Lào Cai là một trong hai địa phương nuôi cá nước lạnh nhiều nhất cả nước. Đầu tư nuôi cá nước lạnh đòi hỏi những yếu tố khắt khe về nguồn nước tự nhiên, con giống nhập khẩu, giá thức ăn nuôi cá cao. Để tránh rủi ro, ngành nghề này buộc phải có liên kết chặt chẽ từ tổ chức sản xuất, tiêu thụ đến chế biến sâu để gia tăng thu nhập cho người nuôi cá nước lạnh.
Sản xuất theo mô hình liên kết
Hiện người nuôi cá nước lạnh Sa Pa đang tích cực tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết, cùng với đó minh bạch nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm tạo đầu ra vững chắc trên thị trường.
HTX Thức Mai do bà Phạm Thị Mai làm lãnh đạo hiện đang cung ứng cá giống, cám cá và thu mua cá xuất bán từ trên 30 hộ dân trong vùng.
![]() |
HTX Thức Mai hiện đang cung ứng cá giống, cám cá và thu mua cá xuất bán cho hộ dân trong vùng. |
Bà Mai cho biết để đảm bảo uy tín cho sản phẩm và có chỗ đứng lâu dài trên thị trường, sản phẩm làm ra phải là sản phẩm sạch. Nguyên liệu cá phải tươi sống và nuôi an toàn thì HTX mới thu mua. Do đó, các hộ dân liên kết sản xuất với trại của bà đều phải cam kết tuân thủ nghiêm ngặt kỹ thuật nuôi cá theo quy định.
Trong quá trình liên kết sản xuất, mỗi hộ nuôi cá thay vì mạnh ai nấy làm như trước kia, giờ đây đều tuân thủ lịch trình thả giống vào một thời điểm khác nhau. Từ đó, lượng cá xuất bán không bị chồng chéo, giữ được giá và chất lượng cá đảm bảo hơn.
Được biết, HTX Thức Mai là một trong 7 cơ sở nuôi cá nước lạnh đầu tiên ở tỉnh Lào Cai chủ động mời chuyên gia về phân tích, đánh giá môi trường theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến năm 2021, HTX đã ghi nhận “bước tiến dài” trên hành trình phát triển kinh tế tập thể khi chính thức triển khai mô hình sản xuất “từ trang trại đến bàn ăn” của người tiêu dùng.
Theo đó, HTX đã quyết tâm tạo ra nhiều sản phẩm hơn nữa để đa dạng hóa mặt hàng phục vụ nhu cầu người mua trên thị trường, đồng thời nâng cao giá trị thương phẩm của cá hồi, cá tầm. Cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm từ cá cũng được đầu tư bài bản với máy móc, thiết bị tân tiến, hiện đại.
Các sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc và thường xuyên được lấy mẫu đi kiểm tra, đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đặc biệt, các sản phẩm: ruốc cá hồi Sa Pa, cá hồi Sa Pa cắt khúc, cá hồi Sa Pa phi lê và cá hồi Sa Pa hun khói của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP, thành công khẳng định vị thế và sức ảnh hưởng đến từ sản phẩm cá hồi Sa Pa.
Trung bình mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn cá hồi, cá tầm thương phẩm. Ngoài việc tiêu thụ tại Sa Pa, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên, Sơn La, Thái Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa,...
Đầu ra sản phẩm tại các hệ thống siêu thị hiện chiếm khoảng 50% số lượng cá mà trang trại của HTX nuôi được, còn lại là tiêu thụ qua các kênh bán lẻ.
Đảm bảo công ăn việc làm cho người dân địa phương
Hiện nay, trại nuôi cá của HTX đảm bảo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, giúp ổn định kinh tế của các hộ thành viên và góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Ngoài ra, thông tin từ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai cho biết, HTX đã tạo thêm công ăn việc làm cho hơn 100 hộ dân nuôi cá nhỏ lẻ với trên 200 lao động, giúp đảm bảo mức sống của các gia đình ở mức khá và có thể vươn lên làm giàu. Hàng năm, trừ đi các chi phí đầu tư, HTX thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Anh Bàn Phúc Tiến, thành viên HTX chia sẻ: “Gắn bó với HTX giúp tôi có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng để duy trì và đảm bảo cuộc sống. Những người ở nơi xa như tôi đến thôn Can Hồ Mông làm việc đều được HTX tạo điều kiện giúp đỡ cho có chỗ ăn, chỗ nghỉ đàng hoàng để yên tâm lao động sản xuất”.
Theo thống kê, năm 2024, Lào Cai có 20.411 hộ nghèo, chiếm 11,24% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh và 18.058 hộ cận nghèo, chiếm 9,94% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. So với năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 3,7%, tương ứng giảm 6.380 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm 0,31%, tương ứng giảm 317 hộ.
Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 110.000m3, sản lượng cá nước lạnh đạt 1.600 tấn. Để nghề nuôi cá nước lạnh phát triển theo hướng an toàn, hiệu quả và bền vững, Lào Cai xác định cần có sự liên kết đồng bộ chặt chẽ và mở rộng mạng lưới liên kết hơn nữa.
![]() |
Lào Cai đặt mục tiêu đến năm 2030, thể tích nuôi cá nước lạnh đạt 110.000m3, sản lượng cá nước lạnh đạt 1.600 tấn. |
Ban lãnh đạo tỉnh cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ người nuôi cá đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo mô hình liên kết dưới hình thức tổ, nhóm, tổ hợp tác và HTX nhằm hoạch định kế hoạch chung, quản lý môi trường và nguồn nước chung, hỗ trợ nhau huy động vốn, trao đổi công nghệ sản xuất giống, công nghệ nuôi thương phẩm, giám sát quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường, các thông tin thị trường.
Cơ hội từ sáp nhập Lào Cai và Yên Bái
Đáng chú ý, việc sáp nhập 2 tỉnh Lào Cai và Yên Bái trong thời gian tới được đánh giá sẽ tạo tiền đề cho sự kiến tạo và phát triển tỉnh mới dựa trên tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương trong thời gian tới.
Trong đó, người dân cũng có thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh tế và tăng thu nhập, đặc biệt là từ các mô hình nuôi cá nước lạnh gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm.
Về địa lý, tỉnh Lào Cai và Yên Bái liền kề nhau, có hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh, đóng vai trò trung chuyển giữa vùng cao và trung du Bắc Bộ.
Việc sáp nhập sẽ giúp hình thành một vùng liên kết du lịch rộng lớn, mở ra khả năng phát triển các tuyến, cụm du lịch xuyên tỉnh với quy mô, chất lượng tốt hơn.
Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai được ví như là động mạch chính đưa du khách từ Hà Nội lên Sa Pa chỉ trong khoảng 4-5 giờ. Còn Yên Bái đang kết nối vào trục cao tốc nối miền xuôi với vùng di sản Tây Bắc như Mù Cang Chải - Trạm Tấu - Nghĩa Lộ...
Về du lịch – văn hóa, Sa Pa là thương hiệu du lịch quốc gia, còn Mù Cang Chải là biểu tượng của du lịch ruộng bậc thang. Khi hai biểu tượng này “về chung một nhà”, sẽ mở ra cơ hội kết nối tuyến du lịch vùng cao liên hoàn, từ Y Tý – Sa Pa – Bắc Hà – Nghĩa Lộ – Mù Cang Chải, tạo thành “cung đường huyền thoại” thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước.
Bà Phạm Thị Mai cho biết hiện nay, HTX Thức Mai đang có 4 trại cá nước lạnh ở Lào Cai và Yên Bái. Khi 2 tỉnh sáp nhập với nhau, HTX có thể đưa các trại "về chung một nhà", từ đó mở ra thêm nhiều cơ hội mới để tiêu thụ sản phẩm và phát triển du lịch.
"Sau khi sáp nhập, chúng tôi dự định sẽ liên kết với các hộ dân trên địa bàn để làm mô hình chăn nuôi cá nước lạnh kết hợp với phát triển du lịch sinh thái tại chỗ vừa giúp tiêu thụ được nhiều sản phẩm, vừa có thêm nguồn thu từ các dịch vụ mới", bà Phạm Thị Mai tiết lộ.
Linh Đan