Chỉ có 41 HTX hoạt động hiệu quả, chiếm 19,3%; 131 HTX hoạt động trung bình chiếm 61,8%; còn lại 40 HTX hoạt động không hiệu quả. Hầu hết các HTX đều hoạt động nhỏ lẻ, yếu năng lực tài chính, kỹ năng quản trị.
Tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ
Tháng 6/2016, Đề án xây dựng HTX kiểu mới, giai đoạn 2016 - 2020 được UBND tỉnh phê duyệt và đẩy mạnh thực hiện với mục tiêu để HTX thực sự trở thành cầu nối giữa người sản xuất với các nhà khoa học, các doanh nghiệp, góp phần làm tăng chuỗi giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế nông thôn.
Thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn 61 HTX (các HTX yếu kém đều giải thể vì không theo được quy định mới), tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Kạn có nhiều thuận lợi; sản xuất nông nghiệp tăng trưởng mạnh. Các chính sách về hỗ trợ phát triển KTHT đã được hoàn thiện.
Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm gắn phát triển HTX với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, khu vực KTHT của tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét. Số lượng, chất lượng hoạt động của các HTX đều tăng nhanh và ổn định, góp phần vào xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hoạt động HTX được hưởng nhiều chính sách như hỗ trợ thành lập mới, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam; Quỹ giải quyết việc làm của Liên minh HTX Việt Nam; Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Bắc Kạn đã cho nhiều HTX vay vốn phát triển sản xuất. Sở NN&PTNT, Công Thương đã hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật và xúc tiến thương mại.
Hiện nay, sau 2 năm thực hiện đề án, hoạt động của các HTX đã có nhiều thay đổi, tạo chuyển biến tích cực, đi vào chiều sâu. Năm 2017, toàn tỉnh thành lập được 52 HTX, nâng tổng số trên toàn tỉnh lên 127 HTX đang hoạt động. Trong đó, 97 HTX nông nghiệp và 30 HTX phi nông nghiệp; tổng vốn điều lệ 67 tỷ đồng, với 1.350 người vừa là thành viên, vừa là lao động.
![]() |
Mô hình rau sạch ở HTX nông nghiệp Bản Nghè |
Chiều hướng phát triển tốt
Với xu thế sản xuất hàng hóa hiện nay phải đáp ứng nhiều điều kiện nghiêm ngặt về nơi sản xuất, chất lượng sản phẩm nguồn gốc, mẫu mã... do vậy các HTX sản xuất, chế biến hàng hóa đã nỗ lực nghiên cứu để đáp ứng các quy định của Nhà nước, hoạt động theo đúng Luật HTX 2012. Tỷ lệ HTX hoạt động khá đạt 40 HTX, chiếm 31,4%, số còn lại chủ yếu hoạt động ở mức trung bình.
Thống kê năm 2017, doanh thu của các HTX đạt 94,6 tỷ đồng. Trong đó có 15 HTX có doanh thu 3 - 5 tỷ đồng; 25 HTX có doanh thu 1 - 3 tỷ đồng. Tiêu biểu có HTX Mộc Lan Rừng; HTX Đồng Tâm; HTX Vận Tải thống nhất (Tp.Bắc Kạn); HTX Cao Phong (Chợ Đồn); HTX Thắng Lợi (Chợ Mới)...
Lợi nhuận của HTX đạt 10,6 tỷ đồng/năm; thu nhập trung bình của thành viên đạt 38,4 triệu đồng/năm; thu nhập người lao động đạt 33 triệu đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước 2,3 tỷ đồng.
Sau 2 năm thực hiện Đề án phát triển HTX, hoạt động HTX đang có chiều hướng phát triển tốt. Một số HTX đã vươn lên tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
70% các HTX thành lập mới đều do những người có bằng cấp chuyên môn từ trung cấp trở lên tham gia quản trị, điều hành hoạt động. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cũng như của cán bộ quản lý và thành viên HTX về kinh tế tập thể đã có những chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường và các quy định khắt khe về hàng thực phẩm tiêu dùng.
Quý Phúc