Trong sự phát triển “nở rộ” của các loại hình du lịch, bên cạnh sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh gắn với phát triển du lịch của các HTX, huyện Tuần Giáo đã và đang tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ lãnh đạo các HTX, thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Khơi dậy tiềm năng địa phương
Nhận thấy tiềm năng du lịch quý giá của đèo Pha Đin, HTX Pha Đin Pass, bản Háng Tầu, xã Tỏa Tình đã ra đời trên tinh thần “hợp tác cùng phát triển” của một số hộ gia đình người bản địa.
Với mục tiêu xóa đói giảm nghèo cho thành viên, các thành viên HTX Pha Đin Pass đã cùng nhau thuê 50ha diện tích đất trên đèo Pha Đin với thời hạn 50 năm để cải tạo thành Khu du lịch Pha Đin Pass. Sau hơn một năm đầu tư tâm huyết, đến nay, khu du lịch Pha Đin Pass đã cho “trái ngọt” với hàng trăm lượt khách ghé thăm mỗi ngày.
Anh Đinh Văn Tuấn, Phó Giám đốc HTX Pha Đin Pass, chia sẻ, việc đứng ra vận động các gia đình góp vốn làm ăn chung không gặp nhiều khó khăn, bởi tất cả đều nhìn ra tiềm năng từ lượng khách du lịch dừng chân trên đèo Pha Đin để ngắm cảnh mỗi ngày rất đông, nhưng không có điểm dừng nghỉ cụ thể nào.
![]() |
Các HTX đã và đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp “không khói”, giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. |
Vì thế, việc xây dựng Khu du lịch Pha Đin Pass trở thành điểm dừng chân cho du khách trên cung đèo mệnh danh “tứ đại đỉnh đèo” ở Tây Bắc là rất phù hợp.
Khu du lịch sinh thái Pha Đin Pass hiện đón từ 150 – 200 khách/ngày, thứ bảy và chủ nhật đón 500 – 700 khách.
Khu du lịch sinh thái Pha Đin Pass không chỉ là điểm dừng chân thỏa lòng du khách mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Hiện nay, HTX thu hút khoảng 50 lao động thường xuyên, thu nhập bình quân khoảng 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Bên cạnh các hoạt động du lịch, HTX Du lịch Pha Đin Pass còn có các gian hàng giới thiệu, bán các sản phẩm nông nghiệp đặc sản địa phương với nhiều loại trái cây đặc trưng vùng núi Tây Bắc như: hồng, bưởi, mận, đào, ổi…
Đa giá trị để làm giàu
Tham gia làm nông nghiệp kết hợp du lịch tại HTX Pha Đin Pass, ông Bùi Xuân Sáng chia sẻ, vào làm thành viên HTX, kinh tế gia đình ông khá hơn hẳn so với trước kia.
“Toàn bộ sản phẩm nông nghiệp mình làm ra đều được HTX hỗ trợ bao tiêu, giới thiệu tại các gian hàng của HTX. Vườn cây ăn quả của mình sạch, an toàn nên thu hút một lượng khách đến thăm vườn, trải nghiệm và mua nông sản từ đó nâng cao thu nhập, từ hộ nghèo của xã, giờ gia đình ông đã thoát nghèo”, ông Sáng cho hay.
Ông Hà Cẩm Hồng, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, nhằm giúp các HTX hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển du lịch tại địa phương, cần thiết có sự vào cuộc của chính quyền các cấp và các sở, ngành chức năng với các giải pháp cụ thể giúp nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức hoạt động của các HTX, tập hợp, đoàn kết, định hướng cho các HTX tham gia phát triển du lịch.
Các HTX cũng cần phát huy giá trị của trong các hoạt động du lịch, tạo nên sức hấp dẫn cho du khách, góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, thiên nhiên của địa phương, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho thành viên HTX và người dân địa phương.
![]() |
Tuần Giáo đã tận dụng tối đa các chương trình giảm nghèo để phát triển du lịch. |
Đồng thời, huyện cũng tăng cường tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chú trọng chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, sản xuất các ấn phẩm, sản phẩm phục vụ công tác thông tin, xúc tiến du lịch, từng bước đưa du lịch Tuần Giáo phát triển bền vững.
Ông Phí Văn Dương, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Điện Biên cho hay, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên phối hợp với huyện Tuần Giáo và các đơn vị trực thuộc Liên minh HTX Việt Nam như Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư tổ chức tập huấn kỹ năng tổ chức, vận hành điểm du lịch cộng đồng... Tham gia Lớp tập huấn, các học viên được khái quát các mô hình du lịch cộng đồng và nguyên tắc để phát triển du lịch cộng đồng hiện nay; giới thiệu Bộ tiêu chuẩn du lịch cộng đồng; hướng dẫn các kỹ năng tổ chức, vận hành các điểm du lịch cộng đồng; một số loại hình sản phẩm dịch vụ tham quan gắn kết với tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Lớp tập huấn nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng vận hành các mô hình du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, đồng thời hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với bản sắc văn hóa địa phương. Thông qua Lớp tập huấn cũng hỗ trợ các HTX tiếp cận phương thức phát triển du lịch cộng đồng bền vững, phát huy tiềm năng sẵn có, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Việc phát triển du lịch cộng đồng thông qua mô hình kinh tế tập thể không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX, mà còn tạo không gian du lịch hấp dẫn, gắn kết cộng đồng và gìn giữ văn hóa bản địa.
Biến lợi thế thành động lực giảm nghèo
Ông Hà Cẩm Hồng, khẳng định vai trò không thể thiếu của các HTX trong phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều HTX du lịch, HTX có hoạt động du lịch phát triển, hoạt động hiệu quả để góp phần thúc đẩy du lịch Tuần Giáo ngày càng phát triển.
Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phấn đấu đến hết năm 2025 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, tạo nền tảng đưa Tuần Giáo "cất cánh", trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực tỉnh Điện Biên.
Nhờ quyết tâm khai thác nguồn tài nguyên sẵn có gắn với phát triển du lịch nên năm 2024, Tuần Giáo đã đón trên 20.000 lượt khách; từ đầu năm đến nay, huyện đón gần 10.000 lượt khách du lịch. Theo Đề án phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tuần Giáo xác định đón trên 40.000 lượt khách/năm, trong đó khoảng 10% là khách quốc tế.
Lợi thế từ du lịch mang lại cho người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã được khẳng định. Đó là tối đa hóa việc sử dụng lao động, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ địa phương, từ đó, người dân có thêm việc làm, thêm thu nhập và vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Do đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm qua các năm, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 33,5%, giảm 14% so với năm 2019, đến năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo còn 30,5% giảm 17% so với năm 2022. Huyện đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm mới cho gần 10 nghìn lao động góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Hiện nay tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của huyện đạt 35%, lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 90%.
“Có thể thấy, Tuần Giáo đã tận dụng tối đa các chương trình giảm nghèo để phát triển kinh tế, làm thay đổi cuộc sống người dân, các mô hình kinh tế, trong đó có các HTX đã làm thay đổi cuộc sống nơi đây, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho hay.
Lê Minh