Trước đây, khi nhắc đến Kỳ Anh nhiều người thường nghĩ ngay đến một vùng quê nghèo, nơi có những người phụ nữ lam lũ, quanh năm đầu tắt mặt tối mà không đủ ăn. Nhưng những năm gần đây, phụ nữ vùng biển xã Kỳ Ninh, Kỳ Anh đã thành lập HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng với thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp làm ăn ngày càng hiệu quả, mở ra một hướng thoát nghèo mới cho chị em trong vùng.
Hướng đi phát triển bền vững
Khi mới thành lập, HTX tập trung sản xuất nước mắm và ruốc với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu tiêu thụ trong địa bàn tỉnh. Tuy nhiên với mong muốn phát triển nhãn hiệu nước mắm Kỳ Ninh, HTX đã hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng sạch.
Với diện tích 1.200m2, HTX đầu tư hơn 600 chum sành để muối nước mắm thủ công và 6 bồn muối theo hệ thống năng lượng mặt trời. Làm mắm bằng chum sành là cách giữ hương vị truyền thống tối ưu và bảo đảm cho sức khỏe người tiêu dùng. Còn áp dụng hệ thống năng lượng mặt trời giúp tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương, phù hợp với cơ chế thị trường.
![]() |
HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng với thương hiệu nước mắm Luận Nghiệp làm ăn ngày càng hiệu quả, mở ra một hướng thoát nghèo mới cho chị em trong vùng. |
Mỗi năm, HTX thu mua khoảng 200 tấn cá cơm để chế biến và thu về khoảng 100.000 lít nước cốt. Trong đó có khoảng 20.000 lít nước mắm thượng hạng, 80.000 lít tiêu chuẩn loại một và khoảng 150.000 lít nước mắm loại hai.
Ngoài sản xuất nước mắm, HTX còn đầu tư kho đông lạnh, hệ thống máy sấy cá để bảo quản cá tươi và kết hợp chế biến cá khô, ruốc mặn, sứa muối, cá mờm rim lạc... Mỗi năm, HTX muối khoảng 150 tấn ruốc mặn, 700 tấn sứa tươi cung cấp ra thị trường.
Nhờ chú trọng đến sản xuất sạch giúp HTX đáp ứng được các tiêu chí của chương trình OCOP. Cùng với đó là sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh, đến nay, HTX đã có 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao: nước mắm, cá mờm rim lạc, sứa và ruốc nêm. Riêng nước mắm có 2 sản phẩm đạt 3 - 4 sao và trở thành sản phẩm chủ lực của HTX. Đây cũng là đơn vị dẫn đầu về sản lượng, quy mô kinh doanh nước mắm truyền thống của Kỳ Anh.
Bà Phạm Thị Luận, Giám đốc HTX cho biết: “Tham gia Chương trình OCOP, các sản phẩm của HTX được đánh giá thông qua bộ tiêu chí chặt chẽ, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó mỗi năm việc thu mua hàng tấn cá cơm của bà con ngư dân Kỳ Ninh để chế biến nước mắm đã tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với với mức lương 5 - 7 triệu đồng/người/tháng”.
Đại diện UBND xã Kỳ Ninh cho biết, không chỉ tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, HTX Thu mua và chế biến thủy hải sản Chiến Thắng còn giải tỏa nỗi lo "đầu ra" cho các sản phẩm đánh bắt hải sản của 136 tàu, thuyền của địa phương, góp phần tạo sinh kế lâu dài cho hàng trăm ngư dân.
Điểm sáng Kỳ Ninh
Cũng tại Kỳ Ninh, bà Phạm Thị Thương Huyền - Cơ sở sản xuất nấm Thương Huyền (thôn Hoa Trung) cho biết, nhận thấy chương trình OCOP là bước đi quan trọng trong việc nâng tầm sản phẩm, từ năm 2021, dưới sự hỗ trợ của thị xã và xã Kỳ Hoa, cơ sở đã tiến hành xây dựng quy trình đạt chuẩn OCOP, đến năm 2022 sản phẩm nấm bào ngư được công nhận đạt 3 sao.
Với quy trình nuôi trồng nấm khép kín, đảm bảo chất lượng, giá mỗi kg nấm dao động từ 30 - 40 nghìn đồng, trung bình mỗi tháng sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận khoảng từ 30-40 triệu đồng.
“Có thể nói, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm thông qua chương trình OCOP là hướng đi phát triển bền vững của cơ sở mà còn góp phần cùng địa phương nâng cao chất lượng người dân”, bà Huyền nói.
Được biết, thị xã Kỳ Anh hiện có 6 hộ chế biến nước mắm theo quy chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao với quy mô 850.000 - 900.000 lít/năm và hơn 30 hộ chế biến quy mô 200 - 500 lít/năm. Riêng xã Kỳ Ninh chiếm gần 90% sản lượng nước mắm truyền thống của TX. Kỳ Anh cung ứng ra thị trường.
![]() |
Thị xã Kỳ Anh hiện có 6 hộ chế biến nước mắm theo quy chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao với quy mô 850.000 - 900.000 lít/năm và hơn 30 hộ chế biến quy mô 200 - 500 lít/năm. |
Không chỉ vậy, Kỳ Ninh hiện là địa phương có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất ở Kỳ Anh với 8 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao và 4 sao. Những năm gần đây, các sản phẩm OCOP không chỉ được tiêu thụ tại địa phương mà đã có mặt tại thị trường trong và ngoài nước.
Ban lãnh đạo xã Kỳ Ninh cho biết, chương trình OCOP đã mang đến làn gió mới làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân khu vực nông thôn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Kỳ Ninh. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng/người.
HTX giúp thay đổi bộ mặt nông thôn
Theo Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 3 liên hiệp HTX, 1.010 HTX, 2.623 tổ hợp tác với hơn 94.000 thành viên, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các địa phương như: hình thức tổ chức sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, thương mại nông thôn, môi trường và an sinh xã hội.
Nhiều HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu. Hà Tĩnh hiện có 239 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 82 sản phẩm OCOP của HTX, tổ hợp tác, chiếm trên 34% số lượng sản phẩm OCOP toàn tỉnh. Với “tấm vé thông hành” là sản phẩm OCOP, uy tín và chất lượng sản phẩm được khẳng định, các HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh có cơ hội tăng mức tiêu thụ và mở rộng thị trường, giúp người dân địa phương có cuộc sống ổn định.
Có thể nói, Chương trình OCOP đã làm thay đổi căn bản nhận thức, cách nghĩ, cách làm của đông đảo các HTX, chủ cơ sở trẻ ở Kỳ Anh. Các HTX, cơ sở chủ động kết nối giao thương, được mời tham gia các diễn đàn lớn, hàng hóa sản phẩm được trưng bày và giới thiệu tại các sự kiện lớn nhỏ trong cả nước. Thương hiệu sản phẩm và thương hiệu cá nhân được nâng lên một tầm vóc mới.
Nhờ tham gia chương trình OCOP người dân từ chỗ "thụ động, trông chờ, ỷ lại" đã dần chuyển sang "tự lực, tự chủ, sáng tạo" và khơi dậy được khát vọng vươn lên làm giàu, biến những người nông dân tự ti thành những doanh nhân đầy tự tin, sáng tạo, thể hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ cùng nông dân phát triển, tạo ra sản phẩm đa dạng, sản phẩm tử tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Thị xã Kỳ Anh là địa phương có nhiều đặc sản tiêu biểu, nhất là các sản vật từ biển, vì thế các sản phẩm OCOP mang đặc trưng của vùng đất phía Nam Hà Tĩnh qua từng năm đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Hiện toàn thị xã đã có 27 sản phẩm OCOP, trong đó, có 3 sản phẩm 4 sao và 23 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm nổi tiếng được khách hàng ưa chuộng như: Nước mắm Luận Nghiệp, nước mắm Nhất Ninh (phường Kỳ Ninh); chả cá thu Sơn Phương (xã Kỳ Lợi); giò chả Chín Hồng, nấm đông trùng hạ thảo Hưng Hà Vân (phường Hưng Trí)…
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, thực hiện theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chính vì vậy, chương trình OCOP được coi là nền tảng vững chắc để thị xã thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Nhờ sự nỗ lực của các HTX đã góp phần vào giảm tỷ lệ đói đói nghèo ở Kỳ Anh trong những năm qua. Theo đó, thị xã Kỳ Anh phấn đấu đến năm 2025, bình quân thu nhập đầu người đạt 60-65 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 1,5%.
Theo ông Phan Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, sự nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất cộng với cách làm sáng tạo, quyết liệt của thị xã Kỳ Anh trong xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị trên địa bàn. Đây chính là “đòn bẩy” để thị xã Kỳ Anh tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng tiêu chí huyện nông thôn mới, qua đó giúp người dân không chỉ thoát nghèo bền vững mà có chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nguyễn Ngọc Hùng nhấn mạnh: Để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua mô hình HTX. Các HTX cần phải tiếp tục đổi mới về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động; xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, quy mô lớn, theo hướng liên kết vùng; tham gia tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất - kinh doanh; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm...
Nhật Nam