Với quan điểm xuyên suốt “xây dựng nông thôn mới (NTM) có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”, tỉnh Hà Giang đang thực hiện có hiệu quả việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiện đại.
Nền tảng vững chắc xây dựng NTM
Phó Giám Đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối NTM Hà Giang, ông Đỗ Tấn Sơn cho biết: Tỉnh Hà Giang phấn đấu đến hết năm 2025, số xã đạt dưới 15 tiêu chí còn 55 xã; có thêm 800 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn, biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn thôn NTM; 100% thôn biên giới có điện và có đường giao thông đạt tiêu chí NTM.
![]() |
Thành viên HTX khởi nghiệp Hữu Nghị thu hái chè cổ thụ tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên) |
"Riêng năm 2022, tỉnh Hà Giang quyết tâm tăng 34 tiêu chí NTM, 60 thôn/10 huyện thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi được công nhận đạt chuẩn thôn NTM. Duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM tại 47 xã đã được công nhận. Hiện, toàn tỉnh Hà Giang có 47/175 xã được công nhận chuẩn NTM, đạt 26,85%, tổng số tiêu chí đã đạt của toàn tỉnh là 2.434 tiêu chí”, ông Sơn thông tin.
Để đạt được mục tiêu này, Hà Giang tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; triển khai mạnh mẽ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; phát triển du lịch nông thôn; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX… góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.
Mục tiêu của Chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Song song đó, chương trình còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM. Ngoài ra, thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn Việt Nam.
Dấu ấn HTX
Từ khi huyện Vị Xuyên triển khai thực hiện chương trình OCOP, HTX khởi nghiệp Hữu Nghị được xem là một trong những đơn vị đi đầu trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đến nay, HTX khởi nghiệp Hữu Nghị đã có 2 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao, trong đó có những sản phẩm tiêu biểu rất được ưa chuộng trên thị trường như: Hồng trà cổ đại, Phổ nhĩ trà, Dầu ăn Thảo quả… Để xây dựng thương hiệu sản phẩm, HTX luôn sử dụng nguồn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, cùng với đó nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để người tiêu dùng lựa chọn.
Ông Trần Quý Bình, đại diện HTX khởi nghiệp Hữu Nghị cho biết: HTX thành lập năm 2020, với 8 thành viên. Các sản phẩm đều là nông sản từ chè và thảo quả, được sản xuất sạch, an toàn theo đúng quy trình. Năm 2020, HTX đăng ký 10 mã sản phẩm dự thi Chương trình OCOP cấp tỉnh và hiện nay có 6 sản phẩm đạt sao OCOP.
Từ khi triển khai đến nay, Chương trình OCOP đã tạo khí thế thi đua lao động sáng tạo, tạo ra các sản phẩm đa dạng, phong phú từng vùng miền… góp phần xây dựng NTM.
Điển hình, tại thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ) có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ, phù hợp với việc trồng và phát triển cây dược liệu. Đây cũng là thôn có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống, người dân còn lưu giữ được nhiều bài thuốc truyền thống, biết nhiều loại dược liệu quý mọc tự nhiên trên rừng già. Để khai thác tiềm năng dược liệu, năm 2014, HTX Cộng đồng Nặm Đăm được thành lập. Ban đầu, HTX có 13 thành viên, mỗi thành viên góp 10 triệu đồng làm vốn điều lệ để HTX hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây dược liệu.
Giám đốc HTX Cộng đồng Nặm Đăm, Lý Tà Dèn cho biết: “Cây dược liệu do bà con trồng được hoặc thu hái trên rừng già, HTX đứng ra thu mua hết để sản xuất các sản phẩm. Sản phẩm chủ lực của HTX là cao Atiso, trà gừng, thuốc điều trị xương khớp, thuốc tắm của người dân tộc Dao".
Năm 2021, doanh thu của HTX đạt 2 tỷ đồng; số lượng thành viên của HTX tăng lên 26 người với thu nhập khoảng 20 triệu đồng/người/năm. Ngoài ra, HTX cũng hợp đồng thường xuyên 10 lao động với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài việc thu mua nguyên liệu từ hộ dân là thành viên, HTX còn thu mua nguyên liệu của nhiều hộ dân trên địa bàn huyện, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân…
Hoàng Hà