Yếu tố đầu vào để giảm lãi suất cho vay đã hết dư địa, nên nhiều ngân hàng sẽ phải dừng lại kế hoạch này. Thậm chí, một số nhà băng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay khách hàng cá nhân ở một số lĩnh vực bị siết như bất động sản, cho vay mua ô tô, mua nhà…
Chi phí đầu vào khó giảm
Về lý thuyết, muốn giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tiết giảm chi phí hoạt động để giảm tỷ lệ lãi cận biên (NIM) và giảm giá vốn đầu vào.
Thế nhưng, hiện NIM của các ngân hàng đã giảm xuống mức thấp nhất sau khi mặt bằng lãi suất cho vay được kéo giảm nhanh hơn lãi suất huy động trong mấy năm gần đây, nên khó có thể kéo giảm thêm.
Trong khi đó, lãi suất đầu vào liên tục bị đẩy lên cao. Theo phản ánh của công ty Chứng khoán SSI, lãi suất kỳ hạn dài được nhiều NHTM đẩy lên cao thời gian qua để tranh thủ hút vốn nhằm cơ cấu lại nguồn vốn đầu vào.
Ngoại trừ nhóm 5 ngân hàng lớn nhất (Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, Techcombank) áp dụng lãi suất ở quanh mức 7%/năm, lãi suất tiền gửi 12 tháng trở lên của các NHTM phổ biến trên 7,4%/năm, cá biệt có một số đẩy lên rất cao trên 8%/năm, thậm chí là 8,5 – 8,6%/năm.
Hiện, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của VIB là 8,6%/năm; kỳ hạn 24 tháng của MSB 8,2%/ năm; Nam A Bank áp dụng mức lãi suất 8,7% cho kỳ hạn 36 tháng. Ở kỳ hạn dài, VietCaptial Bank và TPBank niêm yết mức 8,6%…
Việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% đầu năm nay và tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới đang dần tác động lên mặt bằng lãi suất huy động ở các ngân hàng.
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại cuối tháng 4/2019 của khối các NHTM nhà nước và khối các NHTM cổ phần lần lượt ở mức 31% và 31,5% – giảm so với mức 31,6% và 32,9% tại cuối tháng 2/2019.
Mức giới hạn tối đa của chỉ tiêu này hiện tại là 40%, nhưng tại dự thảo thông tư thay thế Thông tư 36, NHNN đưa ra lộ trình giảm về mức 30% trong vòng 2 hoặc 3 năm tới.
Theo bộ phận phân tích của SSI, lãi suất với các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) vì thế vẫn khó giảm, thậm chí có thể tăng nhẹ theo các chương trình ngắn hạn để thực hiện các mục tiêu bán niên tại 30/6/2019 của các ngân hàng.
![]() |
Lãi suất cho vay cá nhân tăng nhẹ
NHNN định hướng các NHTM không tăng lãi suất cho vay năm 2019, thậm chí có thể giảm. Thực tế, với một số lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp có nhiều rủi ro, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ bà con nông dân.
Đặc biệt, kết thúc quý I, nhiều NHTM đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, nhiều ý kiến kỳ vọng sẽ tạo đà để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay với một số khách hàng ưu tiên. Tuy nhiên, kết thúc quý II vẫn chưa có ngân hàng nào công bố giảm lãi suất cho vay.
Thậm chí, theo dõi thị trường có thể thấy, ở lĩnh vực cho vay khách hàng cá nhân, với các khoản vay liên quan đến bất động sản như vay mua nhà đất, xây sửa nhà, lãi suất cho vay còn tăng nhẹ so với thời điểm cuối năm 2018.
Số liệu phân tích thị trường được HCMBanker (đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối khách hàng đến ngân hàng vay vốn) tổng hợp cho thấy, ngay từ đầu năm 2019, một số ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất cho vay đối với tất cả các đối tượng vay, mức tăng khoảng 0,2- 0,5%/năm.
Theo đó, lãi suất cho vay cố định năm đầu hiện được các ngân hàng lớn áp dụng ở mức 8 – 9%/ năm, thay đổi đáng kể so với mức cố định 7 – 8%/ năm phổ biến trong năm 2018. Đối với lãi suất trong thời hạn còn lại, các gói vay ưu đãi tại các ngân hàng lớn vốn dao động trong khoảng 10 – 11,5%/ năm trong năm 2018 đã tăng lên 11 – 12%/năm trong năm 2019. Trong khi đó, các ngân hàng nhỏ áp dụng mức cao hơn, khoảng 11% – 13,5%/năm.
Hiện, Vietcombank đưa ra mức lãi suất cho vay mua nhà cố định dao động 9 – 9,4% tuỳ kỳ hạn, BIDV áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà 11,4%/năm và VietinBank là 11%/năm. Eximbank đưa ra mức lãi suất cho vay mua nhà là 11%/năm; Sacombank là 13,5%/năm và VietBank là 12,2%/năm.
Đáng chú ý, hầu hết mức lãi vay ưu đãi này chỉ được các ngân hàng áp dụng trong khoảng thời gian 12 – 36 tháng. Sau thời gian này, mức lãi vay được tính theo công thức lãi suất tiết kiệm 12 – 13 tháng cộng với mức lãi suất biên độ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, NHNN đã luôn khẳng định sẽ chủ động điều tiết tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức về lạm phát, áp lực từ tỷ giá ngoại tệ…, nên trong những điều kiện nêu trên, mặt bằng lãi suất giữ được ổn định đã là một thành công, còn việc giảm hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng điều hành của các cơ quan quản lý, cũng như việc cân đối, kết quả kinh doanh ở các NHTM.
Hoàng Hà