![]() |
Nuôi lợn trên đệm lót sinh học mang lại lợi ích môi trường |
Vững vàng trước “bão”
Theo số liệu thống kê, toàn huyện Thanh Chương hiện có 270 trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, trong đó, có 11 trang trại có quy mô trên 1.000 con. Các mô hình chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện đang được mở rộng và hoàn thiện cả về quy mô và chất lượng.
Ông Đào Quang Biên – Trưởng trạm chăn nuôi và thú y huyện Thanh Chương, cho biết: “Nghệ An hiện có khoảng 900.000 con lợn, trong đó riêng Thanh Chương chiếm trên 104.000 con, tương đương khoảng hơn 11%, trong đó có khoảng 25.000 con lợn nái, còn lại là lợn thịt”.
Cũng giống như như nhiều vùng phát triển chăn nuôi trên cả nước, cơn bão dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện, tuy nhiên nhờ sản xuất sạch, tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, các hộ đã nhanh chóng vượt qua.
Theo người chăn nuôi trên địa bàn huyện, không phải đến khi có dịch, mà nhiều năm qua, các hộ đã chủ động phát triển theo hướng hiện đại, tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường, nhằm phát huy và đảm bảo những lợi ích bền vững từ chăn nuôi.
“Chăn nuôi khoa học giúp đàn lợn tăng trưởng ổn định, tăng sức đề kháng với dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và cộng đồng dân cư trong vùng”, anh Nguyễn Sỹ Tùng, một hộ chăn nuôi tiêu biểu tại xã Thanh Lâm, chia sẻ.
![]() |
Lợn sinh học rất được thị trường ưa chuộng |
Hiệu quả nhờ chăn nuôi sạch
Không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái, việc chú trọng khoa học – kỹ thuật giúp các hộ chăn nuôi tại Thanh Chương tiết kiệm chi phí, giảm công lao động, gia tăng giá trị kinh tế.
Đang phát triển đàn lợn hơn 150 con lợn thịt, anh Nguyễn Đình Tường cho hay: “Toàn bộ hệ thống chuồng tại nhà tôi được phát triển theo chuỗi khép kín, đảm bảo tuyệt đối các quy định về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. 100% thức ăn chăn nuôi là các loại cám tinh, không chất kích thích, chất tạo nạc…”.
Việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học giúp đàn lợn tăng trưởng nhanh, với bình quân 20 – 25 kg/tháng. Chăn nuôi sinh học đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhưng tạo ra những sản phẩm với chất lượng vượt trội, được thị trường đánh giá cao, nên giá thành ổn định, lợi nhuận tăng lên.
“Hiện, khoảng 80% đàn lợn của gia đình tôi được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường 20 – 25%, còn lại là tự tiêu thụ. Với quy trình khoa học, mỗi năm tôi nuôi được 3 lứa, tổng số lượng gần 500 con, doanh thu đạt trên dưới 500 triệu đồng”, anh Tường phấn khởi nói.
Với những thành công đang có, ngành nông nghiệp huyện Thanh Chương đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhân rộng mô hình theo hướng hàng hóa, chú trọng phương pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nhằm nâng cao năng suất, đảm bảo sức khỏe cho người chăn nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái.
Huyện cũng đang tích cực phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong phát triển chăn nuôi trên quy mô lớn, đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia, góp phần hình thành các chuỗi từ sản xuất tới tiêu thụ, từ đó, nâng cao hiệu quả chăn nuôi cho người dân.
Nguyên Hưng