Trong những năm gần đây, với sự ra đời và phát triển của các HTX sản xuất miến dong chuyên nghiệp, nghề truyền thống này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo của huyện.
HTX "thổi hồn" vào sợi miến
Một trong những mô hình tiêu biểu là HTX nông sản Tân Việt Á đã không ngừng đầu tư và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các thành viên tiên phong đầu tư dây chuyền sản xuất tự động từ khâu đánh bột, ép miến đến cán sợi. Điều này giúp nâng cao năng suất, giảm sức lao động và đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định.
HTX cũng đã thay thế các tấm phơi miến truyền thống bằng lưới để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Năm 2023, HTX đã mở rộng nhà xưởng lên 7.000m² và đầu tư thêm máy móc, thiết bị, nâng sản lượng miến dong lên khoảng 100 tấn/năm.
Miến dong Tân Việt Á đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2020, minh chứng cho chất lượng và uy tín của sản phẩm. Đồng thời, HTX chú trọng sản xuất sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Mô hình sản xuất của HTX Tân Việt Á sử dụng 100% bột dong riềng trồng tại địa phương, đặc biệt là giống dong riềng đỏ có chất lượng tốt, tạo nên hương vị đặc trưng cho miến dong Tân Việt Á. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để HTX mở rộng kênh phân phối với nhiều chuỗi cửa hàng sạch trong cả nước.
Một điều không thể không kể đến là khi HTX đi vào hoạt động đã hỗ trợ sinh kế và thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Trước đây, nhiều gia đình chỉ sản xuất miến theo phương pháp thủ công, năng suất thấp, chất lượng không ổn định. Từ khi tham gia HTX, bà con và các thành viên khác đã được tiếp cận với quy trình sản xuất hiện đại hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm bớt sức lao động.
![]() |
Người dân trồng dong riềng và bán cho các HTX làm miến. |
Nhờ giá bán miến ổn định, thu nhập của các thành viên HTX, hộ dân cũng tăng lên đáng kể. Nhiều hộ trước đây khó khăn giờ đã có cuộc sống ổn định hơn, con cái được ăn học đầy đủ.
Tương tự, HTX Cốc Phường ở xã Thành Công cũng là đơn vị hoạt động hiệu quả trong việc duy trì nghề truyền thống làm miến dong và hỗ trợ tiêu thụ dong riềng cho người dân. HTX này cũng đã đầu tư cơ sở vật chất và tổ chức tập huấn cho người dân. Song song với đó, HTX đã đầu tư vào bao bì, nhãn mác, quảng bá sản phẩm trên các kênh truyền thông, tham gia các hội chợ, triển lãm để giới thiệu miến dong đến với đông đảo người tiêu dùng.
Điều quan trọng là các thành viên HTX luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. HTX đã xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu chọn nguyên liệu đến khi sản phẩm đóng gói. Nhờ đó, sản phẩm miến dong của HTX ngày càng được nhiều người biết đến và tin dùng, góp phần tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương, nhiều người trong số đó là hộ nghèo, cận nghèo.
Hiệu quả kép
Nghề làm miến dong không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người dân Nguyên Bình. Các công đoạn sản xuất miến, từ việc chọn củ dong, xay bột, tráng bánh đến cắt sợi đều mang đậm dấu ấn của kỹ thuật thủ công truyền thống, được truyền từ đời này sang đời khác. Sự phát triển của các HTX đã giúp nghề truyền thống này không bị mai một mà còn được nâng lên một tầm cao mới, kết hợp giữa phương pháp thủ công và công nghệ hiện đại để nâng cao giá trị gia tăng, đưa sản phẩm truyền thống của địa phương đến với nhiều người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, việc phát triển nghề miến dong thông qua các HTX còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ và người lao động ở vùng sâu, vùng xa. Các HTX thường xuyên tuyển dụng lao động địa phương, tạo thu nhập ổn định, giúp họ có điều kiện cải thiện cuộc sống. Nhiều hộ gia đình nhờ nghề làm miến dong, tham gia trồng dong riềng để bán cho HTX làm nguyên liệu sản xuất đã thoát khỏi cảnh nghèo khó, xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm được các tiện nghi sinh hoạt.
![]() |
Miến dong Tân Á Việt đã được xuất khẩu sang Mỹ, giúp khẳng định chất lượng và thương hiệu. |
Như HTX Tân Việt Á mỗi năm bán ra thị trường hàng chục tấn miến dong giúp tạo việc làm cho hơn 10-15 lao động thời vụ. Đến nay, sản phẩm của HTX đã có mặt ở nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Đây cũng là cơ sở để HTX nhận được sự đầu tư, hỗ trợ xứng đáng của các ban ngành liên quan.
Tiêu biểu là HTX Nông sản Tân Việt Á đã được Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh Cao Bằng (với sự tham gia của Liên minh HTX Việt Nam) hỗ trợ vốn để đổi mới công nghệ sản xuất miến dong theo chuỗi liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nhiều hộ nông dân, giúp họ có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững.
HTX Miến dong Cốc Phường (xã Thành Công) đã nhận được sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật và liên kết thị trường, giúp người dân vùng 135 của xã từng bước vươn lên nhờ nghề làm miến dong.
Hay HTX Án Lại (huyện Hòa An, giáp ranh Nguyên Bình) mặc dù không trực thuộc huyện Nguyên Bình nhưng HTX này đang đứng ra thu mua rất nhiều dong riềng của người dân huyện Nguyên Bình về sản xuất miến. HTX Án Lại cũng được Liên minh HTX Việt Nam và các sở, ban, ngành của tỉnh Cao Bằng hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà xưởng, mua máy móc phục vụ sản xuất miến dong, giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định hơn.
Có thể thấy, nghề làm miến dong nếu được đầu tư bài bản được coi là nghề tiềm năng. Bởi một số hộ sản xuất miến dong lâu năm có thể đạt thu nhập khá cao. Ngay ở trong huyện, nhiều hộ sau khi liên kết với HTX có thể bán được hơn 4 tấn miến dong mỗi năm, thu về gần 200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, có những hộ có thể bán được khoảng 1 tấn miến mỗi năm, cho nguồn thu khoảng 50 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Để sợi miến đi "đường dài"
Nghề làm miến dong được đánh giá là "cứu cánh" và góp phần xóa đói giảm nghèo cho hàng nghìn hộ dân ở Cao Bằng, trong đó có huyện Nguyên Bình.
Như xã Thành Công là một trong những địa phương phát triển trồng dong riềng và làm miến dong nổi tiếng nhất huyện Nguyên Bình. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, gần như 90% số hộ dân trong xã tham gia vào nghề này. HTX Cốc Phường đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ dong riềng và hỗ trợ người dân sản xuất miến, góp phần đáng kể vào việc cải thiện đời sống và giảm nghèo. Theo thống kê, có khoảng trên 100 hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo từ trồng dong riềng và sản xuất miến, tính đến năm 2024. Điều này cho thấy tác động tích cực của nghề đối với thu nhập của người dân trong xã.
Để nghề làm miến dong tiếp tục phát triển và đóng góp hiệu quả hơn nữa vào công tác giảm nghèo, chính quyền huyện Nguyên Bình đã có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực cho các HTX và người dân làm miến. Huyện đã tạo điều kiện thuận lợi về vốn vay ưu đãi, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, khuyến khích xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm. Đồng thời, huyện cũng tăng cường công tác quản lý chất lượng, đảm bảo sản phẩm miến dong Nguyên Bình luôn đạt tiêu chuẩn cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Ngoài ra, Viện Phát triển Kinh tế hợp tác (Liên minh HTX Việt Nam) cũng phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, trong đó có các HTX sản xuất miến ở huyện Nguyên Bình.
Trong định hướng phát triển kinh tế của huyện, nghề làm miến dong được xác định là một trong những ngành chủ lực, có tiềm năng phát triển bền vững. Huyện đang tập trung hỗ trợ người dân, HTX xây dựng các vùng nguyên liệu dong riềng tập trung, quy hoạch các cụm công nghiệp chế biến miến dong hiện đại, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Rõ ràng, nghề làm miến dong ở huyện Nguyên Bình đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân vùng cao. Câu chuyện về những HTX miến dong thành công là minh chứng rõ ràng cho thấy sự kết hợp giữa bảo tồn giá trị truyền thống và đổi mới sáng tạo có thể tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương.
Minh Nhương