Trong những năm gần đây, giảm nghèo luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Quảng Hòa.
Đa dạng hóa sinh kế
Huyện đã chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, đề án cụ thể, bám sát vào Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và tình hình thực tế của địa phương. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp huyện đến cơ sở, cùng với sự hưởng ứng tích cực của người dân đã tạo nên những chuyển biến đáng khích lệ.
Một trong những hướng đi quan trọng của Quảng Hòa trong công tác giảm nghèo là tập trung vào hỗ trợ người dân đa dạng hóa sinh kế và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Huyện đã triển khai nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác của từng vùng.
![]() |
Nghề làm miến ở Cai Bộ đã được ứng dụng nhiều công nghệ để nâng hiệu quả kinh tế. |
Điển hình, tại các xã vùng thấp, người dân được khuyến khích phát triển trồng trọt các loại cây có giá trị kinh tế cao như mía, thuốc lá, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm. Huyện đã hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho người dân, đồng thời tạo điều kiện để họ tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, từ đó nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ở các xã vùng cao, nơi có tiềm năng phát triển lâm nghiệp, Quảng Hòa chú trọng vào việc giao đất, giao rừng cho người dân quản lý và bảo vệ, đồng thời hướng dẫn họ trồng các loại cây gỗ có giá trị kinh tế như keo, mỡ.
Bên cạnh đó, các mô hình trồng cây dược liệu quý hiếm dưới tán rừng cũng được khuyến khích phát triển, vừa góp phần bảo tồn nguồn gen, vừa tạo thêm nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Phát huy tính liên kết trong giảm nghèo
Để hạn chế những khó khăn, huyện luôn khuyến khích người dân liên kết thành các HTX để cùng nhau phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy mà đến nay, các HTX đã khẳng định được giá trị của mô hình kinh tế tập thể trong công tác giảm nghèo ở Quảng Hòa. HTX không chỉ là nơi tập hợp, đoàn kết người nông dân mà còn là cầu nối quan trọng giữa người sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Một trong những mô hình HTX hiệu quả trên địa bàn huyện là HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Quang Trung ở thị trấn Hòa Thuận. HTX này hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp. Các thành viên đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Đến nay, HTX không chỉ được đảm bảo đầu ra mà còn được hưởng lợi từ các dịch vụ hỗ trợ như cung ứng vật tư nông nghiệp, tín dụng nội bộ, giúp họ giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.
![]() |
Nghề làm hương ở Pja Thắp không chỉ cho sản phẩm tiêu thụ mà còn thu hút khách du lịch đến trải nghiệm. |
Ngoài ra, các HTX làm hương truyền thống ở Phja Thắp cũng đang góp phần tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình, đồng thời bảo tồn một nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Theo thống kê của chính quyền địa phương, nghề làm hương giúp cải thiện đời sống kinh tế nâng cao thu nhập của người dân địa phương, với mức thu nhập đạt 58,3 triệu đồng/người/năm. Hương Phja Thắp có từ lâu và được bán được quanh năm nhưng bán chạy nhất là thời điểm Tết Nguyên Đán, tháng 3 âm lịch (tết Thanh Minh) và rằm tháng 7 âm lịch hàng năm. Với chất lượng tốt, hương Phja Thắp được bán khắp địa phương trong tỉnh, thị trường tiêu thụ nhiều nhất là huyện Trùng Khánh và Quảng Hòa.
Còn HTX Nông nghiệp Cai Bộ (xã Cai Bộ) đang tập trung vào sản xuất miến dong. Sản phẩm miến dong Cai Bộ đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều tỉnh thành. HTX chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định và quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngay tại xã Phúc Sen, HTX Minh Tuấn cũng đang phát triển nghề rèn truyền thống nổi tiếng của địa phương. Sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng và có thị trường tiêu thụ ổn định, bao gồm cả khách du lịch đến tham quan trải nghiệm tại địa phương. Ngoài ra, HTX đã tăng cường giới thiệu sản phẩm tại các điểm du lịch và hội chợ, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương, nâng cao giá trị kinh tế cho người dân.
Theo thông tin từ Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, huyện Quảng Hòa có 42 HTX đang hoạt động, trong đó có 21 HTX hoạt động hiệu quả. Thông qua Liên minh HTX Việt nam và một số ban ngành, giai đoạn từ năm 2021 đến nay, có 6 HTX trên địa bàn huyện được hỗ trợ dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với tổng số vốn trên 3 tỷ đồng. Điều này cho thấy HTX trên địa bàn huyện đã nhận được sự quan tâm của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam và cơ quan quản lý, từ đó là lực đẩy giúp các HTX phát triển, góp góp vào phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Phát huy sức mạnh cộng đồng
Ngoài nỗ lực trong tạo sinh kế cho người dân, huyện Quảng Hòa đặc biệt chú trọng đến việc phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Những người này không chỉ là cầu nối giữa chính quyền với người dân mà còn là những hạt nhân tích cực trong việc vận động, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế hàng hóa. Họ gương mẫu đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, xã hội, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đó, huyện cũng huy động sức mạnh của cả cộng đồng trong công tác giảm nghèo thông qua các phong trào tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Nhiều mô hình cộng đồng tự quản, các tổ nhóm, HTX giúp nhau phát triển kinh tế đã được hình thành và hoạt động hiệu quả, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tạo động lực cho công tác giảm nghèo bền vững.
Với những giải pháp hiệu quả và thiết thực, phù hợp với đặc điểm và điều kiện thực tiễn của địa phương, chương trình giảm nghèo của huyện được thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2024, giảm 4,59% hộ nghèo, vượt 49% kế hoạch. Người dân ngày càng được tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo… Toàn huyện hiện còn 1.456 hộ nghèo, chiếm 8,84%, 4.200 hộ cận nghèo, chiếm 25,5%.
Để tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và tạo điều kiện để họ tham gia vào các chuỗi giá trị sản phẩm.
Lãnh đạo huyện Quảng Hòa tin tưởng rằng, những giải pháp này sẽ giúp huyện Quảng Hòa từng bước hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Quang Am