Tại một diễn đàn về chuyển đổi số diễn ra tuần qua, Ths. Đặng Tùng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ - Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chia sẻ một câu chuyện dung dị mà giàu ý nghĩa. Ông kể lại quãng thời gian về công tác tại một địa phương, nơi có hợp tác xã đang chật vật bán một món ăn truyền thống: cá chạch kho niêu đất, giá chỉ 90.000 đồng/niêu. Dù món ăn ngon, nhưng vì không biết cách tiếp cận thị trường, lãnh đạo HTX phải lái ô tô đi khắp nơi chào hàng mà vẫn không bán được.
Những bước phát triển mạnh mẽ
“Tôi về, tôi làm một việc rất đơn giản - ông Tùng Anh nói - Tôi đăng bán lên tất cả các nền tảng số mà người dân có thể tiếp cận: từ Facebook, Zalo đến các diễn đàn cộng đồng. Kết quả là, cá chạch kho bán chạy. Thu nhập của các thành viên HTX tăng từ 1 triệu lên 5 triệu đồng mỗi tháng. Vùng nguyên liệu từng bị bỏ hoang vì làm ra không tiêu thụ được, nay đã được khôi phục”.
Câu chuyện ấy là minh chứng thuyết phục cho việc chuyển đổi số không phải điều xa vời với người dân, mà có thể bắt đầu từ những việc gần gũi, mang lại thay đổi rõ rệt cho thu nhập, đời sống. Và khi được triển khai bài bản, đồng bộ ở cấp quốc gia, chuyển đổi số cùng với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hoàn toàn có thể trở thành trụ cột chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
![]() |
Chính phủ đã xác định tốc độ tăng trưởng GDP từ 8,3 - 8,5% trong năm 2025, tăng trưởng nhanh, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững. Trong đó phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng. |
Điều đó cũng là tinh thần được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo Chính phủ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06, diễn ra cuối tuần qua.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8,3 - 8,5%, thì “tăng trưởng nhanh, tăng trưởng cao nhưng phải bền vững”. Và để làm được điều này, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một giải pháp quan trọng.
Trên thực tế, 6 tháng đầu năm, bộ ba trụ cột này đã cho thấy nhiều chuyển biến tích cực và mang lại những kết quả đáng khích lệ.
Đơn cử, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam tăng 9%, đặc biệt ghi nhận sự bứt phá ở các ngành mũi nhọn như khoa học máy tính, toán học, y học. Cả nước đã cấp 849 giấy chứng nhận kết quả nghiên cứu khoa học – một bước tiến đáng kể trong nỗ lực thương mại hóa nghiên cứu.
Thu thuế từ thương mại điện tử và kinh tế số đạt 98.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm số đạt 78,1 tỷ USD - tăng 20,5%, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất phần mềm và thiết bị số ở khu vực Đông Nam Á.
Thương mại điện tử duy trì đà tăng trưởng 22 - 25%, nhờ sự mở rộng của các nền tảng bán hàng trực tuyến và thói quen tiêu dùng kỹ thuật số đang lan rộng.
Lĩnh vực chuyển đổi số cũng đạt những kết quả mang tính đột phá. Đến nay, cả nước đã lắp đặt 15.000 trạm 5G, đưa tốc độ internet di động của Việt Nam vào top 20 toàn cầu.
Trung tâm Dữ liệu Quốc gia được triển khai gấp rút, dự kiến đi vào vận hành ngày 19/8/2025, góp phần định hình nền tảng dữ liệu lớn cho cả nước. Cùng với đó, hệ thống hóa đơn điện tử đang được triển khai sâu rộng, với hơn 109.800 doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã đăng ký, phát hành 2,1 tỷ hóa đơn điện tử…
Bứt phá trong 6 tháng cuối năm
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, nếu được triển khai đồng bộ và bài bản, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số có thể đóng góp tới 5% tăng trưởng GDP mỗi năm và đây là tăng trưởng bền vững. Cụ thể, khoa học công nghệ có thể đóng góp 1% GDP thông qua việc thương mại hóa nghiên cứu; đổi mới sáng tạo đóng góp 3% nhờ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tăng năng suất; còn chuyển đổi số đóng góp 1% từ các nền tảng số, dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng viễn thông và chính phủ số.
Tuy nhiên, cũng như niêu cá không thể tự bán nếu không ai chia sẻ lên mạng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không thể phát huy nếu thiếu thể chế, thiếu con người, thiếu hành động quyết liệt.
Nhiều điểm nghẽn đã được Thủ tướng chỉ rõ: vẫn còn 75 nhiệm vụ chậm tiến độ, nằm ở 9 bộ, ngành. Thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số chưa đầy đủ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn. Hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nguồn lực cũng là điểm nghẽn: nhiều bộ, ngành, địa phương không chủ động đăng ký nhu cầu chi đầu tư phát triển, cho thường xuyên cho các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và Đề án 06. Trong khi đó, nhân lực chất lượng cao thì còn hạn chế, cơ chế thu hút chuyên gia chưa đủ hấp dẫn, dẫn tới tình trạng “người giỏi không về, người về lại ra đi”.
Thủ tục hành chính vẫn rườm rà khiến người dân, doanh nghiệp vất vả: cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm, mới đạt 18%; tỉ lệ dịch vụ công toàn trình mới đạt 39,51% (mục tiêu năm 2025 là 80%). Công tác hỗ trợ, hướng dẫn, tuyên truyền còn chưa hiệu quả, xuất hiện tình trạng "cò làm giấy tờ". An toàn thông tin và bảo mật dữ liệu ở một số nơi vẫn bị coi nhẹ.
Để thay đổi điều đó, Chính phủ đặt ra một loạt giải pháp mạnh mẽ. Cụ thể, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng quy chế tuyển dụng, đãi ngộ đặc biệt cho chuyên gia hàng đầu, thu hút ít nhất 100 người về nước làm việc, hoàn thành trong tháng 8/2025. Mỗi bộ, ngành, địa phương lựa chọn một tổng công trình sư về công nghệ thông tin, một tổng công trình sư về nghiệp vụ phối hợp Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ và doanh nghiệp công nghệ để xây dựng kiến trúc và chiến lược chuyển đổi số của bộ, ngành mình.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trình Khung chiến lược giáo dục đại học, đề án sắp xếp lại hệ thống viện nghiên cứu gắn với nhu cầu thực tiễn hoàn thành trong quý III/2025.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và 6 thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, xây dựng, phê duyệt Đề án đô thị thông minh trong tháng 7/2025 và tổ chức triển khai ngay trong năm 2025.
Bộ Công an sẽ đôn đốc xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai 116 cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành.
Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao đánh giá tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế số trong GDP, giải pháp đạt 20% GDP vào cuối năm 2025. Đồng thời, mở rộng phủ sóng 5G toàn quốc, tiến tới triển khai Internet vệ tinh, để vùng sâu vùng xa không còn bị “lỡ nhịp số hóa”.
Tin rằng, khi cả hệ thống cùng đồng lòng, cùng vào cuộc như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tăng trưởng 8,5% trong năm 2025 và những mục tiêu trung, dài hạn sẽ ngày càng gần hơn.
Ông Nguyễn Minh Khôi, Giám đốc Chính sách & Chuyển đổi, Viện Tony Blair vì Thay đổi Toàn cầu Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số khu vực công, câu hỏi không còn là “có nên đầu tư” mà là “đầu tư như thế nào để thực sự kiến tạo phát triển”. Thay vì chỉ tập trung vào hạ tầng phần cứng và kỹ năng CNTT cơ bản, Việt Nam cần xác định tư duy về một hệ sinh thái số – nơi hạ tầng, thể chế và con người cùng vận hành như một nền tảng điều phối chính sách, dữ liệu và dịch vụ công.
PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế Thúc đẩy số hóa không còn là xu hướng công nghệ đơn thuần, mà trở thành điều kiện tiên quyết để Nhà nước chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang mô hình điều hành phát triển. Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị được ban hành đúng vào thời điểm chuyển tiếp có tính bản lề của nền kinh tế Việt Nam, khi đổi mới sáng tạo, khoa học – công nghệ và chuyển đổi số không chỉ là phương tiện hỗ trợ mà đã trở thành động lực chính của tăng trưởng.
Ông Nguyễn Hữu Thái Hoà, Phó Viện trưởng Viện Trí Việt IVM - VUSTA, Bộ Khoa học và Công nghệ Chuyển đổi số trong khu vực công tại Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và nhân lực, nhưng cũng mở ra cơ hội lớn trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng dịch vụ công. Học hỏi từ các mô hình thành công như Estonia, Singapore và Hàn Quốc, Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống chính phủ số hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời đảm bảo tính minh bạch và an toàn trong quản lý nhà nước. |
Đỗ Kiều