Nếu truy cập vào website chính thức của huyện Sìn Hồ (sinho.laichau.gov.vn) có thể dễ dàng nhìn thấy hình ảnh giới thiệu các sản phẩm OCOP huyện Sìn Hồ như đỗ trọng khô, cao đỗ trọng, cao atiso, cao sâm quy... Đây đều là các sản phẩm dược liệu được sản xuất bởi HTX Nông sản Dược liệu cao nguyên Sìn Hồ tại bản Mao Sao Phìn, xã Sà Dề Phìn.
Vùng dược liệu “sống dậy”
![]() |
Sản phẩm của HTX được giới thiệu trên website chính thức của huyện. |
HTX Nông sản Dược liệu Cao nguyên Sìn Hồ là một điểm sáng trong bức tranh phát triển cây dược liệu của địa phương. Bên cạnh việc tự trồng, HTX thu mua, bao tiêu cho cây dược liệu của bà con trong huyện và các vùng xung quanh.
Đối với cây sâm Lai Châu, HTX cẩn thận lựa chọn giống cây do người dân thu lượm từ rừng, sau đó mang về ươm trồng trên những vùng đất giàu mùn, ẩm mát dưới tán rừng. Cây được chăm sóc và nuôi dưỡng đến khi đạt ít nhất 4 năm tuổi mới bắt đầu lấy hạt để nhân giống. Nhờ quy trình chọn lọc và canh tác kỹ lưỡng này, cây sâm phát triển khỏe, ít sâu bệnh, giữ được dược tính cao, từ đó từng bước mở rộng vùng nguyên liệu sâm Lai Châu.
Không chỉ chú trọng đến việc bảo tồn nguồn giống, trồng và chăm sóc cây sâm, HTX còn đầu tư kỹ lưỡng vào các khâu sơ chế như sấy khô, nấu cao dược liệu, đảm bảo tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nhằm giữ lại tối đa dược tính của sản phẩm. Sau đó, sản phẩm được đóng gói trong bao bì đẹp mắt, tiện lợi cho người sử dụng. Nhờ quy trình nghiêm ngặt và đồng bộ, các sản phẩm của HTX đều đạt tiêu chuẩn đưa ra thị trường, trong đó nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP.
![]() |
Hạt của cây sâm Lai Châu. |
Thành công của HTX không chỉ góp phần làm “sống dậy”, giữ gìn truyền thống của một vùng dược liệu có tiếng - Cao nguyên Sìn Hồ, mà còn mang đến thu nhập, cơm ăn, áo mặc, sách vở… cho đồng bào nơi đây.
Được biết, từ thập niên 1970 - 1980, Sìn Hồ là một trong những vựa cung cấp dược liệu lớn của cả nước, mỗi năm cung ứng hàng chục tấn dược liệu cho các công ty dược phẩm. Trong ký ức của bà con, nông trường ngày ấy lúc nào cũng tấp nập cảnh chăm sóc, thu hoạch cây dược liệu. Tuy nhiên, khi bước vào cơ chế kinh tế thị trường, do trình độ quản lý và kinh doanh yếu kém, sản xuất lạc hậu, nông trường bị giải thể. Cũng từ đó, nhiều hộ nông dân thiếu nguồn thu, rơi vào cảnh đói nghèo triền miên.
Bệ phóng sinh kế cho đồng bào vùng cao
Ngày nay, không để bỏ phí tiềm năng, chính quyền và người dân đã quyết tâm khôi phục vùng nguyên liệu danh tiếng. Đáng mừng, không chỉ riêng Sìn Hồ, làn sóng trồng dược liệu đang lan tỏa mạnh mẽ sang nhiều huyện khác của Lai Châu.
Tại huyện Mường Tè, các xã vùng sâu như Tá Bạ, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ cũng đang từng bước “thay da đổi thịt” nhờ cây dược liệu.
Tại huyện Phong Thổ, những năm gần đây, HTX Thuận Phát (xã Pa Vây Sử), cùng doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn đã mở rộng diện tích trồng cây sâm Lai Châu, đặc biệt là chú trọng đến khâu chăm sóc để cây phát triển tự nhiên, cho sản phẩm chất lượng tốt.
Trong khi đó, tại bản Ma Sao Phìn Cao, xã Khun Há, huyện Tam Đường có HTX Sâm Lai Châu cũng cùng bà con vươn lên từ cây sâm.
Sự thành công bước đầu cho thấy tính hiệu quả của việc phát triển cây dược liệu, coi đây là hướng đi mới cho sinh kế của bà con vùng cao. Đa số các cây dược liệu có giá trị gia tăng theo thời gian. Cây càng lâu năm thì dược tính càng mạnh, giá bán càng cao. Từng mầm cây thuốc được gieo trồng chính là những khoản đầu tư bền vững, dài hạn cho tương lai để bà con có thể gắn bó, thay thế cho các loại cây truyền thống hiệu quả thấp.
Cũng bởi vậy, ngày 19/5/2024, Tỉnh uỷ Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về phát triển Sâm Lai Châu giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035. Nghị quyết đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cụ thể, với mục tiêu phát triển Sâm Lai Châu thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Cầu nối phát triển chuỗi giá trị dược liệu
![]() |
Một số sản phẩm từ sâm Lai Châu được trưng bày tại Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024. |
Tuy nhiên, ngành dược liệu Lai Châu nói riêng, cũng như nhiều địa phương trên cả nước còn đối mặt nhiều thách thức như đầu ra chưa ổn định, chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, thiếu đầu tư vào nghiên cứu - phát triển (R&D), thương hiệu yếu; HTX, doanh nghiệp còn nhỏ… Đây là những rào cản cần vượt qua nếu muốn phát triển dược liệu bền vững.
Bên cạnh vai trò của các chính sách hỗ trợ từ Trung ương và địa phương, Liên minh HTX tỉnh Lai Châu, dưới sự chỉ đạo của Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ HTX, giúp các HTX tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, nâng cao năng lực sản xuất và quản trị.
Sau khi tiếp cận được vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, các HTX có điều kiện đầu tư máy móc, cải tiến quy trình chế biến, nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm. Các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm OCOP cũng được triển khai mạnh mẽ, tạo cú hích cho các sản phẩm dược liệu địa phương vươn xa.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, để ngành dược liệu trở thành ngành kinh tế bền vững và đáp ứng nhu cầu thị trường, các địa phương cần đẩy mạnh phát triển các vùng trồng quy mô lớn, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, nguồn gốc và mã số vùng trồng. Đặc biệt, cần xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, tận dụng thế mạnh của khu vực kinh tế tập thể và HTX.
Năm 2024, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa các HTX sản xuất trong ngành dược liệu với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại thuộc Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Hội nghị mang lại cơ hội để HTX, doanh nghiệp kết nối, hợp tác phát triển trong sản xuất, chế biến dược liệu. Đồng thời, giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước có định hướng phù hợp để phát triển công nghiệp chế biến dược liệu, các nhà khoa học, chuyên gia có định hướng nghiên cứu phù hợp với xu thế thị trường...
Các HTX dược liệu từ đó từng bước hình thành chuỗi giá trị khép kín – từ vùng nguyên liệu đến sản phẩm thương mại. Cây dược liệu cũng từng bước trở thành “cây dân sinh” – mang lại sinh kế ổn định cho người dân tộc thiểu số, giúp họ an tâm gắn bó với rừng, làm giàu trên mảnh đất quê hương
Minh Khôi