Sau 4 năm triển khai, căn cứ vào Quyết định 490 (ngày 7/5/2018) của Thủ tướng Chính phủ, đến nay có thể khẳng định chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) có sự lan tỏa mạnh mẽ và được triển khai rộng rãi trên 63 tỉnh thành. Chương trình khẳng định sự phù hợp với định hướng phát triển của nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương có chính sách riêng để hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP.
40% chủ thể OCOP là HTX
Tại Diễn đàn trực tuyến Kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 vừa diễn ra, ông Đặng Quý Nhân, Phó Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới Trung ương, nhấn mạnh chương trình OCOP đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, từng bước chuyển đổi từ quy mô nhỏ sang liên kết chuỗi giá trị khép kín, với vai trò chính là các HTX và doanh nghiệp. Hiện nay đã hình thành được 393 chuỗi hoạt động hiệu quả và đã có hơn 145 sản phẩm khai thác hiệu quả các vùng nguyên liệu của địa phương.
![]() |
Mục tiêu đến năm 2025, cả nước sẽ có 10.000 sản phẩm OCOP. |
Bên cạnh đó, chương trình OCOP đã góp phần tạo công ăn việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt với chủ thể là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP đã đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm, mẫu mã bao bì đa dạng, thân thiện môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường. Ngoài ra, chương trình OCOP đã góp phần bảo tồn, phát huy các làng nghề truyền thống, hiện có 5.400 làng nghề (2.000 làng nghề truyền thống) và 300 điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, chương trình OCOP vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Cụ thể, số lượng sản phẩm tăng nhanh nhưng chưa bền vững, chưa tập trung vào các sản phẩm có lợi thế; Thiếu sự chủ động, chưa tập trung chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, năng lực thị trường, các giải pháp hỗ trợ, tổ chức, quản lý; Các hoạt động xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ.
Theo ông Đặng Quý Nhân, đến năm 2025, cả nước sẽ có 10.000 sản phẩm OCOP, ít nhất 50% sản phẩm được đánh giá phân hạng, ưu tiên phát triển HTX, phấn đấu 40% chủ thể là HTX. Văn phòng Điều phối Xây dựng Nông thôn mới Trung ương xác định một số nhiệm vụ như Phát triển chuỗi sản phẩm OCOP gắn vùng nguyên liệu địa phương, tích hợp đa giá trị.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để đẩy mạnh hơn nữa vai trò của các HTX trong phát triển sản phẩm OCOP? Ông Vũ Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, cho biết Việt Nam hiện có hơn 19.000 HTX nông nghiệp, chiếm gần 70% số HTX của cả nước.
Tuy nhiên, đóng góp của HTX và tổ hợp tác trong việc phát triển và gia tăng giá trị của sản phẩm OCOP vẫn chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Ông Tiến cho rằng, việc phát triển sản phẩm OCOP gắp với HTX có vai trò kép trong việc nâng cao giá trị của đặc sản vùng miền.
Khó khăn về mẫu mã, giá cả, thị trường
Theo đó, HTX giúp nông dân chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đồng thời là điểm hội tụ văn hóa, lan tỏa giá trị đặc sản vùng miền. Thời gian vừa qua, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn đã triển khai nhiều giải pháp, kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với HTX như: Tập huấn đào tạo, nâng cao năng lực HTX; Xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, triển khai sàn thương mại điện tử Ocop.vn; Huy động nguồn lực trong và ngoài nước để hỗ trợ người dân phát triển các sản phẩm OCOP;...
Để phát triển HTX gắn với sản phẩm OCOP, đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn cho rằng, chính quyền địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong phát triển HTX gắn liền với xây dựng sản phẩm OCOP. Đặc biệt cần nâng cao nhận thức, khuyến khích chủ thể sản phẩm OCOP phát triển, bảo hộ sở hữu trí tuệ, hỗ trợ HTX về nguồn vốn, hạ tầng, quảng bá và xúc tiến tiêu thụ.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đánh giá qua số liệu từ các địa phương, có thể thấy chương trình OCOP đã có những kết quả tích cực. Các mặt hàng như lúa gạo, rau thịt, phục vụ Tết tương đối ổn định.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn về mẫu mã, giá cả, thị trường, các chủ thể chưa có bước sẵn sàng từ công tác quản lý, thị trường. Cũng theo ông Tùng, cần có nhiều hình thức để giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương. Đơn cử như sản phẩm OCOP sẽ kết hợp với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.
“Khi đi du lịch tại một vùng nào đó, du khách luôn muốn mang các sản phẩm địa phương về làm kỷ niệm. Đó là cách tiếp cận gần nhất, hiệu quả nhất với sản phẩm OCOP”, ông Tùng nhấn mạnh. Trong thời gian sắp tới, các chủ thể cần sáng tạo hơn về sản phẩm; các địa phương cần hỗ trợ tích cực hơn, có kế hoạch đồng bộ, chi tiết, nghe ngóng các sản phẩm tương đồng để xây dựng chiến lược riêng, tránh trùng lặp. Hiện nay, các chủ thể vẫn ít lựa chọn sản phẩm đặc thù mang tính chất bản địa.
Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm OCOP nhiều thì tính riêng biệt cần xem xét, đánh giá. Song song với đó là bài toán kết nối nông sản hiện cực kỳ khó khăn, cần kêu gọi các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ cùng vào cuộc, xúc tiến thương mại, từ đó, tạo thu nhập cho người dân.
“Đối với sản phẩm OCOP kết hợp dịch vụ du lịch thì cần phù hợp với thị hiếu khách hàng. Ví dụ, du khách du lịch dài ngày không thể mua các sản phẩm nặng nề, cần hướng đến sản phẩm nhẹ nhàng hơn”, ông Tùng chia sẻ.
Mai Linh