Đây cũng là chiến lược của tỉnh Bến Tre trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã xây dựng được một số chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực như: lúa, dừa, bò, nhãn, tôm biển…
Nâng cao hiệu quả, hạn chế ô nhiễm
HTX nông nghiệp Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam) là đơn vị tiêu biểu đang thực hiện sản xuất dừa theo hướng hữu cơ. HTX thu hút 185 thành viên với diện tích 61,5ha. Điều thuận lợi là HTX liên kết với các doanh nghiệp nên được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cũng như vật tư đầu vào và thị trường.
Trong quá trình làm việc, các thành viên nói không với phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nhằm tạo ra những trái dừa bảo đảm chất lượng. Toàn bộ phần vỏ, gáo đều được bán cho các cơ sở trong vùng. Những gáo đạt quy cách được bán cho các cơ sở mỹ nghệ với giá tăng gấp 7 lần so với bán gáo để làm than thiêu kết.
Chính vì vậy, mô hình sản xuất của HTX không chỉ đáp ứng nhu cầu thu mua sản phẩm của doanh nghiệp chế biến phục vụ xuất khẩu, mà còn giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường. Hiện, quá trình hoạt động của HTX hầu như không phát sinh chất thải, bởi tất cả nguồn phụ phẩm đều có đầu ra. Thời gian gần đây, HTX còn kết hợp làm du lịch giúp tăng thu nhập cho thành viên...
![]() |
Sơ chế dừa tại HTX Định Thủy. |
HTX Định Thủy là một trong 9 HTX, 37 tổ hợp tác, 11 tổ liên kết thực hiện sản xuất dừa hữu cơ theo chuỗi giá trị tại Bến Tre. Quy mô của các mô hình này là gần 1.900ha, thu hút 2.410 thành viên tham gia. Nhờ sản xuất theo phương pháp hữu cơ, diện tích dừa của Bến Tre không chỉ được nâng cao chất lượng sản phẩm mà chất đất cũng được cải thiện, hạn chế tình trạng bạc màu. Trồng dừa cũng là giải pháp bền vững, đưa ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Không dừng lại ở đó, nhiều HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Bến Tre còn áp dụng phương pháp sản xuất bền vững và mang lại hiệu quả đáng kể.
Tiêu biểu là HTX bưởi da xanh Quế Sơn (TP Bến Tre). HTX có tiền thân là Tổ hợp tác bưởi da xanh Phú Thành, thực hiện sản xuất theo quy trình VietGAP.
Sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn giúp nông dân thay đổi nhận thức từ tư duy canh tác truyền thống sang tư duy canh tác mới với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật. Bà con sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đúng quy trình đã đề ra. Các yếu tố ban đầu như đất, nước tưới, cây giống phải đảm bảo, phân bón, thuốc BVTV phải áp dụng theo nguyên tắc 4 đúng. Việc bố trí nhà kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, các bể chứa vỏ thuốc và rác thải trong khu vực sản xuất phải tuân thủ theo quy định và phải hợp lý để bảo đảm vệ sinh môi trường.
Theo các thành viên, riêng việc bố trí nhà kho và sơ chế đóng gói phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Quá trình sản xuất, nông dân phải ghi chép đầy đủ những công việc hàng ngày đã làm và các loại vật tư đã sử dụng để thuận tiện cho việc ký hợp đồng với doanh nghiệp.
Ông Đào Văn Minh thành viên HTX, cho biết làm theo quy trình VietGAP, chất lượng bưởi rất cao, bán có giá. Riêng gia đình ông có 8.000m2 bưởi trồng tương đương 400 cây, cho thu nhập 300 triệu đồng/ năm. Đây là nguồn thu nhập khá cao so với trồng lúa.
Hướng đi bền vững
Thực tế cho thấy, việc các HTX, tổ hợp tác áp dụng sản xuất theo hướng hữu cơ hay VietGAP sẽ giúp giảm hẳn lượng giống, cây trồng ít sâu bệnh, năng suất cũng khá cao. Đây là phương thức giảm chi phí tối ưu và giúp tăng lợi nhuận cho người dân.
Các thành viên HTX lúa tôm Thạnh Phú (huyện Thạnh Phú) cho biết, việc áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải 5 giảm” đã phát huy hiệu quả cao trong sản xuất. Năng suất lúa dao động từ 7 - 8 tấn/ha. Trừ chi phí đầu tư sản xuất vẫn cho lợi nhuận cao hơn sản xuất bình thường từ 20 - 30%. Ngoài ra, thành viên còn có nguồn thu thêm từ con tôm. Để có được điều này, các thành viên tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV hóa học, thuốc diệt cỏ trong quá trình chăm sóc lúa. Nếu sử dụng sẽ làm ô nhiễm môi trường, con tôm cũng không thể sống nổi.
![]() |
Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm được đánh giá cao về giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. |
Các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh chú trọng sản xuất theo hướng bền vững, đồng nghĩa với việc hệ sinh thái được bảo vệ. Theo ngành chức năng, sản xuất an toàn và hữu cơ tuy có khác nhau nhưng mục đích chung vẫn là không được sử dụng vật tư đầu vào có hại như thuốc trừ sâu bệnh, phân bón, chất bảo quản, chất phụ gia là hóa chất tổng hợp, thuốc kháng sinh, sinh vật biến đổi gen, hoóc môn tăng trưởng. Và Bến Tre vẫn là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển hoạt động này như người dân có kinh nghiệm, nguồn nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ dồi dào, diện tích lớn thích hợp cho sản xuất hàng hóa…
Chính vì vậy, Bên Tre đang đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền về sản xuất bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức, phương tiện phù hợp với đặc thù của địa phương nhằm tạo điều kiện cho mọi đối tượng tiếp cận, khai thác được thành tựu KH&CN, nhất là các thông tin mới, mô hình mới và các chính sách hỗ trợ để nhân rộng sản xuất trong thời gian tới.
Huyền Trang