Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể (KTTT), qua đó thu hút nhiều hội viên, nông dân tham gia. Điều này đã góp phần thúc đẩy phát triển phong trào KTTT trên địa bàn tỉnh, đóng góp vào mục tiêu giảm nghèo của địa phương.
Nông dân tích cực tham gia KTTT
Kết quả thực hiện mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 - 2024, huyện Gò Công Đông đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm, từ 1,35% (520 hộ) năm 2021 xuống còn dự kiến 0,71% (275 hộ nghèo) vào cuối năm 2024, vượt mục tiêu đề ra.
Thời gian qua, huyện Gò Công Đông đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tham gia phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Liên minh HTX tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng tại huyện mở các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về KTTT cho cán bộ, thành viên HTX, tổ hợp tác (THT). Đồng thời, phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng các mô hình điểm trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
![]() |
Các HTX và THT tại huyện Gò Công Đông đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm cho lao động. |
Đáng chú ý, trong năm qua, huyện đã vận động được 330 nông dân tham gia làm thành viên THT, HTX. Đồng thời, thành lập mới 1 HTX Nông nghiệp xã Bình Nghị với 25 thành viên; 1 THT sản xuất rau an toàn tại xã Bình Ân. Đến nay, toàn huyện hiện có 55 THT, với 582 tổ viên, trong đó tổ viên là hội viên, nông dân có 488 người, 16 HTX nông nghiệp với 4.317 thành viên, trong đó thành viên là hội viên, nông dân là 1.077 người.
Xác định tầm quan trọng của KTTT, huyện Gò Công Đông đã xây dựng kế hoạch cụ thể về phát triển KTTT mà nòng cốt là HTX. Toàn huyện hiện có 18 HTX (01 Quỹ tín dụng nhân dân, 02 HTX vận tải và 15 HTX nông nghiệp). Doanh thu bình quân của HTX khoảng 8,444 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân khoảng 118 triệu đồng. Thu nhập bình quân của người lao động trong HTX là 3,4 triệu đồng/người/tháng.
Trong năm 2024, các HTX và THT đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm, giải quyết việc làm cho lao động; nhiều HTX và THT đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để sản xuất đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các HTX và THT hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, thực hiện được việc liên kết chuỗi giá trị, một số HTX và THT đã liên kết được với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường, tạo ra lợi nhuận cao.
Phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm
Điển hình như HTX Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì (xã Binh Nhì) phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã mang lại thu nhập ổn định cho nhiều thành viên, trong đó nhiều hộ dân đã thoát nghèo.
HTX Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì được thành lập vào năm 2001, hoạt động trong 4 lĩnh vực: Khai thác, xử lý và cung cấp nước sinh hoạt; cung ứng vật tư nông nghiệp, lúa giống; tiêu thụ lúa thương phẩm chất lượng cao và thi công đường ống nước. HTX hoạt động với phương châm “Hợp tác để phát triển”. Khi mới thành lập, HTX có 800 thành viên; qua quá trình phát triển, hiện HTX có 2.394 thành viên với vốn điều lệ 2,394 tỷ đồng, tổng vốn hoạt động 5 tỷ đồng.
Sản xuất lúa là lĩnh vực chủ lực của HTX với tổng diện tích khoảng 800 ha. Thời gian qua, HTX đã xây dựng mã số vùng trồng lúa nội địa với diện tích 255,02 ha/515 hộ. Bên cạnh đó, HTX còn tích cực phối hợp cùng các ngành, các cấp triển khai thực hiện mô hình Cánh đồng lớn trên địa bàn xã. Theo đó, HTX đã tổ chức tuyên truyền, họp dân để phân tích, bàn và công khai về các nguồn hỗ trợ của cấp trên cũng như kế hoạch liên kết sản xuất với các doanh nghiệp.
Để triển khai mô hình Cánh đồng lớn hiệu quả, HTX đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn cho thành viên và trang bị kỹ thuật canh tác lúa theo chương trình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”... ngay từ đầu vụ.
Đặc biệt, HTX còn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp giúp thành viên an tâm hơn trong sản xuất. Qua đó, HTX từng bước làm thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ và tập quán gieo sạ của nông dân, hướng đến sản xuất tập trung, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất, lợi nhuận.
![]() |
HTX Nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì chú trọng liên kết với các doanh nghiệp để tạo đầu ra ổn định cho thành viên. |
Theo đó, HTX hợp đồng cung ứng lúa giống, vật tư nông nghiệp với Công ty TNHH Thương mại HK để cung cấp lại cho thành viên. Đồng thời, ký kết hợp đồng tiêu thụ lúa với Công ty TNHH MTV Sản xuất kinh doanh HK Green, Công ty TNHH Vinh Hiển. Ngoài ra, HTX còn tiên phong sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích thực hiện 59,81 ha với 137 hộ dân tham gia. Điều này giúp nâng cao chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi để HTX liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Lượng, Giám đốc HTX cho biết: “Hiện HTX đang liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với các doanh nghiệp trên diện tích hơn 60 ha. Khi tham gia liên kết, đối với những diện tích lúa giống, thành viên sẽ bán lúa cao hơn giá thị trường 500 đồng/kg. Riêng những hộ không sản xuất lúa giống thì bán cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg”.
Sản xuất rau màu cũng là một trong những thế mạnh của HTX. Đối với những thành viên sản xuất rau màu, HTX cũng chú trọng liên kết để tìm đầu ra cho nông dân. Cụ thể, hiện HTX đã được cấp mã số vùng trồng trên cây dưa hấu với diện tích 63,31 ha/86 hộ. HTX liên kết với HTX Nông nghiệp tổng hợp Hòa Thạnh và một thương lái tại địa phương để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Trên cây bắp, HTX cũng liên kết với thương lái để thu mua nông sản. Điều này góp phần giải quyết đầu ra nông sản cho thành viên.
Theo ông Huỳnh Văn Lượng, trong thời gian tới, HTX định hướng lại giống cây trồng cần tập trung sản xuất. Từ đó, HTX định hình và tìm kiếm đầu ra ổn định cho thành viên giúp nâng cao đời sống cho các thành viên. Nhiều hộ gia đình từ chỗ khó khăn nay đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Chú trọng đổi mới, phát triển KTTT
Bên cạnh những thuận lợi, việc phát triển KTTT tại huyện Gò Công Đông cũng còn gặp nhiều khó khăn như quy mô HTX và THT còn nhỏ lẻ, manh mún. Một số HTX và THT hiện nay hoạt động chưa hiệu quả, còn cầm chừng. Công tác tổ chức quản lý, trình độ cán bộ, năng lực điều hành, năng suất chất lượng còn bất cập. Điều kiện thực tế về cơ sở vật chất kỹ thuật, năng lực tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất - kinh doanh còn thấp.
Để KTTT phát triển nhanh và bền vững, trong năm 2025, huyện phấn đấu thành lập mới 1 HTX. Theo đó, huyện sẽ tập trung tuyên truyền, tập huấn Luật HTX năm 2023 và nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX. Tổ chức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2020 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban nhân dân huyện sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2020 - 2025 phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu của HTX trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng mục tiêu, hiệu quả.
Có thể thấy, với phương thức hoạt động của các HTX bước đầu đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường, các HTX đã có những đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của huyện. Hoạt động của các HTX thực sự có tác động thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết, hợp tác giữa các hộ thành viên trong HTX và thành viên với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ và vừa khác, góp phần tăng sản lượng hàng hóa nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động tại địa phương.
Hoàng Hà