Tại tỉnh Nghệ An, nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác trồng chuối trên địa bàn các huyện Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Kỳ Sơn,... đã và đang được nhân rộng, giúp tạo sinh kế và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình.
Tăng thu nhập nhờ giống chuối già Nam Mỹ
Tại huyện Tân Kỳ, mô hình khởi nghiệp trồng chuối trên đất cằn của chàng trai trẻ Lê Văn Chiến (xã Đồng Văn) - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chuối sạch Mỹ Thành, thời gian qua đã khiến nhiều người nể phục.
Anh Lê Văn Chiến chia sẻ, sau một thời gian làm công nhân tại một công ty ở tỉnh Đồng Nai chuyên trồng và xuất khẩu chuối đi các nước trên thế giới, anh đã nảy ra ý tưởng đưa giống chuối này về quê mình trồng.
![]() |
Tại xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ, cây chuối được trồng thay thế loạt cây trồng truyền thống trước đó như mía, cây sắn, cây tràm,... |
Sau một lần mạnh dạn trình bày ý tưởng, thật may mắn, anh đã được vị giám đốc nhiệt tình ủng hộ và tạo mọi điều kiện để anh trở về quê hương khởi nghiệp. Không chỉ vậy, công ty còn cam kết sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật và một số vật tư khác cùng với việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm chuối thành phẩm khi thu hoạch.
Tự tin và phấn khởi, anh Chiến liền "khăn gói” đưa giống chuối về quê hương lập nghiệp. “Khi được giám đốc bảo lãnh đầu ra, với quyết tâm khởi nghiệp trên chính quê hương mình, năm 2020, tôi đã tự tin làm và chỉ sau một thời gian ngắn, trang trại chuối sạch được thử nghiệm trên 2ha đất của gia đình đã gặt hái được nhiều thành công hơn cả mong đợi”, anh Lê Văn Chiến chia sẻ.
Đặc biệt, sau khi nhận thấy trồng chuối mang lại hiệu quả về kinh tế, anh Chiến tiếp tục dành thời gian vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ mía, sắn, cây keo,... sang trồng chuối.
Theo tính toán của Giám đốc HTX chuối sạch Mỹ Thành, cây chuối sau 9 tháng trồng có thể cho thu hoạch và mỗi năm chuối cho thu hoạch 3 vụ. Với giá bán hiện nay là 5.000 đồng/kg (mỗi buồng chuối nặng khoảng 20kg), trung bình với hơn 2 vạn cây chuối mang lại cho gia đình anh doanh thu trên 2 tỷ đồng mỗi năm, giúp anh sớm bù đắp chi phí đầu tư và tiền vay hàng tháng.
Cũng lã một người con của huyện Tân Kỳ, khi thấy được những lợi nhuận rõ rệt từ cây chuối so với cây trồng thuần túy trước, anh Trương Văn Đức (xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ) là hộ đầu tiên trong xã tiếp thu và quyết tâm chuyển đổi đưa giống chuối già Nam Mỹ vào trồng trên diện tích 2 ha.
Anh Đức cho biết, trước đây gia đình thường trồng mía và sắn, tuy nhiên năng suất và giá trị rất thấp. Sau khi tham quan học tập mô hình trồng chuối già Nam Mỹ từ anh Chiến, anh Đức nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng ở vùng đất của gia đình rất phù hợp để trồng cây chuối này. Vì thế, anh đã mạnh dạn trồng và đầu tư, lắp đặt thêm hệ thống tưới tự động để đảm bảo tăng trưởng cho cây chuối.
Đến nay, sau hơn 4 năm, mô hình trồng chuối già Nam Mỹ của HTX Mỹ Thành đã cho nhiều vụ thu hoạch. Ngoài anh Đức, khá nhiều hộ gia đình sau khi học hỏi kinh nghiệm đã chủ động chuyển đổi trồng chuối thay thế cây keo, cây tràm…, từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình.
Trước những kết quả khả quan, diện tích trồng chuối ngày càng được mở rộng tại xã Đồng và các xã lân cận. Để thuận lợi trong sản xuất, 11 hộ dân ở xã Đồng Văn, huyện Tân Kỳ đã cùng góp đất, thành lập HTX chuối sạch Mỹ Thành, anh Lê Văn Chiến là Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX, đồng thời là người hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cam kết bao tiêu sản phẩm,... cho bà con trong vùng.
Cây trồng chủ lực của địa phương
Tới mùa thu hoạch, "rừng chuối" luôn có khoảng 20 nhân công làm việc, "cõng chuối" về bãi tập kết.
![]() |
Làm công việc chăm sóc và thu hoạch chuối giúp nhiều người lao động đảm bảo nguồn thu nhập. |
Anh Nguyễn Trọng Thanh, người tham gia thu hoạch và cõng chuối từ những ngày đầu vỡ đất cho rừng chuối của HTX, chia sẻ: “Tới mùa thu hoạch cao điểm, rừng chuối luôn có khoảng 20 nhân công làm việc cả ngày mới kịp tiến độ. Mỗi một lao động được trả tiền công 300.000 đồng/ngày. Tôi thấy đây là mức lương thoả đáng với lao động nông thôn”.
Cũng theo anh Thanh, từ ngày có HTX chuối sạch Mỹ Thành, các anh không phải đi làm ăn xa như trước. Tại rừng chuối của HTX, không lúc nào hết việc, từ chăm sóc, làm cỏ, chằng dây, tưới tắm rồi đến thu hoạch…
Được biết, nhờ được tập huấn, cung cấp giống và bao tiêu đầu ra, đặc biệt giống chuối Nam Mỹ quả to, ngọt thanh, bảo quản được lâu, có lợi thế thương mại, nên các HTX đã tiếp tục triển khai thuê đất trồng ở nhiều xã của các huyện Tân Kỳ, Đô Lương,... và đã được tỉnh Nghệ An cấp chứng chỉ sản phẩm OCOP 3 sao. Hằng năm, số lượng lớn chuối xuất khẩu tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc,... mang lại giá trị kinh tế cao.
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tân Kỳ đánh giá chuối là cây không mới đối với bà con nông dân địa phương. Tuy nhiên, cây chuối của HTX chuối sạch Mỹ Thành, xã Đồng Văn lại là một giống khác, cho năng suất, chất lượng cao và có khả năng xuất khẩu có giá trị cao.
Đó là thành quả, sự tâm huyết của những người trẻ với quê hương mình. Sức lan tỏa của mô hình còn thuyết phục ở chỗ: một số đồng bào dân tộc thiểu số như dân tộc Thổ Nghệ An cũng đã đã biết ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, trồng thâm canh chuối cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu...
Tuy nhiên, cũng theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường, để đảm bảo sản phẩm xuất khẩu thì người trồng phải thường xuyên theo dõi, ghi chép kỹ lưỡng thời gian trổ buồng của từng cây. Quá trình thu hoạch phải xử lý từng công đoạn bảo đảm cho trái chuối sau khi thu hoạch phải sạch, đẹp, bóng, không bị tì vết.
UBND huyện Tân Kỳ cũng đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngay trên địa bàn để thuận tiện, ổn định bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Phát huy vai trò “trụ đỡ”
Từ các mô hình HTX và các tổ hợp tác trồng chuối hiệu quả tại các địa phương như kể trên, cho thấy chính quyền địa phương và Liên minh HTX tỉnh luôn chú trọng hỗ trợ, quan tâm tới từng địa phương, từng thôn bản, trong đó tiêu biểu là huyện Tân Kỳ. Khá nhiều người dân trên địa bàn huyện phấn khởi vì đã tìm cho mình hướng đi đúng để thoát nghèo.
![]() |
Nhiều mô hình HTX đã mở rộng phát triển theo mô hình liên kết chuỗi, góp phần quan trọng thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững tại các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An. |
Theo Liên minh HTX Nghệ An, hiện nay, tại 11 huyện miền núi tỉnh Nghệ An có 318 HTX, tạo việc làm cho gần 30.000 lao động với mức thu nhập trung bình đạt 3,6 triệu đồng/lao động/tháng. Tại các địa phương miền núi, HTX đã mở rộng phát triển theo mô hình liên kết chuỗi, thu hút nhiều thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy công tác giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Bá Châu, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An cho biết, với lợi thế về địa hình và quỹ đất rộng, tại các huyện miền núi, người dân có nhiều tiềm năng, lợi thế để khai thác, phát triển theo mô hình HTX, nhất là sản phẩm đặc trưng. Tuy nhiên, do thiếu nhạy bén nên việc sản xuất tập trung quy mô lớn chưa có, các mô hình sản xuất gắn chuỗi giá trị còn ít. Tại một số địa phương, quá trình hoạt động, các HTX còn nhiều trở ngại về cơ chế, thiếu nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn.
Để nâng cao năng lực hoạt động của các HTX miền núi, theo ông Châu, cần sự vào cuộc, đồng hành tích cực của hệ thống chính trị các địa phương; đẩy mạnh lồng ghép các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ đặc thù của các địa phương miền núi với việc phát triển các mô hình HTX. Bên cạnh đó, Liên minh HTX sẽ tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức, năng lực của người quản trị HTX; tổ chức và kết nối các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo nhằm quảng bá, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm của các HTX. Mặt khác, chính mỗi HTX, người đứng đầu của các HTX cũng như các thành viên cần phải nỗ lực phát huy nội lực, năng động, thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh.
Với việc thực hiện “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025”, trong đó có các nội dung về hỗ trợ sản xuất lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo nguồn lực để các địa phương miền núi đẩy mạnh việc phát triển, nâng cao năng lực hoạt động của các HTX, phát huy vai trò “trụ đỡ” trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi...
Hồng Hương