Nhắc đến ớt A Riêu ở xã Mà Cooih không thể không nhắc đến vai trò tích cực trong liên kết sản xuất và tiêu thụ, nâng tầm sản phẩm OCOP của HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih.
Mang lại thu nhập đáng kể
Thời gian qua HTX này đã nâng cấp dây chuyền sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con. HTX bao tiêu ớt A Riêu của bà con với giá cả ổn định khoảng 200.000-250.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Từ đó, bà con tích cực trồng và chăm sóc loài cây bản địa này.
![]() |
Trồng ớt A Riêu đang mang lại thu nhập đáng kể cho người dân xã Mà Cooih. |
Ông Ating Banh, người Cơ Tu, ở thôn Cutchrun (xã Mà Cooih), cho biết gia đình ông chuyển đổi khoảng 1 sào đất rẫy trồng bắp sang trồng giống ớt A Riêu. Đến mùa thu hoạch, ông thu hái và mang bán cho HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih với giá khoảng 200.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Không chỉ có ông Ating Banh, thông qua liên kết với HTX mà các hộ dân ở xã Mà Cooih đã cải thiện thu nhập nhờ trồng ớt A Riêu. Như gia đình anh Alăng Krang, trú thôn A Sờ (xã Mà Cooih) đã thoát nghèo nhờ ớt Ariêu. Trước đây, thu nhập của gia đình Alăng Krang phụ thuộc vào mấy sào mì, bắp, cuộc sống bấp bênh. Nhưng từ khi trồng ớt và bán cho HTX, gia đình anh thu nhập mỗi tháng hàng triệu đồng.
Từ việc liên kết trồng và tiêu thụ cùng HTX, tính ra đến nay toàn xã Mà Cooih có khoảng hơn 150 hộ tham gia trồng ớt A Riêu với diện tích khoảng 20ha, sản lượng ước đạt hơn 10 tấn/năm. Trung bình mỗi năm, mỗi hộ dân có thu nhập đến 50 triệu tùy diện tích trồng và năng suất.
Là một thành viên tích cực của HTX, chị Arất Thị Ý - người Cơ Tu, cũng là một trong những hộ trồng ớt A Riêu tiêu biểu trong xã. Vợ chồng chị trồng khoảng 3.000 cây ớt, ngoài ra còn thu mua ớt của bà con để đóng bao bì, và bán ra thị trường các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Quảng Ngãi…
Ớt sau khi thu hoạch, hoặc mua lại từ người dân, chị Ý đem về lựa những trái ớt chín ra bỏ riêng, sử dụng những trái ớt xanh chất lượng. Ớt được rửa sạch, để ráo nước, cho vào thẩu nhựa với muối trắng theo tỉ lệ 85% là ớt và 15% muối.
Chị Arất Thị Ý cho hay: Hiện nay, chị làm các sản phẩm từ ớt A Riêu như ớt ngâm muối, ớt ngâm măng chua, và ớt bột tẩm gia vị. Với ớt tươi, thời điểm này giá bán ra tầm 250.000-300.000 đồng/kg. Với nhiều hộ dân ở Mà Cooih, từ việc trồng ớt A Riêu đã cho thu nhập từ hàng chục triệu cho đến hơn trăm triệu đồng mỗi năm.
Từ cây dại mọc trong rừng thành sản phẩm OCOP
Qua tính toán, chi phí đầu tư 1 sào (500m2) ớt Ariêu tại xã Mà Cooih trung bình 5,3 triệu đồng, năng suất ớt đạt 78 kg/500m2 với giá thị trường hiện nay trung bình 250.000-350.000 đồng/kg thì tổng thu nhập là 23.400.000 đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư thì lợi nhuận được 23,4 triệu đồng/500m2, cao hơn rất nhiều so với lúa rẫy (tổng thu nhập chưa trừ chi phí là 9 triệu/500m2).
![]() |
Từ cây dại mọc trong rừng, ngày nay ớt A Riêu đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao. |
Nhằm bảo tồn, nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu đặc trưng giống ớt A Riêu, HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất ớt A Riêu theo hướng hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, thu nhập cho người dân.
Không chỉ vậy, HTX còn góp phần đưa sản phẩm muối ớt A Riêu đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh và được người tiêu dùng trong, ngoài nước biết đến lựa chọn sử dụng.
So với những loài ớt truyền thống khác, ớt A Riêu ở xã Mà Cooih có những ưu thế vượt trội như hương vị rất riêng thơm mùi thảo mộc, độ cay nồng vừa phải rất quyến rũ, quả nhỏ không đã thèm cho một lần cắn khiến người ta muốn cắn đến quả thứ hai.
Giá trị của ớt Ariêu còn nằm ở chỗ đã vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Và chỉ có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu như xã Mà Cooih thì ớt mới cho mùi thơm độc và quả nhỏ li ti rất tinh khiết.
Ớt A Riêu được cho là có nguồn gốc từ con chim chào mào, A Riêu theo tiếng người Cơ Tu nghĩa là con chim chào mào. Khi theo dõi và tìm hiểu thì thấy những con chim chào mào ăn những trái ớt ở rừng, sau đó thải phân ra kèm hạt và mọc lên cây ớt này.
Loại ớt này có hình dáng, độ cay và hương vị thơm ngon rất đặc trưng, khác với các giống ớt trồng ở đồng bằng. Chính vì thế ớt A Riêu là sản phẩm hữu cơ hoàn toàn tự nhiên, là đặc sản nối tiếng của vùng đất Mà Cooih.
Như vậy, từ cây dại mọc trong rừng mà ngày nay ớt A Riêu đã trở thành sản phẩm OCOP 4 sao, trong đó không thể không ghi nhận dấu ấn của HTX, nhờ đó đã giúp nhiều hộ dân địa phương vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Giúp dân hết cảnh nghèo khó
Theo ông Alăng Diên, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih, để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến các món đặc sản từ ớt A Riêu thì HTX đã cung cấp 10.000 cây giống miễn phí cho các hộ dân trồng. Đây là cây đặc sản phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ở xã Mà Cooih. Có người mang giống đi trồng nơi khác, cây phát triển bình thường nhưng trái ớt to hơn, màu trắng, không còn độ cay, hương thơm đặc trưng.
![]() |
HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih tạo công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Mà Cooih nhờ chế biến các sản phẩm từ ớt A Riêu. |
HTX này hiện có 40 lao động, trong đó có nhiều hộ tham gia trồng ớt Ariêu. Ớt Ariêu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 10 ha trên địa bàn 7 thôn ở xã Mà Cooih. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 12.000 hũ ớt muối.
Mặc dù giá bán cao hơn nhiều so với những giống ớt khác nhưng HTX vẫn bán chạy vì ớt Ariêu được trồng sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và hương vị thơm ngon nên khách hàng ưa chuộng.
Trong hoạt động hiệu quả của HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih cũng cần ghi nhận sự quan tâm, hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam đối với những HTX ở vùng miền núi xa xôi đang chú tâm vào việc khai thác sản vật bản địa thành sản phẩm OCOP.
Thông qua định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã có những hoạt động hỗ trợ cho các HTX ở Đông Giang nói chung và cho HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih nói riêng. Nhất là hỗ trợ cho HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm OCOP muối ớt A Riêu. Phía Liên minh HTX tỉnh cũng đóng vai trò đầu mối, hỗ trợ cho HTX trong việc ký gửi và tiêu thụ sản phẩm, cũng như tìm kiếm các kênh phân phối, kết nối với các đối tác, doanh nghiệp.
Và từ hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam mà HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih đã từng bước nâng cao nhận thức, phát triển năng lực, mở rộng quy mô sản xuất, cung ứng các sản phẩm chế biến từ ớt A Riêu với chất lượng tốt ra thị trường.
Có thể nói việc trồng ớt A Riêu theo chuỗi liên kết với vai trò nổi bật của HTX đã và đang giúp cho nhiều hộ nghèo trên địa bàn Mà Cooih có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nếu trước kia, nguồn thu nhập chính của đồng bào Cơ Tu ở xã Mà Cooih từ cây sắn, ngô, chuối, gỗ keo..., thì giờ đây, nhờ có sự khai mở “kho báu” ớt A Riêu mà nhiều hộ dân ở vùng miền núi này đã hết cảnh nghèo khó.
Thanh Loan