Năm 2019 đã đi qua nửa chặng đường, thời điểm này, nhiều ngân hàng đã công bố mức tăng trưởng lợi nhuận cao kỷ lục so với cùng kỳ của năm 2018, lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm, tỷ giá hạ nhiệt. Thế nhưng, kỳ vọng của doanh nghiệp về việc giảm lãi suất cho vay vẫn chưa được các nhà băng phát đi tín hiệu.
16 ngân hàng lãi 33.000 tỷ
Khảo sát tại 16 ngân hàng thương mại (NHTM) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2019 cho thấy tổng lợi nhuận trước thuế đạt 33,1 nghìn tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Trong đó, một số ngân hàng có mức tăng trưởng khá cao như VIB tăng 58%, Vietcombank tăng 41%…
Đáng chú ý, hầu hết các ngân hàng này đều có tỷ trọng thu nhập từ lãi tăng lên do cho vay khách hàng tăng nhanh hơn huy động tiền gửi. Tính chung 16 NHTM, tỷ trọng thu nhập từ lãi/tổng thu nhập là 75%, cao hơn so với mức 72% của cùng kỳ năm 2018; tăng trưởng cho vay khách hàng là 10% trong khi tăng trưởng huy động tiền gửi chỉ là 8,3%.
Khảo sát cũng cho thấy, nhu cầu huy động vốn trên thị trường 1 (ngân hàng và người dân) trong 6 tháng đầu năm cũng khá lớn. Biểu hiện rõ nhất là lãi suất tiền gửi liên tục được các nhà băng đẩy lên cao, mức lãi suất 8%/năm đã xuất hiện tại nhiều ngân hàng, thậm chí lãi suất chứng chỉ tiền gửi ở một số ngân hàng trên mức hơn 9%/năm.
Đáng chú ý, trong khi lãi suất huy động từ dân cư vẫn neo tại mức khá cao, lãi suất trên liên ngân hàng liên tục giảm ở tất cả các kỳ hạn trong 6 phiên giao dịch gần đây.
Tại ngày 26/7, lãi suất liên ngân hàng VND giao dịch quanh mức qua đêm 2,70% (-0,18 điểm phần trăm); 1 tuần 2,82% (-0,16 điểm phần trăm); 2 tuần 3,02% (-0,16% điểm phần trăm); 1 tháng 3,36% (-0,12 điểm phần trăm).
Trên thị trường mở, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu 52.000 tỷ đồng tín phiếu, kỳ hạn tín phiếu vẫn ở mức 7 ngày, lãi suất ở mức 2,75%. Kết quả, các tổ chức tín dụng hấp thụ được gần như toàn bộ khối lượng chào thầu.
Với tổng số 29.998 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn trong tuần qua, NHNN đã hút ròng 22.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 51.999 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thanh khoản trên hệ thống ngân hàng hiện đang dư thừa, nhưng các NHTM vẫn liên tục tăng lãi suất huy động hút vốn bởi nhu cầu nguồn vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu của NHNN vẫn còn thiếu.
Thực tế, lãi suất huy động tăng chủ yếu ở các kỳ hạn dài trên 12 tháng, còn kỳ hạn ngắn như 1 và 2 tháng vẫn giữ nguyên, thậm chí có ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ.
Thông tin về hoạt động ngân hàng của NHNN mới đây cũng cho thấy, lãi suất huy động bằng VND hiện phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm.
![]() |
Lợi nhuận khủng, ngân hàng vẫn khó giảm lãi suất cho vay |
Lãi vay khó giảm cũng không tăng
Theo đánh giá của các chuyên gia, cho dù lợi nhuận của các ngân hàng tăng cao nhưng khả năng giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp vẫn khó.
Một chuyên gia phân tích: nhu cầu huy động trên thị trường 1 trong 5 tháng cuối năm của các ngân hàng vẫn khá lớn, lãi suất huy động vì thế khó có thể giảm với các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Thậm chí lãi suất sẽ tiếp tục tăng nhẹ do các ngân hàng đang phải tái cơ cấu nguồn vốn, nhất là trong trường hợp tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có khả năng xuống chỉ còn 30% vào năm 2020.
Trong khi đó, lãi suất huy động kỳ hạn ngắn sẽ không có nhiều biến động, thậm chí có thể giảm do nguồn vốn ngắn hạn trong hệ thống khá dồi dào.
Tuy nhiên, nhu cầu vay vốn trong khối doanh nghiệp và cư dân thông thường có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Do đó, việc giảm lãi suất cho vay rất khó xảy ra.
“Những yếu tố trên chỉ có thể hỗ trợ cho lãi suất cho vay ổn định ở mức hiện tại”, chuyên gia này nhận định.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/ năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,0%/ năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/ năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,5- 6,0%/năm.
Chưa kể, một số ngân hàng đã sớm cạn room (hạn mức tăng trưởng tín dụng) được cấp và đang trình NHNN được nới thêm, nhưng để được nới thêm hạn mức cũng là điều vô cùng khó khăn trong bối cảnh “quota” tín dụng của toàn hệ thống năm nay chỉ ở mức 14%.
Công ty chứng khoán SSI nhận định: “Nếu mặt bằng lãi suất huy động không có những đột biến lớn, lãi suất cho vay sẽ được giữ ổn định, các NHTM sẽ thích ứng bằng cách điều chỉnh cơ cấu dư nợ, phát triển dịch vụ và tăng hiệu quả quản lý chi phí để gia tăng lợi nhuận”.
Hoàng Hà