Xác định được điều đó, những năm qua, xã Thọ Thanh (Thường Xuân) đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM).
HTX hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp
Cây mía là cây trồng chủ lực của địa phương, vì vậy, UBND xã Thọ Thanh đã chỉ đạo nông dân phối hợp với HTX dịch vụ nông nghiệp Thọ Thanh mở rộng diện tích trồng mía nguyên liệu, liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn đưa các giống mới vào sản xuất, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để tăng năng suất, chất lượng mía.
![]() |
HTX Dịch vụ nông nghiệp Thọ Thanh đưa dưa Kim Hoàng hậu vào sản xuất (Ảnh: TL) |
Hằng năm, toàn xã duy trì diện tích trồng mía trung bình từ 100 - 120 ha. Bên cạnh đó, người dân chú trọng phát triển diện tích cây trồng hàng hóa, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, như: Ớt xuất khẩu, ngô dày...
Thời gian qua, ngoài những loại cây trồng truyền thống, UBND xã chỉ đạo HTX Dịch vụ nông nghiệp Thọ Thanh đưa một số loại cây mới, như: Dưa Kim Hoàng hậu, cây bạc hà,... vào sản xuất, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời, quan tâm xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, như: Trồng cây ăn quả, rau an toàn,... Tổng kinh phí hỗ trợ cho các mô hình là hơn 400 triệu đồng.
Đồng thời, với diện tích đất trồng cây lâm nghiệp hơn 100 ha, tập trung tại thôn Thanh Cao, năm 2019 sản lượng khai thác ước tính đạt 380 tấn gỗ keo, giá trị thu nhập khoảng 315 triệu đồng.Thu nhập từ luồng tre ước tính trên 150 triệu đồng.
Trong chăn nuôi, hàng năm HTX dịch vụ nông nghiệp Thọ Thanh, các tổ chức đoàn thể thường xuyên phối hợp với các đơn vị chuyên môn trong huyện tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, triển khai tiêm phòng theo đúng kế hoạch đề ra.
Nhờ đó, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn luôn ổn định, ngày càng nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi ong... quy mô trang trại, gia trại cho thu nhập hàng trăm triệu mỗi năm.
Ngoài sản xuất nông nghiệp, xã Thọ Thanh còn chú trọng phát triển các nghề mộc, gò hàn, các dịch vụ xây dựng, vận tải, cung ứng vật liệu xây dựng và dịch vụ thương mại.
Tăng thu nhập cho người dân
Năm 2019, xã Thọ Thanh được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Sau gần 10 năm xây dựng NTM, xã Thọ Thanh đã huy động được hơn 145 tỷ đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, như: Công sở UBND xã, trung tâm văn hóa xã, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn, các trường học, trạm y tế... qua đó đã tạo ra sức bật trong xây dựng NTM, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất.
Ông Lê Hữu Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Thanh, cho biết, cấp ủy Đảng, chính quyền xã Thọ Thanh luôn xác định sản xuất nông nghiệp chính là động lực để nâng cao thu nhập cho người dân và là tiền đề để xây dựng NTM.
![]() |
Xã tập trung chỉ đạo người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi |
Do đó, xã tập trung chỉ đạo người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập bình quân đầu người.
Nếu năm 2013, xã Thọ Thanh có tỷ lệ hộ nghèo là 21,4%, đến tháng 6/2019, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 3,59%. Thu nhập người dân tính đến tháng 6/2019 đã đạt 33,06 triệu đồng/người/năm.
Thời gian tới, UBND xã tiếp tục khuyến khích người dân đưa giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao và áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, tích tụ đất đai, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Trong năm 2020, xã Thọ Thanh tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích, đồng thời, triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng, nhà lưới.
Bên cạnh đó, xã cho biết, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư về công nghiệp, thương mại, dịch vụ và trang trại, mở ra hướng đi mới cho lĩnh vực chăn nuôi của địa phương.
Thy Lê