Đóng góp quan trọng vào kết quả ấy là những mô hình HTX, tổ hợp tác năng động, sáng tạo – những “hạt nhân” của kinh tế hợp tác đang từng ngày lan tỏa khát vọng làm giàu, đổi mới tư duy sản xuất, cùng chính quyền và người dân vun đắp tương lai nông thôn mới bền vững.
"Quê hương là đất lập thân"
Trở lại xã Đầm Hà (mới) vào giữa thời điểm cả nước thực hiện sắp xếp địa giới hành chính, không khó để cảm nhận không khí sản xuất sôi động ở nhiều mô hình nông nghiệp nơi đây.
Dọc các tuyến đường nông thôn đã được bê tông hóa, những ngôi nhà khang trang, ruộng đồng xanh tốt, nhà xưởng chế biến hoạt động nhộn nhịp… Tất cả tạo nên bức tranh sống động về một vùng quê đang chuyển mình.
![]() |
Thành công của các mô hình kinh tế hiện đại là nền tảng xây dựng nông thôn mới ở Đầm Hà. |
Một trong những gương mặt tiêu biểu góp phần tạo nên sự đổi thay đó là anh Hà Văn Tiêu – Giám đốc HTX Thương mại và chế biến thực phẩm Khánh Đan. Sinh năm 1986, sau thời gian bôn ba làm ăn xa, anh Tiêu quyết định quay về lập nghiệp trên chính quê hương Đầm Hà.
Nhận thấy tiềm năng từ nguồn nguyên liệu thủy hải sản dồi dào, năm 2018, anh thành lập HTX Khánh Đan chuyên sản xuất chả cá, chả mực – những đặc sản mang đậm hương vị biển Quảng Ninh.
“Lúc đầu làm thủ công, sản phẩm chủ yếu bán cho người quen. Sau này, nhờ được hỗ trợ đào tạo về chế biến, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại từ Liên minh HTX tỉnh và các chương trình khởi nghiệp, tôi mạnh dạn đầu tư máy móc, mở rộng thị trường”, anh Tiêu chia sẻ.
Hiện mỗi tháng, HTX Khánh Đan cung ứng 3-4 tấn sản phẩm ra thị trường, có mặt tại nhiều siêu thị, chuỗi cửa hàng đặc sản tại Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM… và đang từng bước tiếp cận xuất khẩu.
Đặc biệt, HTX đã có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, đang trong lộ trình nâng lên 4 sao. Không chỉ mang lại lợi nhuận cho bản thân, HTX còn tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương, với thu nhập trung bình 7-10 triệu đồng/người/tháng.
Sự năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế nông thôn đã giúp anh Tiêu vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của – phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn dành cho thanh niên nông thôn tiêu biểu trên toàn quốc.
Mở rộng thị trường tiêu thụ
Không riêng gì HTX Khánh Đan, trên địa bàn xã Đầm Hà hiện có hàng chục HTX đang hoạt động hiệu quả, gắn với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như nuôi tôm thẻ chân trắng, cá song, trồng rừng gỗ lớn, cây ăn quả, chế biến hải sản…
Trong đó, nhiều HTX đã chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang hướng chuyên nghiệp, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Một mô hình nổi bật khác là HTX Sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Đại Phát, do anh Trần Văn Đại làm giám đốc, chuyên nuôi tôm thẻ công nghệ cao trong nhà màng.
Anh Đại cho biết: “Từ khi thành lập đến nay, HTX đã không ngừng đổi mới kỹ thuật nuôi tôm, áp dụng quy trình vi sinh, khép kín, hạn chế dịch bệnh. Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp 40-50 tấn tôm thương phẩm, giá bán cao hơn mặt bằng thị trường do đảm bảo chất lượng, an toàn sinh học”.
![]() |
Các HTX ở Đầm Hà với sự năng động, hiệu quả cao đang đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới. |
Không chỉ chú trọng sản xuất, các HTX tại Đầm Hà còn tích cực tham gia xây dựng thương hiệu và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Theo thống kê, toàn xã hiện có trên dưới 30 sản phẩm OCOP, trong đó nhiều sản phẩm do các HTX làm chủ thể. Qua các kỳ đánh giá, xếp hạng, đã có nhiều sản phẩm đạt sao, tạo điều kiện thuận lợi cho quảng bá và tiêu thụ.
Điểm đặc biệt, các HTX còn là “bà đỡ” trong việc tổ chức lại sản xuất, thay đổi tư duy của người dân – từ manh mún sang liên kết, từ đơn lẻ sang tập thể. Đây chính là yếu tố then chốt giúp địa phương nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho nông dân – tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.
Diện mạo mới – niềm tin mới
Để các HTX vươn lên, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển nông thôn mới tại Đầm Hà như hiện nay, không thể không kể đến vai trò đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh thời gian qua.
Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh đã liên tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực như tư vấn thành lập HTX mới, đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Kết nối xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu và tem truy xuất nguồn gốc điện tử... cho các HTX, tổ hợp tác
Riêng trong 2 năm 2024-2025, tỉnh đặc biệt quan tâm hỗ trợ các HTX trong chuỗi giá trị gắn với sản phẩm OCOP. Nhiều HTX ở Đầm Hà đã được kết nối với hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee... góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, các chương trình tập huấn nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi số, chứng nhận VietGAP, HACCP cũng được Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Ninh tổ chức thường xuyên. Nhờ đó, năng lực của cán bộ quản lý HTX và thành viên ngày càng được nâng cao, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, sự năng động của người dân và vai trò tiên phong của kinh tế hợp tác, HTX, đến nay xã Đầm Hà đã và đang hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tỷ lệ hộ nghèo của xã (trước thời điểm sắp xếp hành chính) giảm còn dưới 1%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98%, môi trường nông thôn được cải thiện rõ rệt. Với những nền tảng vững vàng, xã đang phấn đấu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2026.
Có thể nói, việc xác định kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là HTX là động lực bền vững để nâng cao thu nhập cho người dân chính là một trong những yếu tố quyết định trong xây dựng nông thôn mới ở Đầm Hà. Thời gian tới, xã dự kiến tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, phối hợp với các cấp, ngành để nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, gắn với chuỗi giá trị và sản phẩm đặc trưng.
Trên hành trình xây dựng nông thôn mới, câu chuyện của những HTX như Khánh Đan, Đại Phát... không chỉ là minh chứng cho sự thay đổi tích cực ở Đầm Hà mà còn là hình ảnh thu nhỏ của nông thôn mới Quảng Ninh – nơi con người, đất đai, sản vật bản địa đang cùng nhau viết nên chương mới: thịnh vượng – xanh – bền vững.
Đông Phong