Một chuyên gia dự báo, giảm lãi suất cho vay chưa thể thực hiện ở thời điểm hiện nay. Sau thời điểm này, nếu như lãi suất có giảm thì các bước giảm nhỏ hơn, chỉ khoảng 0,25 – 0,5%/năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, Việt Nam là một nước đang phát triển, nguồn vốn cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào ngân hàng thương mại (NHTM), vì thế lãi suất cho vay của ngân hàng đóng vai trò then chốt trong việc phát triển của doanh nghiệp (DN).
Mặt bằng lãi suất vẫn cao
Trong những năm qua, Chính phủ cũng đã nhiều lần yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN. Báo cáo kinh tế vĩ mô thường niên phát hành tháng 1/2019 do nhóm nghiên cứu của Đại học Ngân hàng Tp.HCM công bố mới đây ghi nhận khả năng chịu đựng lãi vay của DN Việt Nam đã được cải thiện trong giai đoạn 2015 – 2018.
Đại diện nhóm nghiên cứu, PGs.Ts. Nguyễn Đức Trung, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng Tp.HCM, cho hay kết quả nghiên cứu tính toán hệ số khả năng thanh toán lãi vay (ICR) của các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau khi đã loại các DN lĩnh vực tài chính – ngân hàng cho thấy, giai đoạn 2015 – 2018, tỷ trọng DN có ICR nhỏ hơn 1 cải thiện đáng kể.
"Điều này cho thấy mặt bằng lãi suất được duy trì thời gian qua là phù hợp với hệ thống DN Việt Nam", nhóm nghiên cứu đánh giá.
Cụ thể, thị trường tiền tệ Việt Nam từ đầu năm 2018, NHNN giảm lãi suất chào mua trên thị trường mở từ 5% xuống 4,75%/năm nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) giảm lãi suất cho vay.
Nhờ đó, lãi suất cho vay bình quân tăng không đáng kể, trung bình khoảng 8,91% (năm 2017 là 8,86%); cho vay ngắn hạn bằng VND 6 – 9%/năm (ngắn hạn); trung và dài hạn 9 – 11%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn USD 2,8 – 4,7%/năm; dài hạn 4,5 – 6%/năm.
Bước sang năm 2019, giao dịch bằng VND trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất bình quân liên tục có xu hướng giảm. Cụ thể, trong tháng 2, lãi suất trên liên ngân hàng giảm từ mức 4,9% trước Tết Nguyên đán về 4%/năm với kỳ hạn qua đêm và giảm từ 5,05% về 4,3%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay VND giữa ngân hàng với dân cư và tổ chức kinh tế phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0- 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng trong vài năm trở lại đây, mặt bằng lãi suất cho vay VND không thay đổi. Thậm chí trên thị trường, một số khoản vay như vay bất động sản, lãi suất còn có xu hướng tăng kể từ đầu năm, do việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.
Một lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: "Nhiều DN cho biết họ vẫn đang phải vay vốn ở ngân hàng với lãi suất rất cao, điều này đã ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, khiến việc cạnh tranh trở nên khó khăn hơn".
![]() |
Nhiều DN vẫn đang phải vay vốn ngân hàng với lãi suất rất cao |
Khó giảm trong ngắn hạn
Theo đánh giá của Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, không chỉ trong năm 2018 mà một vài năm trước đây, NHNN cũng đã từng giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ giảm lãi suất, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như mong đợi, chưa kể đây có thể là "con dao hai lưỡi".
Nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất điều hành chưa gắn chặt với lãi suất thị trường, thị trường 1 (dân cư và tổ chức kinh tế) với thị trường 2 (các ngân hàng vay mượn lẫn nhau) tại Việt Nam vẫn có sự gắn kết lỏng lẻo. Vì thế, giảm lãi suất điều hành chỉ có tác động rất nhẹ tới tình hình lãi suất.
Mới đây, Chính phủ định hướng cho các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khả quan trong năm 2019 sau năm 2018 "bùng nổ", song yếu tố này chưa đủ để các NHTM giảm lãi suất cho vay trong thời gian ngắn.
Hiện, thanh khoản của các NHTM dù được cải thiện rõ rệt nhưng chưa phải bền vững nên vẫn cần phải đẩy mạnh thu hút tiền gửi vào các TCTD.
Theo phân tích của giới chuyên gia, lãi suất cho vay theo nguyên tắc cũng phải đảm bảo bù đắp chi phí cho hoạt động của các TCTD và có tích lũy dù rằng mức tối thiểu. Nhìn số học đơn thuần bên ngoài, chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động nội tệ là khoảng 4%, nhưng nếu tính toán đầy đủ phần để tỷ lệ dự trữ bắt buộc, vốn khả dụng và an toàn khác trong thanh toán…. cũng như tỷ lệ nợ xấu, lãi đọng không thu hồi được, mức chênh lệch trên là rất thấp.
Chưa kể, hiện nay chi phí hoạt động của nhiều ngân hàng đang tăng như việc mở rộng phát triển mạng lưới, khai trương thêm phòng giao dịch; cùng với đó là chi phí dự phòng rủi ro cũng tăng cao do nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm. Những yếu tố này vẫn là lực cản lớn nhất trong việc giảm chi phí hoạt động tín dụng – một cơ sở để giảm lãi suất cho vay.
Trong khi đó, ông Hiếu cho rằng hiện nay, thị trường 1 và thị trường 2 chưa có sự liên thông, chưa có nhiều sự tác động lẫn nhau, hỗ trợ nhau giữ ổn định mặt bằng lãi suất. Vì thế, thời gian tới, NHNN và hệ thống ngân hàng phải có những điều chỉnh để hai thị trường này có sự giao thoa và liên kết, giúp những hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý được thực thi hiệu quả.
Huyền Anh