Trước đây, bà con dân tộc thiểu số ở A Roàng chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp quy mô nhỏ và khai thác lâm sản tự nhiên. Tuy nhiên, việc khai thác không kiểm soát tiềm ẩn nguy cơ suy giảm tài nguyên rừng. Chính vì vậy, mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng ra đời như một giải pháp bền vững, giúp bà con có sinh kế ổn định mà không cần phá rừng.
Tín hiệu đáng mừng
Nhất là khi xã A Roàng sở hữu diện tích rừng tự nhiên rộng lớn, khí hậu mát mẻ và đất đai màu mờ, rất phù hợp cho các loài cây ưa ẩm như thiên niên kiện, gừng gió, râu hùm, ba kích tím. Những loại cây dược liệu này có giá trị dược tính cao, được thị trường ưa chuộng và có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện rừng ẩm thấp.
![]() |
HTX Nông nghiệp – Dược liệu A Roàng trồng cây dược liệu dưới tán rừng. |
Chị Hồ Thị Sần, Ban quản lý rừng cộng đồng A Roàng, cho biết cách đây 5 năm có 64 hộ dân trong xã chung tay trồng khoảng 2ha thiên niên kiện và gừng gió. Đây là hai loại cây có sẵn trong tự nhiên, sinh trưởng bên dưới tán rừng được gây trồng vừa góp phần giữ đất vừa đảm bảo nguồn dược liệu luôn sinh sôi. Hai loại cây này ít tốn công chăm sóc, đầu tư như các loại khác.
Theo chị Sần, các thành viên trong cộng đồng chăm sóc, luân phiên kiểm tra vùng rừng trồng và thông tin cho nhóm. Khi khai thác, một phần cây sẽ được giữ lại trồng vụ mới chứ không khai thác hoàn toàn. Ban quản lý rừng cộng đồng thường xuyên tuyên truyền cho bà con lợi ích của việc trồng dược liệu. Sau khi thu hoạch, bà con sẽ có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Sau một thời gian trồng, các loại cây dược liệu như thiên niên kiện và gừng gió đã phát triển tốt. Đây là tín hiệu đáng mừng vì mô hình trồng dược liệu không chỉ mang lại sinh kế cho người dân mà còn là điều kiện giúp địa phương phát triển các loại dược liệu giá trị trong thời gian tới.
Ngoài ra, ở A Roàng đang có một mô hình nông nghiệp bền vững đang được triển khai, mang lại lợi ích kép là vừa cải thiện sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số và vừa bảo vệ rừng tự nhiên.
Cụ thể, với sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật từ WWF-Việt Nam (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam) và phía doanh nghiệp, một dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng đã và đang mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế tại A Roàng. Trong tháng 4/2025 vừa qua, thông qua dự án này, có gần 10.000 cây giống thiên niên kiện và gừng gió đã được trồng tại rừng cộng đồng xã A Roàng. Đây là cột mốc ý nghĩa trong dự án phát triển chuỗi giá trị cây dược liệu bản địa.
Vừa tăng thu nhập vừa bảo tồn tài nguyên rừng
Dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng nêu trên không chỉ giúp người dân địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tà Ôi và Pa Cô, có cơ hội tăng thu nhập mà còn góp phần bảo tồn tài nguyên rừng, duy trì đa dạng sinh học và phát triển nông nghiệp sinh thái.
![]() |
Bà con dân tộc thiểu số ở A Roàng khai thác cây thiên niên kiện một cách bền vững dưới tán rừng tự nhiên. |
Bên cạnh đó, trong hoạt động trồng cây dược liệu dưới tán rừng còn phải kể đến vai trò quan trọng của HTX Nông nghiệp – Dược liệu A Roàng (ở thôn A Roàng 1, xã A Roàng) có sự tham gia 100 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
HTX này đã trở thành mô hình phát triển kinh tế vùng cao, đặc biệt trong khai thác và bảo tồn cây dược liệu. Cách đây 2 năm, với sự hỗ trợ từ Dự án ANI 8748, HTX tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật vườn ươm và chăm sóc cây trồng.
Đến năm 2024, HTX này tiếp tục triển khai mô hình sinh kế bền vững, tập huấn cho 100 thành viên về kỹ thuật trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Đồng thời, từ tháng 8/2024, với sự hỗ trợ của WWF-Việt Nam và một doanh nghiệp đã ký kết hợp tác với HTX xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển bền vững cho cộng đồng, trong đó có trồng dược liệu dưới tán rừng và vườn nhà tại A Roàng.
Thông qua đó, khi mùa thu hoạch đến, bà con trong xã cùng nhau thu hoạch bưởi và củ thiên niên kiện một cách bền vững. Các sản phẩm thu hoạch được đưa về xưởng sản xuất của HTX, nơi mà từng giọt tinh dầu được chưng cất bằng phương pháp truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại, đảm bảo giữ trọn vẹn tinh chất thiên nhiên.
Nhờ nỗ lực không ngừng, HTX A Roàng đã cung cấp cho phía doanh nghiệp tinh dầu thiên nhiên và nguyên liệu dược liệu. Các sản phẩm như dầu massage thiên niên kiện, tinh dầu bưởi mang lại thu nhập cho cộng đồng vùng đệm Khu bảo tồn Sao la.
Bà Blup Thị Tha, Giám đốc HTX Nông nghiệp – Dược liệu A Roàng, bày tỏ sự phấn khởi vì có thể phát triển và khai thác cây thiên niên kiện một cách bền vững dưới tán rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. Việc này không chỉ giúp bảo vệ hệ sinh thái mà còn nâng cao sinh kế cho người dân địa phương, mở ra cơ hội kinh tế bền vững từ nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Như chia sẻ của bà Tha, HTX A Roàng không ngừng nỗ lực phát triển mô hình sinh kế dưới tán rừng, bảo vệ rừng và tạo cơ hội phát triển kinh tế lâu dài cho bà con nơi đây.
“Gieo mầm” sinh kế để thoát nghèo bền vững
Hiện nay, tài nguyên của HTX Nông nghiệp – Dược liệu rất đa dạng, bao gồm rừng trồng keo, cao su. HTX còn canh tác lúa nước, rau màu và cả lúa nương (nếp than). Rừng cộng đồng được giao khoán bảo vệ từ năm 2023, HTX chia làm 4 tổ để đi tuần tra quản lý bảo vệ. Mỗi tổ sẽ đi tuần tra 1 lần/tháng.
![]() |
Củ thiên niên kiện được khai thác dưới tán rừng mang lại nguồn thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số ở A Roàng. |
Có thể nói với các mô hình kinh tế dưới tán rừng như vậy đang mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững, “gieo mầm” sinh kế cho bà con dân tộc thiểu số ở A Roàng.
Đứng ở góc độ là một người có uy tín trong xã A Roàng, ông Hồ Bình Tây (ở thôn A Roàng 1) cho biết luôn khuyến khích bà con dân tộc thiểu số trong xã học theo những mô hình làm ăn hiệu quả như trồng cây gỗ quý hay phát triển kinh tế dưới tán rừng. Bản thân ông cũng tham gia trồng trọt để làm gương cho bà con. Nhờ sự nỗ lực của cả cộng đồng, đời sống của bà con ở A Roàng đã tốt hơn trước rất nhiều
Và thành công bước đầu trong hoạt động kinh tế dưới tán rừng ở A Roàng là tiền đề để nhân rộng mô hình tại các xã vùng cao khác của huyện A Lưới. Nhất là thời gian qua Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX Tp. Huế luôn dành sự quan tâm và có những hoạt động hỗ trợ người dân địa phương liên kết sản xuất, kinh doanh từ rừng. Đặc biệt, thông qua những chương trình tập huấn đã giúp cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây từng bước thay đổi tư duy sản xuất, tham gia vào các HTX, biết tận dụng đất rừng trồng vốn có, đa dạng sinh học dưới tán rừng, liên kết sản xuất, kinh doanh rừng, nâng cao giá trị của rừng trên một đơn vị diện tích.
Hơn thế nữa, để hoạt động kinh tế dưới tán rừng ở A Roàng ngày càng phát triển sâu rộng hơn nữa thì thời gian tới mong rằng sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả từ rừng. Song song đó, cần lồng ghép với các biện pháp sinh kế tổng hợp nhằm tận dụng “kho báu” dưới tán rừng.
Thanh Loan