Nhằm nâng cao giá trị sản xuất, nhiều HTX trên địa bàn huyện Chi Lăng đã tích cực hình thành các mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từ đó, đem lại hiệu quả thiết thực.
Điểm sáng giảm nghèo
Những năm gần đây, huyện Chi Lăng là điểm sáng trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường (Theo Nghị quyết 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 -2025 và Nghị quyết 15 ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08). Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất (nhà đầu tư) mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản. Đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững.
![]() |
Những loại quả thế mạnh như na đang trở thành cây làm giàu của người dân tộc thiểu số ở Chi Lăng. |
Đến hết năm 2023, toàn huyện Chi Lăng còn 1.249 hộ nghèo, tỷ lệ 6,48%; 1.280 hộ cận nghèo, tỷ lệ 6,64%. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống dưới 2%. Năm 2025 và những năm tiếp theo, Chi Lăng phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để đạt được mục tiêu giảm nghèo, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Chi Lăng đã hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng na với diện tích trên 2.600 ha; vùng cây ăn quả có múi với diện tích trên 500 ha; vùng hồi khoảng 1.900 ha;... Cùng với hình thành vùng sản xuất tập trung, huyện Chi Lăng đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Trong đó, nổi bật là việc triển khai chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường theo Nghị quyết 08.
Ông Nguyễn Trí Tuấn, Giám đốc HTX Dịch vụ và Sản xuất nông nghiệp Đồng Mỏ, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết: Trong năm 2023, HTX đã được huyện hỗ trợ phát triển mô hình trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 22 ha. Trong đó, các thành viên của HTX đã được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất na VietGAP. Đồng thời, được hỗ trợ bẫy bả ruồi vàng, bao bì, tem nhãn và nhiều loại vật tư. Mới đây, huyện còn kết nối HTX với một số siêu thị tại Hà Nội để tiêu thụ sản phẩm na. Các giải pháp trên đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để HTX phát triển tốt hơn.
Phát triển na đặc sản giúp người dân có cuộc sống ổn định
Xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 50 triệu đồng/người/năm. Đây là địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh Lạng Sơn. Trong đó, việc phát triển cây na đặc sản đã giúp người dân nơi đây có được cuộc sống ổn định.
Hiện nay toàn xã Chi Lăng đang có hơn 430ha đất trồng cây na. Sản phẩm Na Chi Lăng đã được công nhận danh hiệu OCOP 4 sao. Ông Hồ Văn Hồng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Quang Huy, xã Chi Lăng cho biết, cây na giúp các thành viên vươn lên làm giàu. Năm 2023 doanh thu từ mua và bán quả na đạt hơn 4 tỷ đồng với giá bán bình quân 30.000 – 35.000 đồng/kg.
Cây na đã giúp các thành viên trong HTX ổn định cuộc sống, từ đó mọi người luôn tích cực tham gia đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương, như hiến đất làm công trình, đóng góp ngày công làm đường, vật tư cho nhà văn hóa.
“HTX thành lập tháng 4/2021 với 7 thành viên, diện tích na có khoảng 2 ha, trồng và thu mua xuất đi các tỉnh miền Trung. Sản xuất na được áp dụng tiêu chuẩn VietGap cho sản phẩm sạch, dễ tiêu thụ tăng thu nhập cho người dân”, ông Hồng cho biết.
Cũng theo ông Hồng, HTX đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và nhãn hiệu sản phẩm. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, HTX đã xây dựng được thương hiệu và các đối tác tin tưởng vào sản phẩm của HTX. Những năm gần đây, HTX tiêu thụ trên 500 tấn na, doanh thu bình quân 2 năm gần đây ước đạt khoảng 20 tỷ đồng/năm, tăng gấp đôi với thời điểm năm 2021.
![]() |
Các HTX đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở huyện Chi Lăng. |
Năm 2024, theo thống kê của UBND xã Chi Lăng, tỉ lệ hộ nghèo trong xã chỉ còn dưới 2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 50 triệu đồng/người/năm. Ông Lăng Văn Thạch, Bí Thư đảng ủy xã Chi Lăng cho biết, 80% hộ dân ở xã tham gia vào việc sản xuất và tiêu thụ trái na. Vì thế địa phương xác định cần hướng dẫn người dân phát triển trồng cây na theo hướng hàng hóa, có thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.
Đến nay, toàn xã Chi Lăng đã có 6 HTX sản xuất và thu mua trái na với hàng trăm thành viên. Năm 2023, đã có hơn 60% diện tích được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, từ đó sản phẩm na Chi Lăng đã được đưa lên các sàn thương mại điện tử, các siêu thị ở thành phố lớn. Cũng từ đây người dân trong xã đã có được cuộc sống ổn định.
Phát triển mô hình HTX
Thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với UBND huyện Chi Lăng triển khai các giải pháp đổi mới hình thức sản xuất, tạo điều kiện cho HTX hình thành và liên kết sản xuất để phát triển. Cụ thể, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức tư vấn, tập huấn, củng cố tổ chức, hoạt động kinh tế tập thể, HTX. Theo đó, huyện đã tổ chức được hàng chục lớp tập huấn cho người dân, thành viên HTX tham gia, qua đó, góp phần thay đổi nhận thức, tập quán từ sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh cũng tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, điều hành HTX, trong đó, chú trọng bồi dưỡng kỹ năng lập phương án sản xuất kinh doanh, tổ chức liên kết sản xuất giữa nhà nông, doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực quản lý điều hành sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Lý, Giám đốc HTX Nông sản huyện Chi Lăng cho biết: HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm na và ớt trên địa bàn huyện. Do đó, nhu cầu về nhân lực phụ trách quản lý thu chi, sổ sách là rất cần thiết. Nhờ chính sách hỗ trợ, từ tháng 9/2022, HTX được huyện hỗ trợ đưa 1 kế toán có trình độ đại học về làm việc. Điều này đã giúp HTX thực hiện hiệu quả hơn nhiều trong việc quản lý sổ sách, giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX.
Tháng 4 vừa qua, Hội Nông dân huyện Chi Lăng phối hợp với Liên Minh HTX Tỉnh Lạng Sơn tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền KTTT, hướng dẫn thành lập HTX và tập huấn nghiệp vụ công tác Hội năm 2025. Riêng trong năm 2024 huyện Chi Lăng đã thành lập được 3 HTX thành lập mới. Đến cuối năm 2024, toàn huyện Chi Lăng có 50 HTX, trong đó hầu hết các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thời gian qua các HTX đã chủ động, nỗ lực, cố gắng vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để từng bước vươn lên phát triển, qua đó tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn cũng như thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.
Huyền Mi