Có thể nói, 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cũng là từng đó năm huyện Sa Thầy nỗ lực bứt phá vươn lên, bộ mặt nông thôn trên địa bàn từng ngày thay đổi, khoác lên mình một diện mạo mới.
Nông thôn đổi mới từng ngày
Từ các nguồn vốn đầu tư và nỗ lực của người dân, năm 2015, Sa Sơn là xã đầu tiên của huyện Sa Thầy về đích trong chương trình thực hiện xây dựng NTM. Tiếp đó, xã Sa Nhơn cũng cán đích NTM vào năm 2016. Đến cuối năm 2019, xã Sa Nghĩa được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM.
![]() |
Tiêu chí sản xuất sẽ được chú trọng đẩy mạnh trong thời gian tới (Ảnh: TL) |
Ngoài 3 xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn các xã còn lại cũng có đổi mới đáng kể. Hiện, có 5 xã đạt từ 10 tiêu chí gồm Rờ Kơi, Hơ Moong, Mô Rai, Ya Tăng, Sa Bình và 2 xã đạt 8 tiêu chí là xã Ya Xiêr và xã Ya Ly. Số tiêu chí bình quân mỗi xã trên địa bàn huyện hiện nay đạt 12,1 tiêu chí, tăng 2,6 tiêu chí so với năm 2015 và tăng 10,1 tiêu chí so với năm 2011.
Nếu căn cứ bảng đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí huyện NTM (theo Quyết định 588/QĐ-TTg ngày 5/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ) thì hiện nay trên địa bàn huyện Sa Thầy tiêu chí số 1 về quy hoạch có 10/10 xã đạt chuẩn; tiêu chí số 2 về giao thông có 4/10 xã đạt chuẩn; tiêu chí số 3 về thủy lợi có 10/10 xã đạt chuẩn; tiêu chí số 4 về điện có 10/10 xã đạt chuẩn; tiêu chí số 5 y tế, văn hóa, giáo dục có 3/10 xã đạt chuẩn; tiêu chí số 6 về sản xuất có 3/10 xã đạt chuẩn; tiêu chí số 7 về môi trường có 3/10 xã đạt chuẩn; tiêu chí số 8 về an ninh trật tự xã hội có 10/10 xã đạt chuẩn; tiêu chí số 9 về chỉ đạo xây dựng NTM có 10/10 xã đạt chuẩn.
“Qua 10 năm thực hiện xây dựng NTM, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện Sa Thầy đã có sự thay đổi khởi sắc; hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu người dân; đối với các xã đã đạt chuẩn NTM đây là điều kiện cần thiết để duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống ngày một cao hơn, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu”, đại diện UBND huyện Sa Thầy cho biết.
Đến cuối năm 2019 vừa qua, thu nhập bình quân đầu người của địa phương đạt gần 38 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 14%.
Huyện Sa Thầy đang phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 50% số xã đạt chuẩn xã NTM; số tiêu chí bình quân đạt chuẩn mỗi xã là 16,5 tiêu chí; phấn đấu có 5 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn trên 45 triệu đồng/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%...
Phát huy vai trò của kinh tế hợp tác
Tập trung thực hiện đột phá trong nông nghiệp để xây dựng, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn là một trong hướng đi được huyện Sa Thầy lựa chọn nhằm tạo nên bứt phá trong thời gian tới, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
![]() |
Các tổ hợp tác và HTX có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng NTM, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo (Ảnh: TL) |
Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, huyện Sa Thầy chú trọng định hướng, hỗ trợ cho các HTX, người dân gắn mở rộng diện tích với việc đầu tư, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất như tưới tiết kiệm, chăm sóc theo hướng nông nghiệp sạch, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng; tích cực thực hiện xây dựng chuỗi liên kết tạo đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của người dân, doanh nghiệp…
Tiêu biểu cho hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với quy mô sản xuất lớn, tạo nên mối liên kết trong sản xuất trên địa bàn huyện Sa Thầy là HTX Đoàn Kết (xã Mô Rai), HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại xã Sa Nghĩa, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Đăk Wớt Jốp (xã Hơ Moong). Đến nay, 3 HTX này đã thu được những thành công ban đầu trong việc xây dựng những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau, cây ăn trái, cây cà phê…
Thành lập từ năm 2007 với 7 thành viên, HTX Đoàn Kết (xã Mô Rai) chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trồng, khai thác mủ cao su. Nhưng đến năm 2014, nắm bắt xu hướng của thị trường, HTX quyết định chuyển hướng sang sản xuất trái cây sạch.
Theo chia sẻ của đại diện HTX, nhận thấy nhu cầu trái cây sạch của người tiêu dùng đang ngày càng tăng, trong khi trên địa bàn chưa có ai phát triển mô hình này, HTX đã quyết định trồng thử nghiệm. Sau một thời gian, nhiều loại cây ăn quả phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất cao, vì vậy HTX đã mở rộng quy mô sản xuất.
Đến nay, HTX đã có hơn 15ha cây ăn quả, bao gồm cam, bưởi, quýt, ổi, na Thái, sầu riêng, dưa lê, dưa lưới... Quy trình sản xuất được thực hiện một cách khoa học, chặt chẽ; từ khâu chọn giống, trồng và chăm sóc đều theo tiêu chuẩn sạch hoàn toàn. HTX không dùng thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng phân bón hữu cơ nhập khẩu từ Nhật Bản; hệ thống nước tưới được đầu tư bài bản, phun tưới tự động...
Sản phẩm của HTX có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm độ an toàn tuyệt đối nên tiêu thụ tốt, hiện chỉ đủ cung ứng cho thị trường huyện Sa Thầy và một vài địa phương lân cận. HTX đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng diện tích và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhằm vươn tới những thị trường lớn hơn.
Đức Nguyễn