Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai chia sẻ, những năm gần đây, nông dân trong tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và nhu cầu thị trường. Đây là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất.
Chuyển đổi để thoát nghèo
Ông Vũ Văn Thìn, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho biết, trước đây, giá hồ tiêu xuống thấp, vườn cây lại bị chết do dịch bệnh khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần.
Riêng gia đình ông có hơn 4 ha hồ tiêu bị chết dẫn đến khó khăn chồng chất. Năm 2020, thấy một số hộ dân trong xã đưa cây hoa hòe về trồng trên diện tích hồ tiêu chết, ông cũng trồng thử nghiệm khoảng 1 ha. Trồng hơn 1 năm thì cây hoa hòe bắt đầu cho thu hoạch. Thấy đầu tư giống, phân bón, hệ thống tưới cho cây hoa hòe không lớn như cà phê, hồ tiêu, sản phẩm lại được bao tiêu nên gia đình nhân rộng ra hơn 4 ha.
Theo ước tính của ông Thìn, chi phí đầu tư trồng 1 ha hoa hòe khoảng 50 triệu đồng. Đến kỳ thu hoạch, cứ 10 ngày lại hái hoa một lần rồi đem phơi khô. Bình quân mỗi tháng, gia đình ông cung cấp cho thương lái khoảng 1 tấn hoa hòe khô với giá 70-120 ngàn đồng/kg, cao điểm có thể lên đến 200 ngàn đồng/kg. Bình quân 1 năm, sau khi trừ chi phí, gia đình còn lợi nhuận 300-400 triệu đồng/ha.
![]() |
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân Gia Lai. |
“So với cây hồ tiêu, trồng cây hoa hòe “khỏe” hơn rất nhiều, không lo về đầu ra, thu hoạch thường xuyên chứ không như các loại cây công nghiệp dài ngày đến cuối năm mới cho thu hoạch”, ông Thìn nói.
Ngoài ông Thìn, một trong những người đầu tiên mạnh dạn “chuyển đổi cây trồng” từ cây bắp, cây mì, cây mía... sang trồng cây nhãn lai cho hiệu quả cao ở huyện Kông Chro là ông Vũ Văn Tuyên, ở xã Yang Trung.
Theo ông Tuyên, để đưa ra quyết định phá gần 3ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây nhãn lai là cả một vấn đề rất lớn. Nhưng khi đã đi khảo sát đất, học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm bón, thu hoạch... thấy việc chuyển đổi cây trồng lúc này là phù hợp nên ông quyết định đưa cây nhãn lai về trồng trên vùng đất này. Đầu năm 2018, ông quyết định chuyển đổi 2ha đất để trồng nhãn lai. Đến nay, vườn nhãn lai của ông đã cho trái nhiều, chất lượng và đang phát triển tốt, giá bán cao, mỗi đợt thu hoạch, gia đình có lãi vài trăm triệu đồng nên ông quyết định trồng thêm 1ha nữa.
Ngoài đầu tư trồng các loại cây ăn quả hiệu quả cao, lâu dài, người dân ở Kông Chro còn đầu tư trồng các loại cây dược liệu quý như cà gai leo, đương quy... với lượng tiêu thụ lớn, dễ trồng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và có thu nhập ổn định.
Chuyển đổi cây trồng gắn với ứng dụng công nghệ cao
HTX Nông nghiệp và dịch vụ An Phú Thịnh, xã An Phú, TP. Pleiku đã chuyển đổi hơn 2 ha đất lúa 1 vụ tại cánh đồng An Phú sang làm nhà kính để ươm cây giống và trồng rau củ quả các loại.
Ông Võ Thành Hải, Phó Giám đốc HTX cho hay, HTX được thành lập vào năm 2019 với 23 thành viên. Để sản xuất hiệu quả, HTX đã đầu tư làm 6.000 m2 nhà kính để ươm cây giống, 6.000 m2 nhà kính trồng rau củ quả và hơn 1 ha sản xuất rau theo hướng VietGAP.
“HTX đã đầu tư hệ thống máy móc để đưa đất vào giá thể, gieo hạt tự động, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt… từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Trồng rau trong nhà lồng giúp ngăn chặn sự xâm nhập của sâu bệnh, côn trùng, từ đó có thể trồng được nhiều loại khác nhau, cho chất lượng và năng suất cao hơn”, ông Hải thông tin.
Ông Phạm Được, thôn 2, xã An Phú, thành viên HTX cho hay: “Khi tham gia HTX, được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Nhờ đó, bà con nông dân đã dần thay đổi nhận thức, từ bỏ cách thức canh tác cũ, từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, giá trị sản phẩm. Cùng với đó, việc được ký hợp đồng thu mua sản phẩm với giá cao sẽ giúp chúng tôi nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững”.
![]() |
Gia Lai đặt mục tiêu năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo ở mức 2,02%. |
Tại huyện Mang Yang ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đang giúp nông dân trên địa bàn nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ An Lộc, Xã Đăkjơta là một trong những đơn vị tiên phong trong việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
HTX An Lộc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và sử dụng chế phẩm sinh học vào toàn bộ quy trình chăm sóc cây trồng chủ lực như hồ tiêu.
Cụ thể, HTX đã tự chế tạo chế phẩm sinh học từ mật mía, bã đậu nành và giấm để chăm sóc cây trồng. Phương pháp này không chỉ giúp cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao và hạn chế sâu bệnh, mà còn cải thiện cấu trúc đất, tăng khả năng giữ nước và dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe người sản xuất, giúp nông dân tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập.
Một điều dễ thấy là trong những năm qua, với sự đồng hành của địa phương, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đang tích cực chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả, thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như mắc ca, sầu riêng, chanh dây, cây ăn quả… qua đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Phấn đấu giảm nghèo theo hướng bền vững
Theo Đề án Chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, Gia Lai sẽ quyết tâm giảm dẫn tỷ lệ hộ nghèo trên 1% mỗi năm.
Đây được xem là "kim chỉ nam" cho quyết tâm chính trị của địa phương này trong việc tổ chức lại hoạt động trồng trọt thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Gia Lai đặt mục tiêu năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) ở mức 2,02%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%.
Theo đó, tỉnh Gia Lai tích cực triển khai các phong trào thi đua giảm nghèo, kịp thời khen thưởng những tập thể, cá nhân, HTX có nhiều thành tích trong công tác giảm nghèo và những hộ nghèo, hộ cận nghèo điển hình tiêu biểu nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt, tỉnh thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các HTX trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, điển hình tháng 4 vừa qua, Liên minh HTX tỉnh Gia Lai phối hợp với Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật và Đào tạo cán bộ HTX miền Trung-Tây Nguyên (Liên minh HTX Việt Nam) mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ HTX năm 2025.
Tham gia lớp bồi dưỡng có 60 học viên là thành viên hội đồng quản trị, giám đốc và cán bộ chuyên môn HTX của tỉnh Gia Lai.
Các học viên tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ được bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, Giảng viên cao cấp của Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật và Đào tạo cán bộ HTX miền Trung-Tây Nguyên truyền đạt nội dung chuyên đề chuỗi giá trị phát triển HTX gắn với liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời hướng dẫn cách chia sẻ thông tin, thảo luận về chuyên đề này.
Thông qua chuyên đề giúp học viên hiểu rõ khái niệm, vai trò của chuỗi giá trị nông sản và sự cần thiết sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển các liên kết dọc, ngang hiệu quả trong chuỗi giá trị; ứng dụng mô hình liên kết để tham gia chuỗi giá trị hiệu quả.
Minh Thành