Văn phòng Chính phủ mới ban hành văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính liên quan đến hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là cà phê và cá ngừ, sau khi có phản ánh từ báo chí và dư luận.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trước biến động thương mại toàn cầu.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan chủ động đề xuất giải pháp, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, phát triển chuỗi liên kết bền vững, kiểm soát và truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị và uy tín nông, thủy sản Việt trên thị trường quốc tế.
![]() |
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trước biến động thương mại toàn cầu. |
Được biết, trước đó, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã gửi báo cáo tổng hợp về thông tin báo chí và dư luận xã hội xoay quanh công tác điều hành, trong đó đáng chú ý là nội dung về thúc đẩy chế biến sâu cà phê Việt Nam và tình trạng xuất khẩu cá ngừ sang Đức gặp khó do thiếu nguyên liệu đầu vào.
Theo phản ánh, nửa đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt kim ngạch cao kỷ lục, với sự tăng trưởng mạnh từ dòng cà phê Arabica và các sản phẩm cà phê chế biến, cho thấy xu hướng đầu tư vào công nghệ và nâng cao giá trị gia tăng. Dự kiến cả năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê có thể đạt mốc 7 tỷ USD, góp phần khẳng định vị thế của ngành cà phê Việt trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, ngành cà phê cũng đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như thuế nhập khẩu 20% từ Mỹ và các quy định nghiêm ngặt mới từ Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là Quy định chống phá rừng (EUDR). Điều này đòi hỏi ngành cần chuyển mình mạnh mẽ hơn, tập trung phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, tăng cường chế biến sâu, chuẩn hóa truy xuất nguồn gốc và đảm bảo các chứng nhận bền vững.
Trong khi đó, tình hình xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Đức lại có chiều hướng sụt giảm. Thống kê 5 tháng đầu năm cho thấy kim ngạch chỉ đạt gần 11 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt hàng chủ lực là cá ngừ chế biến đóng hộp và thịt cá đông lạnh, tuy nhiên lại chịu ảnh hưởng lớn do nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định. Riêng nhóm sản phẩm cá ngừ chế biến mã HS16 giảm tới 48%.
Mặc dù một số doanh nghiệp có thể chuyển sang sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ EU, nhưng điều này khiến chi phí đầu vào tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh người tiêu dùng Đức đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu do tình hình kinh tế còn nhiều bất ổn.
Để giảm thiểu rủi ro do phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ khi thuế đối ứng đang tăng cao, nhiều doanh nghiệp đang mở rộng thị trường sang EU và các quốc gia châu Á. Tuy nhiên, để hiện thực hóa định hướng này, cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, đặc biệt trong việc tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến cấp chứng từ khai thác, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn nguyên liệu cá ngừ trong nước hiệu quả hơn.
Chỉ đạo của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ giúp hai ngành chủ lực là cà phê và cá ngừ không chỉ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt mà còn tạo nền tảng vững chắc để vươn xa hơn trên thị trường toàn cầu.
Hồng Hương