Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, đến cuối tháng 5, tiền gửi của cả khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế vào các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt hơn 15,34 triệu tỷ đồng, tăng gần 1% so với tháng liền trước.
Đáng lưu ý, tiền gửi của tổ chức sau khi sụt giảm 2 tháng đầu năm đã có 3 tháng tăng liên tiếp, dù mức tăng còn rất nhẹ. Tính tới cuối tháng 5/2025, tiền gửi của doanh nghiệp đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 0,97% so với cuối năm 2024.
Tiền gửi dân cư tiếp tục tăng mạnh (tăng 7,61% so với đầu năm), đạt hơn 7,6 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 5/2025. Riêng trong tháng 5, tiền gửi cư dân đã tăng thêm khoảng 65.427 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 5/2025, tín dụng tăng 6,72%, đạt quy mô 16,6 triệu tỷ đồng, trong khi huy động vốn từ dân cư và tổ chức tăng hơn 4,1%, đạt quy mô 15,3 triệu tỷ đồng. Như vậy, huy động vốn vẫn "hụt" hơn 1,3 triệu tỷ đồng so với tín dụng, dẫn đến tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) đạt mức khoảng 108,75%. Đây là một mức LDR tương đối cao, phản ánh xu hướng sử dụng nguồn lực huy động để đẩy mạnh tín dụng trong bối cảnh phục hồi tăng trưởng.
Theo số liệu của NHNN, tính đến hết tháng 6/2025, tín dụng đã tăng 9,9%, NHNN chưa công bố số liệu huy động vốn tại thời điểm này.
![]() |
Tính đến tháng 5/2025, huy động vốn vẫn "hụt" hơn 1,3 triệu tỷ đồng so với tín dụng. |
Tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng bấp chấp trong tháng 5, các ngân hàng thương mại ồ ạt giảm lãi suất. Sau thời gian ngân hàng đưa lãi suất huy động vượt mốc 6%/năm, cao hơn so với mặt bằng chung trong nhiều tháng trước đó thì từ tháng 4, mức lãi này gần như “biến mất”.
Hiện tại, theo ghi nhận từ VnBusiness, thị trường chỉ còn rất ít nhà băng trả lãi suất từ 6%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn này là 4,5-5,5%/năm. Nhóm nhà băng quốc doanh niêm yết lãi suất kỳ hạn 12 tháng ở mức 4,6-4,8%/năm.
Với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất bình quân chỉ ở mức 3-5%/năm. Trong đó, nhóm ngân hàng quốc doanh và số ít nhà băng khác trả lãi quanh 3%/năm, đa số đơn vị trên thị trường đều trả từ 4%/năm trở lên, mức cao nhất là 5%/năm.
Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2025 của một số ngân hàng cũng cho thấy mức tăng đáng kể của lượng tiền gửi khách hàng. Như tại NCB, tổng huy động vốn (gồm tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá) ước đạt hơn 120.148 tỷ đồng, tăng trưởng 19,6% so với cuối năm 2024, tương ứng mức tăng hơn 19.726 tỷ đồng.
Techcombank cho hay, tiền gửi khách hàng đã tăng 2,19% lên hơn 545.000 tỷ đồng; phát hành giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu) tăng mạnh 22,73%, đạt hơn 172.000 tỷ đồng. Điều này đã góp phần giúp tổng tài sản của Techcombank vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm.
Tính đến ngày 30/6/2025, tổng tài sản hợp nhất của VPBank cũng đã vượt 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm, một phần nhờ huy động vốn từ khách hàng đạt hơn 600.000 tỷ đồng, tăng gần 24% so với cuối năm 2024, vượt mức 19% của tăng trưởng tín dụng.
Tiền gửi của khách hàng tại PGBank đến cuối tháng 6 tăng trưởng 7,8% lên hơn 46.700 tỷ đồng; lượng tiền gửi tại TPBank tăng mạnh 19% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 377.500 tỷ đồng; LPBank có lượng tiền gửi đạt hơn 313.174 tỷ đồng, tăng 10% so với cuối năm 2024.
Hay tại Kienlongbank ghi nhận tiền gửi khách hàng đạt hơn 73.170 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cuối năm trước; huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư của NamABank đạt gần 211.000 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 22% so với đầu năm…
Có thể thấy, đà tăng của lượng tiền gửi từ dân cư diễn biến trái chiều với bối cảnh lãi suất huy động tại các ngân hàng không cao, thậm chí đã qua không ít kỳ điều chỉnh giảm ở các kỳ hạn.
Từ đầu tháng 7/2025 đến nay, một số ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Mặc dù vậy, theo NHNN, mặt bằng lãi suất chung từ đầu năm đến nay vẫn ổn định. Thậm chí, một số ngân hàng thương mại còn giảm lãi suất huy động như LPBank giảm 0,2%/năm kỳ hạn 18 - 60 tháng cho hình thức gửi trực tuyến; NCB giảm 0,1%/năm tùy kỳ hạn, Bac A Bank giảm 0,1% các kỳ hạn và loại hình tiền gửi; VIB giảm 0,1/năm kỳ hạn 36 tháng tiền gửi tại quầy từ 1 tỷ đồng đến dưới 5 tỷ đồng hay BaoVietBank giảm 0,15 - 0,2%/năm ở các kỳ hạn 6 - 13 tháng…
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương cách đây ít ngày, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua, NHNN đã điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, phù hợp với diễn biến cung - cầu trên thị trường tiền tệ.
NHNN duy trì các phiên chào mua giấy tờ có giá hằng ngày với khối lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn của các TCTD; đồng thời đa dạng hóa và kéo dài kỳ hạn chào mua, góp phần hỗ trợ nguồn vốn trung dài hạn cho hệ thống ngân hàng, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giữ ổn định vĩ mô.
Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất điều hành ở mức thấp nhằm định hướng giảm lãi suất cho vay. Đồng thời chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và triển khai các giải pháp khác nhằm nỗ lực giảm lãi suất cho vay. Nhờ điều hành đồng bộ các giải pháp, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục xu hướng giảm.
Hiện, lãi suất cho vay bình quân mới ở mức 6,23%/năm, giảm 0,7%/năm so với cuối năm 2024, qua đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân phát triển sản xuất kinh doanh.
Thanh Hoa