Sản xuất xanh, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng sẽ giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, từ đó nâng cao thu nhập của nông dân, góp phần quan trọng trong mục tiêu giảm nghèo bền vững của TP.HCM, trước mắt là kế hoạch năm 2025 vừa được ban hành.
Sẵn sàng thích ứng với tình hình mới
Hồi cuối năm 2023, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định về phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt mục tiêu đạt trên 30% HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào năm 2030.
![]() |
TP.HCM đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 75 - 85% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. |
Bên cạnh trên 30% HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, TP.HCM còn đặt mục tiêu tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản được sản xuất tiêu thụ dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 40%; có 290 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 50% sản phẩm được chứng nhận đạt 4 - 5 sao.
Đặc biệt, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 75 - 85% tổng giá trị sản xuất của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tốc độ tăng trưởng dịch vụ nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt 5,5 - 6%/năm. Đồng thời, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác nông nghiệp đến năm 2030 đạt 850 - 1.000 triệu đồng/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp, nông thôn qua đào tạo đạt trên 70%.
UBND TP.HCM cũng xác định tầm nhìn đến năm 2050, TP phát triển nông nghiệp gắn với điều kiện đô thị hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, bền vững. Ngành kinh tế nông nghiệp TP tích hợp đa ngành, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút mạnh mẽ đầu tư từ các thành phần kinh tế; tập trung sản xuất sản phẩm nông nghiệp lợi thế, liên kết vùng thành hệ sinh thái đa giá trị, đảm bảo an ninh lương thực.
Đồng thời, nông dân và cư dân nông thôn phát triển các phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hiện đại và bền vững, mang đến không gian xanh, trong lành và thân thiện môi trường. Phát triển làng nghề nông nghiệp, nông thôn đậm dấu ấn văn hóa, du lịch TP…
Tháng 4 vừa qua, UBND TPHCM cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP năm 2025.
Trong đó, TP sẽ đào tạo năng lực thực hành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho nguồn nhân lực lao động nông thôn tham gia trong lĩnh vực giống: cây rau, hoa cây kiểng, chăn nuôi bò sữa, nuôi tôm, nấm ăn, nấm dược liệu và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP; tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm trong nước cho cán bộ kỹ thuật trong hoạt động sản xuất và lai tạo các giống rau, hoa, cây kiểng học tập mô hình chăn nuôi bò sữa, bò thịt ứng dụng công nghệ cao, học tập các mô hình HTX điển hình về liên kết sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai cơ chế chính sách rau an toàn và tiêu thụ hoa, cây kiểng cho Ban Giám đốc HTX, thành viên nòng cốt; học tập các mô hình HTX điển hình về liên kết sản xuất, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai cơ chế chính sách cây trồng, vật nuôi học tập về cơ chế, chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực xúc tiến thương mại.
Mặt khác, phát huy vai trò trung tâm của HTX, xây dựng thành công mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại; hỗ trợ HTX hoạt động hiệu quả, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý, điều hành HTX. Nâng cao chất lượng nông sản, hiệu quả chuỗi cung ứng và truy xuất nguồn gốc: hỗ trợ, tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng VietGAP trồng trọt HACCP cho các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn TP, các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Bên cạnh đó, liên kết các doanh nghiệp cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm của TP với các hộ sản xuất nhỏ lẻ (trong và ngoài TP), hình thành tổ hợp tác, HTX; tổ chức sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo chuỗi giá trị, liên kết từ khâu con giống - vật tư nông nghiệp - sản xuất - giết mổ, sơ chế, chế biến - phân phối, tiêu thụ, nhằm phát triển các dịch vụ sản xuất cung ứng giống cây trồng, vật nuôi; chủ động kiểm soát nguồn nguyên liệu, giá thành và chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu sản phẩm; tạo mối liên kết và quảng bá để thu hút các tổ chức, cá nhân có nhu cầu ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Ngoài ra, mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham gia đầu tư, hỗ trợ vốn cho sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ và xuất khẩu. Khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới, tích hợp các xu hướng và thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0.
Những điểm sáng ở "vành đai xanh" Củ Chi
Giữa dòng chảy của chuyển đổi số, người nông dân Củ Chi (TP.HCM) được tiếp sức từ những chính sách khuyến khích hỗ trợ của địa phương, từ những HTX mạnh dạn đổi mới, tiên phong trong chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ.
![]() |
Dự kiến có trên 30% HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào năm 2030. |
Tại xã Trung Lập Hạ, mô hình của HTX Hoa lan Củ Chi cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt từ ứng dụng công nghệ. HTX quy tụ hơn 20 hộ trồng lan chuyên nghiệp, chuyên cung cấp các dòng lan Mokara, Dendro chất lượng cao cho thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Văn Dũng, thành viên HTX chia sẻ: “Trước đây trồng lan chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, bón phân hay tưới nước đều làm thủ công, không chính xác nên hiệu quả thấp. Từ khi HTX hỗ trợ lắp hệ thống tưới tự động, theo dõi qua cảm biến, cây lan phát triển đồng đều, tỷ lệ hoa đạt chuẩn cao hơn hẳn”.
HTX còn sử dụng phần mềm quản lý sản xuất để theo dõi từng lô cây, lập lịch chăm sóc cụ thể. Ngoài ra, việc kết nối qua Zalo, Facebook và livestream bán hàng đã trở thành kênh tiêu thụ chính trong mùa dịch và vẫn tiếp tục được duy trì. Nhờ đó, doanh thu của HTX năm 2024 đạt trên 8 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động.
HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Nông (xã Tân Phú Trung) cũng là một “điểm sáng” trong chuyển đổi số tại Củ Chi. Thành lập từ năm 2019, HTX ban đầu chỉ có vài thành viên, sản xuất nhỏ lẻ rau ăn lá. Đến nay, nhờ ứng dụng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt thông minh, và phần mềm quản lý sản xuất theo chuẩn VietGAP, HTX đã mở rộng diện tích lên hơn 7 ha, tạo việc làm ổn định cho gần 40 lao động địa phương, với thu nhập trung bình 6-8 triệu đồng/tháng.
“HTX đầu tư hệ thống IoT để giám sát nhiệt độ, độ ẩm trong nhà màng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, tôi có thể điều chỉnh lượng nước tưới, phân bón, thậm chí dự đoán dịch bệnh để can thiệp sớm. Mọi quy trình đều được số hóa, truy xuất nguồn gốc qua mã QR nên khách hàng rất yên tâm”, Giám đốc Trần Văn Nhã cho biết.
Không dừng lại ở rau củ, HTX còn phát triển sản phẩm chế biến như nước ép rau, salad đóng gói – nhờ vậy có thể đưa nông sản vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Đặc biệt, việc hợp tác với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Postmart... giúp sản phẩm HTX “đi xa hơn”, doanh thu tăng đều mỗi năm.
Có thể nói, trong những năm qua, huyện Củ Chi đã từng bước khẳng định vai trò của kinh tế hợp tác, HTX trong phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, bền vững. Đồng hành với quá trình này, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX TP.HCM đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX tại Củ Chi nói riêng, tại TP.HCM nói chung, từ đó tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.
Cụ thể, thông qua các chương trình mục tiêu, dự án hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với địa phương đầu tư cơ sở vật chất cho nhiều HTX tại TP.HCM, trong đó tiêu biểu là hỗ trợ nhà xưởng, kho bảo quản, hệ thống tưới nước tiết kiệm, máy móc sơ chế nông sản.
Đặc biệt, tại Củ Chi, HTX Rau an toàn Phước An và HTX Nấm Xuân Hòa là hai mô hình điển hình được thụ hưởng thiết bị sơ chế, đóng gói và bảo quản, giúp gia tăng giá trị sản phẩm và giảm hao hụt sau thu hoạch.
Cùng với hạ tầng, các chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng được triển khai thường xuyên. Nhiều thành viên HTX tại TP.HCM đã được đào tạo kỹ năng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; tiếp cận các mô hình canh tác thông minh, sử dụng phân hữu cơ vi sinh và công nghệ tưới nhỏ giọt, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất đáng kể.
Liên minh HTX Việt Nam còn phối hợp với Liên minh HTX TP.HCM, cùng các đối tác tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giúp sản phẩm HTX tiếp cận với hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử và các thị trường tiềm năng. Tại TP.HCM, HTX Thảo dược Thiên Phúc chuyên sản xuất tinh dầu, trà thảo mộc tại xã Trung Lập Thượng hiện đã có mặt trên các sàn Shopee, Tiki và xuất khẩu đơn hàng nhỏ sang Hàn Quốc nhờ sự hỗ trợ về thiết kế bao bì, truy xuất nguồn gốc.
Theo lãnh đạo UBND huyện Củ Chi, mục tiêu đến năm 2030, huyện sẽ có trên 70% diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó các mô hình HTX sẽ đóng vai trò then chốt. Việc hỗ trợ nông dân tiếp cận chuyển đổi số không chỉ nằm ở thiết bị, mà quan trọng hơn là đào tạo kỹ năng số, tư duy quản lý mới, giúp người dân làm chủ công nghệ.
Để “không còn hộ nghèo, cận nghèo”
Trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững TP.HCM năm 2025 do UBND TPHCM vừa mới ban hành đã xác định nhiều chính sách, giải pháp để không còn hộ nghèo, cận nghèo.
Theo UBND TP, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI phấn đấu “Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP”; trên cơ sở kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2024; TP tiếp tục triển khai, thực hiện các chính sách hỗ trợ nhằm kéo giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trong năm 2025.
Cụ thể, tiếp tục phấn đấu, duy trì TP không có hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 – 2025; cũng như phấn đấu thực hiện giảm 0,04% tỷ lệ hộ nghèo trên tổng số dân TP và giảm 0,13% tỷ lệ hộ cận nghèo trên tổng số dân TP (giảm theo chuẩn nghèo TP giai đoạn 2021 – 2025), TP không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP.
Để đạt được mục tiêu trên, TPHCM sẽ tiếp tục huy động nguồn lực thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo. Được biết, tổng kinh phí thực hiện Chương trình dự kiến năm 2025 là 13.172,320 tỷ đồng, trong đó: bổ sung mới cho năm 2025 là 1.799,136 tỷ đồng.
Song song đó, TP sẽ tập trung các chương trình, chính sách và giải pháp hỗ trợ giảm nghèo để góp phần hỗ trợ hộ cải thiện, nâng cao thu nhập, kéo giảm các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và an sinh xã hội, chẳng hạn như: chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; chính sách cho vay ưu đãi và tín dụng nhỏ; chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm (trong nước và đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); chính sách hỗ trợ nâng cao dinh dưỡng cải thiện thể chất con người; chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế; chính sách hỗ trợ về giáo dục; chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội; chính sách hỗ trợ nhà ở và các chính sách, giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội khác…
Đồng thời, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tập trung triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp nhằm kéo giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Qua 4 năm thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND của HĐND TP về Chương trình Giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021 2025, TP thực hiện giảm 69.914 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 2,76% trên tổng số hộ dân TP; trong đó, thực hiện giảm 37.979 hộ nghèo và giảm 31.935 hộ cận nghèo… Ngoài ra, TP có 13 quận, huyện hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều TP giai đoạn 2021 – 2025; 9 đơn vị còn lại dự kiến hoàn thành trong quý 1 năm 2025. TP tiếp tục duy trì kết quả không có hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 – 2025 và duy trì kết quả hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo trước thời hạn 2 năm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra “đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP".
Trong giai đoạn 2026-2030, UBND TP xác định mục tiêu chung tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố tăng thu nhập và tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục và đào tạo, việc làm - bảo hiểm xã hội, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin) nhằm tiếp tục nâng cao mức sống, điều kiện sống và chất lượng cuộc sống của hộ nghèo, hộ cận nghèo TP, đảm bảo giảm nghèo bền vững, vì một TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Về mục tiêu cụ thể, TP.HCM phấn đấu đến cuối năm 2030, nâng mức chuẩn hộ nghèo về thu nhập của TP cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP.
Phương Linh