Văn Bàn hiện là địa phương có diện tích đất canh tác nông - lâm nghiệp lớn nhất tỉnh, với hơn 12.200 ha; 490 ha mặt nước nuôi thủy sản và hơn 10.000 ha đất rừng trồng cho sản xuất lâm nghiệp; 9.426 ha đất trồng quế.
Chuyển đổi giống cây trồng
Cùng với đổi mới tư duy làm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, cấp ủy đảng, chính quyền và nông dân Văn Bàn đang đổi mới tư duy trong đầu tư thâm canh, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất có quy mô lớn hơn thông qua quy hoạch liền vùng, liền thửa cùng trồng cây ăn quả, cùng trồng cây nguyên liệu, nuôi thủy sản, trồng rau, màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Một số địa phương trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác mang lại hiệu quả kinh tế cao, như các xã Võ Lao, Khánh Yên Hạ, Dương Quỳ, Hòa Mạc… Cùng với việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, các địa phương cũng thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, mở rộng vùng chuyên canh để người sản xuất có điều kiện đầu tư đưa cơ giới hóa và ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
![]() |
Đưa cơ giới hóa và ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. |
Từ năm 2022, khi thấy những sản phẩm từ cây tía tô được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, xã Khánh Yên Hạ và xã Chiềng Ken đã khuyến khích các hộ (15 hộ) liên kết với HTX Nông - lâm nghiệp Thế Tuấn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây tía tô với tổng diện tích hơn 2 ha.
Chị Đinh Thị Vui, thôn Độc Lập, xã Khánh Yên Hạ cho biết: Gia đình đã chuyển 2 sào đất cấy lúa sang trồng tía tô, theo hướng dẫn của HTX Thế Tuấn. Công chăm bón giữa cây tía tô với cây lúa đều đòi hỏi sự vất vả ở từng giai đoạn khác nhau, song ưu điểm lớn hơn của cây tía tô là lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dùng ít hơn nhiều so với cây lúa.
“Trong vụ thu hoạch đầu tiên, gia đình tôi thu bình quân đạt trên 2,5 tạ/sào/lượt hái; với giá bán 5.000 đồng/kg, mỗi sào thu được khoảng 1,3 triệu đồng. Mỗi năm, cây tía tô có thể thu trên 6 tháng (1 tháng/lượt hái), tính ra tổng thu gần 8 triệu đồng/sào, so với cây lúa, hiệu quả kinh tế của cây tía tô có thể cao hơn gấp 3 lần”, chị Vui nói.
Hiện tại, cây tía tô được chế biến thành các sản phẩm chính như trà tía tô, cao tía tô, tinh dầu tía tô, toner tía tô. Các sản phẩm này hiện có mặt ở nhiều trung tâm thương mại và siêu thị trên toàn quốc, hoặc được cung cấp cho công ty chế biến thành trà hòa tan xuất khẩu. Mô hình trồng cây tía tô đang được nghiên cứu mở rộng diện tích ở các xã của huyện Văn Bàn.
Anh An Văn Tuấn, Giám đốc HTX Thế Tuấn cho biết: Cây tía tô là một trong 2 loại cây chủ lực để phát triển HTX, vì vậy nhu cầu vùng nguyên liệu là rất lớn. HTX sẽ tập trung mở rộng diện tích cây tía tô và cây đại bi để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người dân có thêm thu nhập.
Khai thác thảo dược bản địa
Tại xã Liêm Phú, HTX Nông Lâm nghiệp Vạn An đã trở thành hình mẫu phát triển kinh tế nông thôn gắn với khai thác thảo dược bản địa.
Anh Lê Đức Huấn, Quản lý HTX cho biết: Sản phẩm của Vạn An chủ yếu là các loại trà dược liệu, trà hoa và trà quả. Tất cả các dòng trà của Vạn An đều hướng đến người tiêu dùng, với mục tiêu chính là tốt cho sức khỏe.
Cùng với đó, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được HTX triển khai chặt chẽ. Người dân tham gia được cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Nhờ vậy, bà con yên tâm sản xuất, giảm rủi ro thị trường, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX đầu tư nhà xưởng với hệ thống thiết bị chế biến bán tự động hiện đại. Các sản phẩm chủ lực gồm trà viên, trà túi lọc và hơn 2.000 mặt hàng từ thảo mộc, như tinh dầu, trà giảm cân, trà đẹp da... Quá trình chế biến tại chỗ giúp kiểm soát chất lượng và tiết kiệm chi phí.
Một trong những điểm nhấn nổi bật là việc HTX xây dựng thương hiệu rõ nét, bao bì thiết kế mang đậm bản sắc địa phương, dễ nhận diện và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm đều được đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch.
Hiện, HTX có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và đang hoàn thiện hồ sơ cho 2 sản phẩm mới để nâng hạng đánh giá trong năm 2025. Đây là tiền đề quan trọng để HTX tiếp tục mở rộng thị trường và gia tăng giá trị sản phẩm.
Không chỉ phát triển kênh phân phối truyền thống, để mở rộng thị trường, HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và hệ thống kết nối tiêu dùng địa phương.
![]() |
Các sản phẩm của HTX Vạn An đều được đăng ký nhãn hiệu, mã số, mã vạch. |
Trung bình mỗi tháng, HTX tiêu thụ từ 10 - 12 tấn trà viên, khoảng 150.000 gói trà túi lọc cùng hàng nghìn sản phẩm thảo mộc khác. Doanh thu đạt từ 750 - 850 triệu đồng/tháng, lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, HTX đã xuất khẩu thành công khoảng 100.000 gói trà mỗi năm sang thị trường Hoa Kỳ- thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm, cho thấy tiềm năng cạnh tranh của sản phẩm địa phương.
Nhờ đó, HTX đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động thường xuyên và 40 - 50 lao động thời vụ. Phần lớn lao động là phụ nữ dân tộc thiểu số trong vùng, với mức thu nhập từ 6,5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Theo đánh giá của ban lãnh đạo xã, mô hình này không chỉ đóng góp vào phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giảm nghèo, mà còn tạo điều kiện để người dân gắn bó với nghề nông.
Tạo động lực chuyển mình
Có thể thấy, cùng với đổi mới tư duy làm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, cấp ủy đảng, chính quyền và nông dân Văn Bàn đang đổi mới tư duy trong đầu tư thâm canh, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất có quy mô lớn hơn thông qua quy hoạch liền vùng, liền thửa cùng trồng cây ăn quả, cùng trồng cây nguyên liệu, nuôi thủy sản, trồng rau, màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Một số địa phương trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác mang lại hiệu quả kinh tế cao, như các xã Võ Lao, Khánh Yên Hạ, Dương Quỳ, Hòa Mạc… Cùng với việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, các địa phương cũng thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, mở rộng vùng chuyên canh để người sản xuất có điều kiện đầu tư đưa cơ giới hóa và ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
“Văn Bàn xác định kinh tế nông nghiệp vẫn là trọng tâm và phát triển theo hướng nông nghiệp hàng hóa. Chúng tôi hướng đến một nền nông nghiệp sản xuất những gì thị trường cần, mà thị trường cần là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương gắn với chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tương lai còn sản xuất để phục vụ xuất khẩu - đây sẽ là một nền nông nghiệp bền vững. Qua đó tạo động lực mạnh mẽ cho Văn Bàn chuyển mình”, đại diện huyện cho biết.
Huyện Văn Bàn đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi năm giảm bình quân từ 4 - 5% hộ nghèo (theo tiêu chí mới), trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4,4%/năm trở lên.
Qua rà soát, năm 2024, Văn Bàn đã giảm 821 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn lại là 6,97%, hộ cận nghèo còn 5,44%.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp Văn Bàn sẽ tập trung hướng dẫn nông dân chuyển đổi phương pháp canh tác theo quy trình VietGAP, hữu cơ; ứng dụng khoa học - công nghệ.
Bên cạnh đó, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh tăng cường liên kết thông qua thành lập các HTX, liên kết với doanh nghiệp để mở rộng quy mô vùng sản xuất nông nghiệp; thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ngọc Giang