Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương về kịch bản tăng trưởng vừa được tổ chức tại Hà Nội, Chính phủ đưa ra các giải pháp phấn đấu tăng trưởng GDP trong năm 2025 đạt từ 8,3 - 8,5%, tạo đà để đạt mức hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Một trong những động lực quan trọng để đạt được mục tiêu này là đẩy mạnh đầu tư, trong đó có việc thu hút dòng vốn FDI. Bộ Tài chính tính toán, 6 tháng cuối năm cần thu hút 18,5 tỷ USD tổng vốn FDI và 16 tỷ USD vốn FDI thực hiện.
Tín hiệu khởi sắc và động lực mới
![]() |
6 tháng cuối năm cần thu hút 18,5 tỷ USD tổng vốn FDI và 16 tỷ USD vốn FDI thực hiện. |
Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI (bao gồm vốn mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần) đạt hơn 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2024 và là mức cao nhất kể từ năm 2009. Vốn đầu tư FDI thực hiện ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Những con số biết nói phản ánh sức hấp dẫn mạnh mẽ và niềm tin ngày càng tăng của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư Việt Nam. Đáng chú ý, theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam đang hình thành một lợi thế thu hút đầu tư mới.
TS. Sven David, Tổng giám đốc VIET Transformation Advisors đánh giá, chi phí lao động thấp và lực lượng lao động dồi dào từng là 2 lợi thế cạnh tranh then chốt giúp Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư trong nhiều thập niên. Tuy nhiên ngày nay, “uy tín thể chế” - một yếu tố bền vững và thuyết phục hơn, đang dần thay thế.
Trong bài phân tích gần đây của mình, TS. Sven David đánh giá, những chuyển biến sâu sắc về cải cách chính sách, nâng cấp hạ tầng và văn hóa minh bạch thủ tục hành chính đang tái định hình toàn bộ hệ sinh thái đầu tư của Việt Nam.
“Môi trường đầu tư của Việt Nam từ lâu đã nổi bật nhờ sự năng động và đầy tiềm năng. Giờ đây, Việt Nam đang chủ động chuyển mình theo hướng dựa trên tính dự đoán, minh bạch và xây dựng lòng tin. Việc chuyển từ các thỏa thuận phi chính thức, mang tính ứng biến sang hệ thống dựa trên luật lệ rõ ràng đang làm thay đổi cách nhà đầu tư nhìn nhận và tương tác với thị trường Việt Nam.
Đây không chỉ là điều kiện để thu hút thêm dòng vốn, mà còn là chìa khóa để hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược có tầm nhìn dài hạn - những người coi trọng sự chắc chắn và môi trường vận hành minh bạch. Việt Nam đang dần chuyển mình từ một ‘công xưởng giá rẻ’ thành điểm đến của dòng vốn chất lượng, có giá trị gia tăng cao và mang tính bền vững”, ông đánh giá.
Một điểm sáng trong cải cách thể chế thời gian qua là sáp nhập tỉnh/thành và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động từ 1/7.
“Nếu được triển khai bài bản, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ không chỉ cải thiện môi trường đầu tư, mà còn góp phần định vị lại bản đồ FDI của Việt Nam, hướng tới thu hút dòng vốn chất lượng cao, công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường", TS. Đặng Thảo Quyên, Chủ nhiệm cấp cao Bộ môn Kinh doanh quốc tế, Đại học RMIT Việt Nam nhận định.
Đơn cử, TP.HCM mới sau sáp nhập có 66 Khu chế xuất, Khu Công nghiệp, tổng diện tích đất hơn 27.000 ha. Không gian rộng lớn hơn được mở ra đã tạo thêm dư địa cho thành phố, mang đến sự lựa chọn đa dạng cho các nhà đầu tư. Nếu TP.HCM cũ là trung tâm tài chính, dịch vụ và đổi mới sáng tạo thì Bình Dương đóng vai trò là động lực phát triển công nghiệp hiện đại, còn Bà Rịa - Vũng Tàu là cửa ngõ logistics quốc tế với hệ thống cảng nước sâu và phát triển du lịch biển.
Trong quá trình tư vấn cho các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu về TP.HCM, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam ghi nhận những kỳ vọng về cơ chế thông thoáng, đồng bộ của cả 3 địa phương giờ đây đã sáp nhập. Ông cho biết điều này vô cùng quan trọng, là yếu tố thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Còn nhiều việc cần làm
Không còn hoài nghi, việc tinh gọn, sáp nhập, triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ góp phần cải thiện đáng kể môi trường đầu tư, nhờ giảm bớt sự phân chia hành chính, quy trình phê duyệt dự án nhanh hơn và đồng bộ hơn.
Cùng với TP.HCM, cuộc sáp nhập lịch sử sẽ mang lại nhiều cơ hội cho các địa phương khác như Bắc Ninh (+ Bắc Giang), Hải Phòng (+Hải Dương), Hưng Yên (+ Thái Bình),... Tuy nhiên, để việc cải cách thực sự tạo đột phá trong thu hút FDI, theo các chuyên gia, còn nhiều việc cần phải làm.
TS. Đặng Thảo Quyên cho rằng, trước hết Việt Nam cần chuẩn hóa quy trình hành chính và số hóa dịch vụ công. Chính quyền địa phương cần vận hành trên nền tảng số hóa, minh bạch và thống nhất quy trình xử lý hồ sơ đầu tư. Việc triển khai hệ thống một cửa điện tử liên thông giữa các cấp sẽ giúp giảm thời gian, chi phí và tăng tính dự đoán cho nhà đầu tư.
Tiếp đó, cần nâng cao năng lực cán bộ địa phương, đào tạo bài bản về quản lý đầu tư, pháp lý quốc tế và xúc tiến đầu tư cho cán bộ cấp xã và cấp tỉnh. Việc này giúp đảm bảo tính chuyên nghiệp và khả năng hỗ trợ nhà đầu tư trong suốt vòng đời dự án.
Bà Thảo Quyên cũng lưu ý việc phân quyền hợp lý và giám sát hiệu quả, đảm bảo trách nhiệm giải trình và phòng, chống tham nhũng.
TS. Sven David đánh giá, dù việc triển khai giữa các địa phương sẽ có sự khác biệt và vẫn còn nhiều thách thức kỹ thuật ở phía trước, song cách tiếp cận tổng thể đã rõ ràng: cải cách thực chất, liên tục, gắn với hiện đại hóa hạ tầng và phù hợp với bối cảnh địa phương.
“Chuyển đổi này tạo ra một tầng hạ tầng mềm, gọi là ‘hạ tầng niềm tin’ - giúp tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và nhà đầu tư”, ông tin tưởng.
Ông Phạm Quang Long, Giám đốc kinh doanh Công ty Allied Movers (Hoa Kỳ) tại Việt Nam Việc Việt Nam chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là một bước ngoặt thể chế có ý nghĩa lịch sử. Cải cách này kỳ vọng tinh gọn bộ máy, phân định rõ chức năng giữa các cấp, qua đó nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước tại địa phương, đặc biệt là củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào một môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng hơn.
Ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp, Avison Young Việt Nam Mặt tích cực, các biện pháp cải cách hành chính giúp Việt Nam tăng sức cạnh tranh khu vực và thu hút FDI chất lượng cao. Mặt khác, môi trường pháp lý biến động cũng đặt ra thách thức về tuân thủ. Các đơn vị phát triển và tư vấn cần liên tục cập nhật chính sách, đẩy mạnh dịch vụ tư vấn và hỗ trợ thủ tục đầu tư để kịp thời đồng hành cùng doanh nghiệp thuê đất trong giai đoạn này.
Ông Nguyễn Đình Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc IPA Việt Nam Dù chính sách thuế của Mỹ đang gây áp lực cho thị trường toàn cầu, áp lực cho nhiều quốc gia, nhưng với Việt Nam, nếu đàm phán tốt với Mỹ, thì đó lại là cơ hội thu hút dòng đầu tư chất lượng cao. Có thể trong 6 tháng tới, tốc độ tăng của dòng FDI chưa cao, nhưng sang năm 2026, tình hình sẽ khả quan hơn, nhất là khi Chính phủ đang rất nỗ lực thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài và khi các đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động ổn định. |
Đỗ Kiều