Tại xã Phước Năng, mô hình nuôi bò 3B theo chuỗi liên kết do HTX Nông nghiệp Thịnh Vượng triển khai từ tháng 2/2024 đã mang lại nhiều hy vọng cho 13 hộ dân.
Hiệu quả nhìn thấy rõ
Bà Lương Thị Thời (thôn 2, xã Phước Năng) cho hay, đàn bò phát triển tốt nhờ gia đình được HTX hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ giống cỏ voi, vắc xin ngừa bệnh cho bò.
![]() |
Mô hình nuôi bò 3B theo chuỗi liên kết do HTX Nông nghiệp Thịnh Vượng triển khai đã mang lại nhiều hy vọng cho người dân Phước Năng. |
Như chia sẻ của bà Thời, trước đây, bà con nuôi bò bản địa, nguồn giống không được chọn lọc kỹ càng, chủ yếu dựa trên kinh nghiệm vốn có. Nguồn thức ăn thiếu chủ động, cộng thêm việc chưa biết sử dụng vắc-xin để phòng một số bệnh thường gặp, nuôi nhiều nhưng tỷ lệ mắc bệnh chết, ốm, hao hụt cao. Nhờ liên kết cùng HTX, bà con chăm nuôi bò đúng kỹ thuật, hiệu quả nhìn thấy rất rõ.
Ông Trần Ngọc Hiện (thôn 3, xã Phước Năng) cũng đánh giá rất cao sự hỗ trợ của HTX. Các hộ dân chia sẻ kinh nghiệm với nhau, HTX kiểm tra thường xuyên và cam kết thu mua bò với giá tốt. Điều này giúp người dân địa phương tự tin mở rộng chăn nuôi.
Trong quá trình nuôi bò 3B cùng HTX, ngành nông nghiệp huyện Phước Sơn đã cử cán bộ thú y hỗ trợ tiêm phòng, hướng dẫn chăn nuôi an toàn sinh học, giúp người dân Phước Năng thay đổi tập quán, kiểm soát dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Những nỗ lực này đã khuyến khích nhiều hộ mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Đây là mô hình hiệu quả để huyện có thể nhân rộng trong năm 2025 và các năm tiếp theo trong các dự án hỗ trợ sinh kế, liên kết sản xuất, kinh doanh nhằm đạt mục tiêu thoát huyện nghèo vào cuối năm 2025.
Ngoài ra, ở xã Phước Năng còn có mô hình lúa hữu cơ hơn 115ha thay thế phương pháp canh tác truyền thống đã thu hút hàng trăm hộ dân tham gia. Vụ lúa đầu tiên được thí điểm vào cuối năm 2023 mang lại kết quả khá khả quan, khi năng suất lúa hữu cơ đạt 62 tạ/ha, cao hơn 20 tạ so với kiểu canh tác truyền thống.
Nhờ không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giá bán ra thị trường cao (riêng giống gạo lứt đen có giá lên đến 50 nghìn đồng/kg)..., nên người dân có thu nhập khá.
Giúp bà con nâng cao giá trị sản xuất
Trong mô hình này phải kể đến vai trò của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Phước Năng khi đang hướng tới xây dựng sản phẩm OCOP lúa hữu cơ, gạo lứt hữu cơ để giúp bà con nâng cao giá trị và thoát nghèo bền vững.
![]() |
Mô hình trồng lúa hữu cơ của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Phước Năng đã đem lại hiệu quả đáng ghi nhận. |
Thời gian qua HTX đã mở rộng mô hình trồng lúa hữu cơ, qua đó đã đem lại hiệu quả đáng ghi nhận. Theo đó, từ sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con nông dân là người đồng bào được HTX tập huấn kỹ thuật, cách bón phân, chăm sóc, phòng trừ dịch hại…tất cả đều phải thực hiện theo hướng hữu cơ, không có sự can thiệp bởi hóa chất bảo vệ thực vật.
Hiệu quả từ mô hình mang lại không chỉ nâng cao giá trị cây lúa trên cùng đơn vị diện tích như tăng năng suất và giá bán gấp 3-4 lần, giúp bà con nâng cao thu nhập mà còn góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, xóa bỏ dần những phương thức canh tác truyền thống kém hiệu quả.
Ngoài ra, HTX này còn phát huy hiệu quả với mô hình vườn ươm cây giống. Công việc hằng ngày của anh Hồ Văn Beo, người đồng bào Giẻ Triêng, một thành viên HTX ở thôn 2 xã Phước Năng, là chăm sóc vườn ươm cây giống dược liệu. Theo anh Beo, việc tham gia HTX là bước ngoặt trong việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của anh.
Anh Beo cho biết, sau khi được tham gia cùng HTX, đã được tạo điều kiện về công ăn việc làm, từ mô hình HTX sẽ học hỏi kinh nghiệm, quy trình sản xuất của cây trồng, kỹ thuật trồng, rồi được tuyên truyền thay đổi nhận thức của bà con về thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Với việc ươm các loại cây giống như keo, quế, ba kích, dỗi, đẳng sâm…, đồng bào nơi đây được HTX hướng dẫn kỹ thuật về quy trình chăm sóc, bón phân, trị sâu bệnh để nâng cao năng suất. Riêng đối với anh Hồ Văn Beo, qua mô hình vườn ươm cây giống, anh vừa có thêm thu nhập, vừa nâng cao trình độ sản xuất so với trước đây.
“Nhờ tham gia HTX mà tôi có việc làm ổn định, từ mô hình của HTX tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kiến thức bổ ích để áp dụng vào thực tiễn. Bản thân tôi sau khi được nâng cao nhận thức thì cũng mạnh dạn tuyên truyền cho bà con nhân dân phải thay đổi nếp nghĩ, cách làm để việc sản xuất được hiệu quả hơn”, anh Beo nói.
Người dân địa phương cũng bắt đầu mạnh dạn chuyển từ trồng keo sang cây gỗ lớn, cây ăn quả, thí điểm trồng ba kích, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và bền vững.
Là một thành viên cốt cán của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Phước Năng, anh Trương Hà Phương cho biết ban đầu bà con vẫn còn bỡ ngỡ nhưng dần dần đến ngày hôm nay bà con rất hợp tác. Thông qua sự hỗ trợ của nhà nước, bà con thấy được lợi ích của mình nên tham gia mô hình rất tích cực.
Tạo đòn bẩy cùng nhau xóa nghèo
Chẳng hạn như việc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Tổng hợp Phước Năng mở rộng diện tích trồng ba kích lên hơn 3.000m2, đồng thời liên kết với 30 hộ dân ở Phước Năng thâm canh trồng khoảng 5ha. HTX luôn cố gắng vận động bà con tham gia cùng HTX để sản xuất ra các sản phẩm đặc trưng để bán lấy tiền.
![]() |
Vai trò “trụ đỡ” của HTX đang góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của đồng bào vùng cao xã Phước Năng. |
Nhận định về mô hình của HTX này, lãnh đạo UBND xã Phước Năng cho biết, từ việc vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm cùng HTX nên hiệu quả sản xuất bây giờ đạt cao hơn trước rất nhiều, nó khác hẳn so với cách làm truyền thống như trước đây. Thời gian tới xã sẽ tiếp tục vận động bà con triển khai các vụ mùa mới và gắn bó với HTX để được hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo hướng khoa học.
Vai trò nổi bật của HTX kiểu mới trong liên kết sản xuất nông nghiệp như ở Phước Năng nhằm giúp người dân địa phương thoát nghèo bền vững là điều mà Liên minh HTX Việt Nam luôn khuyến khích và nhân rộng mô hình hiệu quả.
Dành sự quan tâm, hỗ trợ đến với kinh tế tập thể ở huyện Phước Sơn nói chung và xã Phước Năng nói riêng, bằng hành động cụ thể, thời gian qua Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường, khuyến khích liên kết giữa hộ nghèo và các HTX.
Đặc biệt là ưu tiên mô hình liên kết chuỗi giá trị nhằm giúp bà con Phước Năng từng bước thay đổi tập quán sản xuất cũ, tiếp cận cách làm mới với quy mô phù hợp hơn, tạo đòn bẩy kích thích người dân cùng nhau xóa nghèo và vươn lên làm giàu.
Phát huy vai trò trong tư vấn, hỗ trợ HTX ở huyện Phước Sơn nói chung và xã Phước Năng nói riêng, từ định hướng của Liên minh HTX Việt Nam thì Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ các HTX thực hiện mô hình liên kết chuỗi và liên doanh, liên kết, hợp tác, cũng như nhân nhân rộng mô hình hiệu quả.
Đồng thời, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ các HTX tham gia hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm địa phương. Qua đó, các HTX ở Phước Năng có cơ hội giao lưu, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tổ chức khác nhằm ký kết các hợp đồng liên kết, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của HTX.
Nhờ những nỗ lực của khu vực KTTT, HTX trên địa bàn huyện Phước Sơn đã góp phần vào tỉ lệ giảm nghèo chung của Quảng Nam. Theo đó, năm 2024, tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo và tỷ lệ nghèo đa chiều là 28.227 hộ, tỷ lệ 6,35% (giảm 4.844 hộ, tương ứng giảm 1,12% so năm 2023).Trong đó, số hộ nghèo đa chiều là 20.272 hộ chiếm tỷ lệ 4,56% (giảm 4.397 hộ, tương ứng với tỷ lệ giảm 1,01% so với năm 2023); số hộ cận nghèo đa chiều là 7.955 hộ, chiếm tỷ lệ 1,79% (giảm 447 hộ, tương ứng với tỷ lệ giảm 0,11% so với năm 2023).
Có thể nói vai trò “trụ đỡ” của HTX đang góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của đồng bào vùng cao xã Phước Năng. Bằng việc chia sẻ kinh nghiệm, áp dụng kỹ thuật mới, đảm bảo đầu ra ổn định, các mô hình hiệu quả đã tạo động lực mạnh mẽ để người dân nơi đây vươn lên, đưa địa phương này từng bước hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thanh Loan