Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Đồng Tháp đã đạt được những kết quả ấn tượng, không chỉ giảm tỷ lệ hộ nghèo mà còn tạo ra những cơ hội mới để người dân vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ổn định và phát triển bền vững.
Sản xuất theo mô hình mới giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo
Tính đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của Đồng Tháp đã giảm xuống còn 1,5%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra là 3%. Một yếu tố quan trọng trong thành công của công tác giảm nghèo tại Đồng Tháp đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ đòn bẩy là HTX.
Điển hình tại huyện Tam Nông, tính đến cuối năm 2024, tổng số hộ nghèo của huyện là 277 hộ, tỷ lệ 0,97%, giảm 0,77%, đạt 128,33% chỉ tiêu kế hoạch. Hộ cận nghèo 503 hộ, chiếm 1,77%, giảm 0,43%. Toàn huyện có 629 lao động được giải ngân nguồn vốn vay giải quyết việc làm với số tiền hơn 31 tỷ đồng. Tổng số dư nợ nguồn vốn vay giải quyết việc làm là 103 tỷ đồng, với 2.110 lao động.
Đáng chú ý, nhờ phát triển mô hình kinh tế tập thể đã nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện tăng trưởng bình quân 5,81%/năm, góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động/năm và tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 khu vực nông thôn của 11 xã đạt 66,28 triệu đồng/người/năm.
![]() |
Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ ở HTX nông nghiệp Phú Thọ, xã An Long |
Để đạt được những thành công trên, nhiều HTX trên địa bàn huyện Tam Nông tích cực tuyên truyền, vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX và nâng cao đời sống người dân.
Điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ (xã An Long) triển khai sản xuất cánh đồng lúa hữu cơ với diện tích hơn 20ha đã mang lại hiệu quả cao cho 8 thành viên.
Ông Phan Hoàng Em, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phú Thọ, cũng là hộ dân tham gia mô hình canh tác lúa hữu cơ, cho biết: “Từ năm 2020, chúng tôi tham gia liên kết trồng lúa hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, năng suất, chất lượng lúa so với bên ngoài từ bằng đến hơn. Việc sản xuất theo hướng hữu cơ giúp cây lúa khi chín không bị vàng lá, hạt gạo tròn đẹp, năng suất cao. Từ vụ đông xuân 2024 - 2025, HTX liên kết sản xuất thêm lúa giống Đài thơm 8 mang lại giá trị kinh tế cao”.
Ông Chung Văn Mướt, thành viên HTX chia sẻ: Nhờ tham gia mô hình canh tác hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ nên chi phí vật tư giảm so với trước đây, chất lượng lúa tốt; năng suất bình quân của mô hình tăng từ 10 - 15% so với phương thức sản xuất cũ. Nhờ đó thu nhập của các thành viên tăng gấp 3 lần so với trước đó. Nhiều thành viên có cuộc sống ổn định nhờ trồng lúa.
Theo Giám đốc HTX, ông Mai Thanh Liêm, lúc đầu, việc vận động nông dân tham gia mô hình cũng rất khó khăn, vì bà con đã quen với trồng lúa dùng phân vô cơ. Sau này, nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả rất cao nên bà con tin tưởng, hưởng ứng tích cực.
Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã An Long, huyện Tam Nông, cho biết: “Mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm góp phần thay đổi tích cực nhận thức của người nông dân từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang hình thức sản xuất hàng hóa tập trung; gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng giữa người sản xuất với các doanh nghiệp, dưới sự quản lý của Nhà nước”.
Cầu nối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp
Ngoài mô hình sản xuất lúa giá trị cao của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phú Thọ, trên địa bàn huyện Tam Nông có một số HTX hoạt động hiệu quả như HTX dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình (xã Hòa Bình).
Được thành lập từ nền tảng của Hội quán, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình đang là “mái nhà chung” của hơn 30 thành viên viên. Mặc dù chỉ mới được thành lập và chính thức đi vào hoạt động năm 2020, với tổng diện tích sản xuất 173ha, song HTX đã thực hiện liên kết sản xuất ổn định với Tập đoàn Lộc Trời.
Ông Chung Văn Liệu, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình, cho biết: “Tiền thân của HTX là THT liên kết sản xuất lúa giống của xã Hòa Bình. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, nông dân xin tham gia vào THT ngày càng nhiều. Nhằm tạo điều kiện để nông dân được học tập, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, năm 2020, được sự ủng hộ và giúp đỡ từ chính quyền địa phương, Hội quán ra đời với 48 thành viên. Song, để có thể thực hiện liên kết với doanh nghiệp được thuận lợi hơn, các anh em nòng cốt trong Hội quán đã bàn bạc đề xuất với chính quyền địa phương tiến lên thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình vào năm 2020.
![]() |
Ông Chung Văn Liệu, Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình quan sát thiết bị bay không người lái |
Hiện HTX có tổng diện tích canh tác lúa từ 150 - 200ha/vụ. Ông Liệu cho biết, từ khi có Trạm giám sát côn trùng thông minh và thiết bị bay không người lái đã đem lại hiệu quả rất cao và ít tốn chi phí sản xuất của bà con nông dân.
So với nông dân bên ngoài HTX sản xuất theo phương thức truyền thống thì sản xuất lúa giống và có liên kết với Tập đoàn Lộc Trời cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15 triệu - 20 triệu đồng/ha. Đồng thời, khi tham gia vào HTX, thành viên không chỉ được ngành nông nghiệp địa phương thường xuyên tập huấn kỹ thuật sản xuất mới mà còn được cán bộ chuyên môn của Tập đoàn Lộc Trời đồng hành trong suốt quá trình sản xuất. Đặc biệt, nhờ gắn bó lâu dài nên trong quá trình sản xuất, HTX cũng được doanh nghiệp tạm ứng chi phí về giống và thuốc bảo vệ thực vật đến cuối vụ, giúp thành viên giảm áp lực về vốn.
Sức bật của kinh tế tập thể
Nhận thức được vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp địa phương, thời gian qua, chính quyền huyện Tam Nông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thành lập các HTX nông nghiệp. Qua đó, bước đầu góp phần phát huy được tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp địa phương, giúp nông dân phát triển kinh tế.
Hơn nữa, huyện cũng có các giải pháp hỗ trợ về nguồn vốn, kỹ thuật, duy trì các mô hình mới của tổ hợp tác, hội quán, HTX nhằm vừa tạo việc làm cho người dân vừa giúp người dân vượt qua nghèo khó, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nâng chất lượng cuộc sống cho người dân.
Hiện trên địa bàn huyện Tam Nông có tổng 30 HTX dịch vụ nông nghiệp đang hoạt động, với đa dạng dịch vụ như: bơm tưới, phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư nông nghiệp, thu hoạch lúa... Bên cạnh các mô hình sản xuất và liên kết truyền thống, thời gian gần đây, có một số mô hình mới hiệu quả, nhận được sự quan tâm của nhiều nông dân.
UBND huyện Tam Nông cho biết, huyện luôn chú trọng phát huy tinh thần “Tự lực - tự chủ - tự quản” của người dân, đặc biệt là người nông dân, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Mọi người dân Tam Nông là chủ thể và là động lực quan trọng trong tiến trình phát triển của huyện. Chính vì vậy, huyện luôn phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế tập thể. Để từ đó tạo thành đòn bẩy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, để mọi người dân cùng phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Hoàng Hà