“Xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) có chọn lọc, tập trung xúc tiến, thu hút các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, giữ sạch môi trường” là một trong những vấn đề được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong công điện số 104/CĐ-TTg hôm 6/7/2025 về chỉ đạo tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa trong thời gian tới.
Yêu cầu mới trước diễn biến mới
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp FDI, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ các dự án tại Việt Nam.
![]() |
“Chìa khóa” để Việt Nam duy trì sức hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao trong thời gian tới là cần tiếp tục chuyển mình từ công xưởng thành trung tâm sản xuất thông minh. |
Qua chỉ đạo nêu trên sẽ thấy việc tiếp tục thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao đang là mối quan tâm lớn của Chính phủ. Điều này được tiếp thêm động lực từ dòng vốn FDI trong nửa đầu năm 2025 vẫn khả quan dù đối mặt nhiều biến động, ước đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất sáu tháng đầu năm của các năm từ 2021 đến nay. Đặc biệt, xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 38,2%) và số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 56,5%).
Không chỉ vậy, diễn biến mới từ thương mại Mỹ - Việt (thỏa thuận thuế quan mới) cũng đang đặt ra những yêu cầu mới trong thu hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao.
Trước vấn đề này, theo Ts. Đặng Thảo Quyên, chuyên gia kinh doanh quốc tế, phản ứng chiến lược từ phía Chính phủ Việt Nam sẽ đóng vai trò then chốt để duy trì sức hút FDI.
Ts. Quyên nhận định các ngành công nghệ cao như điện tử, dược phẩm và năng lượng được dự đoán sẽ ít bị ảnh hưởng hơn bởi thuế quan, nhờ các chính sách miễn trừ và sự quan tâm ngày càng tăng từ giới đầu tư. Điều này phản ánh những thành tựu chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và các dự án đầu tư bền vững. Các khoản đầu tư gần đây như quyết định rót thêm 1,07 tỷ USD vào tỉnh Bắc Ninh của Amkor Technology hay dự án 4,9 triệu USD của BE Semiconductor Industries N.V. tại Khu công nghệ cao Tp.HCM là những minh chứng rõ nét.
Và để duy trì đà phát triển này, như chia sẻ của Ts. Đặng Thảo Quyên, Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao thông qua các ưu đãi hấp dẫn.
“Đồng thời, cần đảm bảo môi trường pháp lý ổn định, được củng cố bởi hệ thống chính phủ điện tử hiệu quả nhằm tăng tính minh bạch trong phê duyệt dự án – qua đó giảm thiểu quan ngại về các thay đổi chính sách. Các vấn đề về năng lượng cũng cần được giải quyết triệt để vì đây vốn là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài”, bà Quyên nói.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, các cơ quan xúc tiến đầu tư nên xem xét phát triển một nền tảng hỗ trợ đầu tư theo vùng dựa trên trí tuệ nhân tạo, giúp hướng nhà đầu tư đến các địa phương phù hợp nhất, từ đó tăng niềm tin giữa các bên và nâng cao hiệu quả. Cũng nên cân nhắc triển khai hệ thống giao dịch tín chỉ carbon gắn với FDI để thúc đẩy đầu tư vào công nghệ xanh, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Mặc dù đối mặt không ít thách thức trong thời gian qua trước nhiều biến động, nhưng xét về xu hướng dài hạn, giới phân tích cho rằng dòng vốn FDI rót vào lĩnh vực công nghệ cao ở Việt Nam sẽ vẫn duy trì tích cực.
Gần đây, các tập đoàn công nghệ cao như Apple, Intel và Nike đã kêu gọi Chính phủ Mỹ giảm hoặc giữ mức thuế thấp nhằm hỗ trợ chuỗi sản xuất tại Việt Nam. Hay như KeyTronic, đơn vị cung cấp dịch vụ sản xuất (EMS), đang tiếp tục xây dựng nhà máy tại Đà Nẵng trong nửa cuối 2025 – đầu 2026.
Hoặc như Wyze thông báo hoàn tất chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Còn Lenovo có kế hoạch chuyển một phần sản xuất PC hướng tới U.S sang Việt Nam, tận dụng sự đa dạng hoá chuỗi sản xuất toàn cầu.
“Cần những nét cọ táo bạo”
Thực tế cho thấy Việt Nam hiện giữ vai trò đặc biệt trong khu vực với thế mạnh là điểm lắp ráp cuối cho các sản phẩm điện tử cao cấp. Các “ông lớn” như Foxconn, Samsung, LG Electronics, Intel và Luxshare không chỉ tận dụng nguồn lao động chất lượng của Việt Nam mà còn đánh giá cao môi trường xuất khẩu ít rủi ro. Điều kỳ vọng là thỏa thuận thuế quan mới trong thương mại Mỹ - Việt sẽ không tác động tiêu cực đến mô hình này.
Hoặc như việc thu hút dòng vốn FDI vào mảng năng lượng tái tạo - một trong những lĩnh vực công nghệ cao cũng đang cho thấy những triển vọng tích cực. Ts. Nguyễn Vĩnh Khương, chuyên gia Kỹ thuật và Công nghệ, cho rằng khi các công ty trên toàn thế giới tìm kiếm những giải pháp thay thế cho hàng sản xuất từ Trung Quốc, Việt Nam có thể định vị mình như một trung tâm chiến lược về sản xuất năng lượng tái tạo.
Theo Ts. Khương, việc thiết lập các chính sách năng lượng tái tạo ổn định, minh bạch và dài hạn là một ưu tiên khác cần chú ý. Các khung pháp lý có thể dự đoán, được sự hỗ trợ bởi những ưu đãi rõ ràng và nhất quán, sẽ củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Truyền thông về chính sách rõ ràng sẽ định vị Việt Nam là điểm đến đầu tư năng lượng tái tạo toàn cầu đáng tin cậy và hấp dẫn.
Hơn nữa, sức hấp dẫn trong việc thu hút dòng vốn FDI vào công nghệ cao còn đến từ việc Việt Nam đang chuyển mình từ vai trò lắp ráp cơ bản sang sản xuất linh kiện công nghệ cao, đòi hỏi độ chính xác lớn như chip bán dẫn, cảm biến và phần cứng Trí tuệ nhân tạo (AI) – những lĩnh vực phụ thuộc đáng kể vào đầu tư nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cao. Cánh cửa cho bước nhảy vọt này sẽ càng mở rộng nếu niềm tin của nhà đầu tư được duy trì.
Không những thế, việc tăng thu hút dòng vốn FDI vào công nghệ cao được kỳ vọng sẽ trở thành cú hích giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi công nghệ quốc gia. Theo Ts. James Kang (Đại học RMIT), bằng cách theo đuổi một chiến lược rõ ràng, Việt Nam có cơ hội định hình tương lai và dẫn đầu khu vực trong làn sóng tăng trưởng công nghệ tiếp theo.
“Bức tranh công nghệ Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng và đến lúc cần những nét cọ táo bạo giúp toàn cảnh bừng sáng”, Ts. Kang nói.
Có thể nói với “chìa khóa” duy trì sức hút dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao, tin rằng Việt Nam sẽ khẳng định vị thế công nghệ, là điểm sáng ổn định giữa những biến động.
Thế Vinh