Đặc biệt, sau khi HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Giống cây trồng Đồng Tâm đi vào hoạt động, đã giúp các thành viên HTX trồng nhãn trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có cơ hội chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng mô hình và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Người tiên phong “bắt” nhãn ra trái nghịch vụ
Theo những người trồng nhãn tại xã Ngọc Trung, thông thường, nhãn chính vụ sẽ cho thu hoạch vào khoảng tháng 8 tháng đến tháng 10 dương lịch hàng năm. Thế nhưng, tại các vườn nhãn trên địa bàn những năm gần đây đồng loạt cho trái sớm trước từ 2 đến 3 tháng. Nhờ đó, nhãn chín tới đâu, thương lái ra vào tấp nập thu mua.
Để có những “trái ngọt” với giá trị kinh tế cao này, có lẽ anh Đỗ Đồng Tâm (SN 1988) – một kỹ sư xây dựng, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Giống cây trồng Đồng Tâm, là người đóng góp công lao lớn nhất.
![]() |
Người dân huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) phấn khởi bên những vườn nhãn trái vụ. |
Được biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Xây dựng, chàng kỹ sư trẻ làm việc cho các công ty xây dựng tại Hà Nội và Thanh Hóa với mức lương khá. Tuy nhiên, do trăn trở với vùng quê nghèo nơi mình sinh ra và lớn lên, anh Đỗ Đồng Tâm vẫn luôn nuôi dưỡng ước mơ làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Năm 2018, anh quyết định nghỉ việc, về quê lập nghiệp, mặc cho bố mẹ phản đối.
Theo chia sẻ của anh Tâm, do nhận thấy vườn nhãn của gia đình có diện tích lớn nhưng hằng năm mang lại lợi nhuận thấp, anh đã quyết tâm dành thời gian đi thực tế từ các tỉnh trồng nhãn, như Hưng Yên, Bắc Giang, Lâm Đồng học hỏi kinh nghiệm sản xuất để áp dụng vào vườn nhãn của gia đình. Anh Tâm được biết nhãn trái vụ bán được giá, dễ tiêu thụ, tạo cơ hội cho người dân có thu nhập cao. Do đó, anh mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật cho nhãn ra hoa sớm 2 - 3 tháng so với chính vụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
"Nhãn trái vụ nhưng quả to, ngọt và ít bị sâu bệnh. Để có được kết quả này, tôi đã mạnh dạn áp dụng quy trình hữu cơ, bón bằng phân chuồng, ủ ngô, đậu tương, cá, để bổ sung dinh dưỡng cho cây. Năm 2022, sản phẩm nhãn của gia đình đã đạt chứng nhận VietGAP. Đến nay, cây nhãn đã và đang sinh trưởng rất tốt, khoảng giữa tháng 6 hằng năm, nhãn sẽ cho thu hoạch, trung bình mỗi cây nhãn đạt từ 1 đến 3 tạ quả" – Giám đốc HTX Đồng Tâm nói.
Vườn nhãn của gia đình cho thấy tiềm năng kinh tế rõ rệt, năm 2022, anh Tâm đã liên kết với 17 hộ trồng nhãn trong và ngoài huyện thành lập HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Giống cây trồng Đồng Tâm do anh làm giám đốc để ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, anh Tâm còn hỗ trợ nhiều hộ trồng nhãn trong và ngoài xã kỹ thuật canh tác cho nhãn ra trái vụ đạt hiệu quả cao.
Việc tích cực chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm góp phần từng bước nâng cao giá trị của nông sản địa phương. Đến nay, HTX Đồng Tâm hoạt động khá hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập cho gần 60 thành viên. Riêng vườn nhãn của gia đình anh Tâm đã tạo việc làm thường xuyên cho 7 - 10 lao động với mức thu nhập từ 7,5 - 10 triệu đồng/người/tháng.
"Đất cằn nở hoa"
Sau 7 năm trở về quê hương khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, vườn nhãn trái vụ của gia đình anh Tâm mỗi năm thu hoạch từ 60-65 tấn quả. Với giá bán dao động từ 30-50 nghìn đồng/kg tùy theo vụ mùa, sau khi trừ chi phí, vườn nhãn thu về khoảng hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Cũng là một hộ dân tham gia trồng nhãn trái vụ tại địa phương, ông Trịnh Văn Bảy cho hay, thời gian qua, để đầu ra của cây nhãn thuận lợi hơn, những thành viên của HTX Đồng Tâm nói riêng và bà con nông dân huyện Ngọc Lặc nói chung đã chịu khó học hỏi kinh nghiệm và chuyển hướng kịp thời nên việc xử lý nhãn ra hoa sớm đã rất thành công, cho năng suất cao, giải quyết được tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa, bà con cũng yên tâm hơn để phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
![]() |
Vườn nhãn của HTX Đồng Tâm đơm hoa trước thời vụ từ 2 - 3 tháng, mang lại thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ ha/năm. |
“Nhờ bán nhãn trái vụ, thu nhập của nông dân cũng ổn định và tăng hơn so với thời điểm chính vụ. Trung bình thu nhập từ nhãn trái vụ có thể từ 400-500 triệu đồng/ha/năm. Người dân chúng tôi rất phấn khởi, thời gian tới sẽ cùng HTX Đồng Tâm tiếp tục mở rộng vùng trồng” – ông Bảy chia sẻ.
Bên cạnh việc tác động cho nhãn ra hoa nghịch vụ, anh Tâm tiếp tục đầu tư trồng 50.000 gốc dứa mật MD2, dự kiến sẽ thu hoạch khoảng trên 80 tấn quả.
Song song với việc trồng nhãn và dứa mật, chàng kỹ sư trẻ này còn đầu tư hơn 100 gốc mít ruột đỏ PT79 từ Indonesia, cho trái nghịch vụ và bán với giá hơn 25 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, anh cũng tiến hành khảo nghiệm một số loại cây trồng mới khác nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình và địa phương.
“Thời gian tới, tôi trồng thêm một số cây ăn quả, trong đó phấn đấu mở rộng diện tích trồng nhãn, trồng dứa MD2, mít ruột đỏ,... để làm mặt hàng xuất khẩu. Việc làm này tuy khó nhưng tôi tin rằng với sự nỗ lực của bản thân, cùng với sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh kết hợp cùng bà con nông dân, sẽ thực hiện được ước mơ của mình” – Giám đốc HTX Đồng Tâm chia sẻ.
Không chỉ phấn đấu làm giàu cho gia đình, anh Tâm còn thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ và giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, nhiều gia đình trẻ, đặc biệt là những thanh niên trong thôn có công việc ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Anh Nguyễn Văn Minh, Bí thư Đoàn xã Ngọc Trung cho biết: "Thành công của mô hình nhãn trái vụ mà anh Tâm đang áp dụng không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình mà còn góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất, thích ứng tốt với thị trường tiêu thụ của nhiều hộ trồng cây ăn quả. Những đóng góp của anh Tâm đã được các cấp, các ngành tặng bằng khen, giấy khen".
Phát huy những mô hình hiệu quả
Có thể thấy, thời gian qua, Liên minh HTX Thanh Hóa đã và đang triển khai hiệu quả nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, thông qua việc hỗ trợ giống, vật nuôi, cây trồng..., từ đó tạo động lực để người dân nhiều địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Giống cây trồng Đồng Tâm với sản phẩm nhãn trái vụ của huyện Ngọc Lặc là một minh chứng tiêu biểu.
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, việc triển khai các dự án hỗ trợ cây giống cây trồng, vật nuôi từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là hình thức hỗ trợ sinh kế thiết thực, có ý nghĩa lâu dài, phù hợp với điều kiện thực tế hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương khó khăn của tỉnh. Qua đó góp phần giúp các gia đình có điều kiện nỗ lực lao động, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện cho biết, hiện nay, toàn huyện đã có 10 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 78 ha cây trồng đã được cấp mã số vùng trồng. Huyện cũng chú trọng nâng cao chất lượng nông sản và thương hiệu cho sản phẩm. Từ đó, địa phương đã hình thành được gần 122 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn được quan tâm triển khai đồng bộ. Đến nay, hệ thống hạ tầng ngày càng khang trang. Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân được quan tâm chỉ đạo, trong đó Chương trình OCOP được triển khai hiệu quả.
Để xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung vào việc ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các chuỗi giá trị, hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn, thị trường. Đồng thời, các chính sách về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng được đặc biệt quan tâm.
Ông Nguyễn Đình Tuấn - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện Liên minh HTX Thanh Hóa đang tiếp tục rà soát, lựa chọn các dự án giảm nghèo phù hợp và các đơn vị liên kết thực hiện có năng lực, uy tín để thực hiện tại các huyện khó khăn của tỉnh.
Cùng với đó, thông qua các dự án sẽ lồng ghép các hoạt động đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để người nghèo có kiến thức chăm sóc mô hình phát huy hiệu quả. Từ đó, không chỉ trao “con cá” mà còn hỗ trợ người dân vùng khó khăn chiếc "cần câu” để người dân thoát nghèo bền vững hơn trong tương lai.
Hồng Hương