Để nâng cao hiệu quả, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn huyện đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, các HTX để thu hút lao động là thanh niên, phụ nữ, nông dân tham gia, từ đó tạo nguồn lực phát triển kinh tế cho các HTX cũng như cho địa phương.
Nâng cao chất lượng
Với mục tiêu tổ chức các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu của lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn, huyện đã chú trọng mở các lớp đào tạo về kỹ thuật phát triển chăn nuôi và kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản na dai cho LĐNT tại 5 xã, thị trấn.
Đến thực tế một số hộ gia đình trên địa bàn xã Chi Lăng tham gia lớp đào tạo nghề cho LĐNT, chúng tôi nhận thấy hiệu quả thực sự của các lớp học. Bà Triệu Thị Tám, xã Chi Lăng là một trong những hộ trồng na trên địa bàn tham gia lớp đào tạo nghề cho biết: Khi chưa được đào tạo kỹ thuật, chúng tôi chủ yếu chăm sóc cây trồng theo thói quen, kinh nghiệm hiểu biết người này truyền cho người kia nên dịch bệnh nhiều, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Đến khi tham gia lớp học, được hướng dẫn kỹ thuật cụ thể, áp dụng vào vườn na của chính mình, bà Tám thấy hiệu quả rất rõ rệt. Nhiều quả na to, đẹp, chất lượng quả ngọt, thơm hơn rất nhiều. Vì lẽ đó mà thu nhập cũng cao hơn do dễ bán và bán được giá.
![]() |
Nhiều người dân đã ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất na sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề |
HTX nông nghiệp xã Quang Lang cũng là đơn vị kinh tế tập thể tiêu biểu của huyện thành công nhờ chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo ông Nguyễn Trí Vinh - Giám đốc HTX Quang Lang, nhờ tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề trồng na theo tiêu chuẩn VIetGAP, đến nay các thành viên đều chủ động áp dụng kỹ thuật sản xuất an toàn vào sản xuất na, đưa năng suất cây trồng và hiệu quả kinh tế tăng gấp 2-3 lần so với trước.
Hiện, HTX Quang Lang là mô hình hoạt động hiệu quả trên địa bàn huyện, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 29 nhà vườn na thành viên và 102 hộ gia đình có liên kết sản xuất, với diện tích xấp xỉ 49ha.
Theo các thành viên HTX, khi tham gia các lớp đào tạo nghề, lao động sẽ được học theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, chú trọng thực hành trên đồng ruộng. Đây là một cách làm thiết thực trong đào tạo nghề cho LĐNT tại Chi Lăng. Hiệu quả của cách làm này đã tạo ra những mô hình trồng na hiệu quả. Đến nay, thành viên của 7 HTX và 25 tổ hợp tác sản xuất na an toàn trên địa bàn huyện đều được học nghề trồng na trước và trong khi tham gia HTX. Các thành viên ở các mô hình đều đang đẩy mạnh phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và cho thấy hiệu quả khả quan.
Đi đôi giải quyết việc làm
Với hơn 80% dân số sống ở khu vực nông thôn, nhiều năm qua, Chi Lăng đã tích cực bám sát điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của LĐNT để tổ chức ngành nghề phù hợp. Về nhóm ngành nghề, phần lớn, LĐNT trên địa bàn huyện mong muốn học nghề nông – lâm nghiệp, phần rất nhỏ muốn học nghề công nghiệp, và khoảng 20% người lao động trong vùng muốn học nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Xác định dạy nghề dù ở lĩnh vực nào cũng phải để người lao động học xong là có việc làm, có thu nhập ngay, không để tình trạng người lao động học nghề mà không có định hướng, học xong không biết tìm việc ở đâu. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục điều tra, tư vấn cho người lao động, địa phương đã liên kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh để vừa dạy, vừa tìm đầu ra cho người học.
![]() |
Giảng viên khoa Nông lâm, Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn giới thiệu mô hình sản phẩm hệ thống trồng và tưới cây trồng hiệu quả |
Hoạt động dạy nghề cho LĐNT, lao động thuộc hộ nghèo sẽ tuân thủ nguyên tắc bám sát điều kiện cụ thể tại địa bàn cư trú của người học chứ không dạy chung chung theo chỉ tiêu. Cụ thể là huyện đã tổ chức được các lớp dạy trồng cây nông nghiệp, công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, sửa chữa xe máy, máy công nghiệp.
Đặc biệt, các cán bộ trung tâm dạy nghề của huyện đã nghiên cứu kỹ đặc thù của mỗi xã để định hướng đào tạo nghề, ví dụ như những xã có nhiều diện tích đồi núi đất thì dạy nghề trồng rừng, chăn nuôi, còn những xã có diện tích núi đá thì đào tạo nghề trồng cây ăn quả… Chính vậy, hiệu quả sau khi được đào tạo đã thấy rõ, sản phẩm người nông dân làm ra đã cho năng suất lớn hơn.
Có thể thấy rằng, việc thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn tỉnh cũng như huyện Chi Lăng là điều không hề đơn giản vì là vùng sâu, vùng xa. Song, phải khẳng định rằng những kết quả trên đã thể hiện nỗ lực của huyện, góp phần vào thành công chung của tỉnh trong việc giải bài toán về dạy nghề và tạo việc làm cho LĐNT.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng khẳng định: Hiện nay, huyện vẫn chú trọng đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp để bà con tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, xây dựng các thương hiệu cho nông sản của huyện. Cùng với mô hình na, hiện nay, mô hình chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà sinh học, nuôi ong cũng được LĐNT áp dụng sau khi được học nghề.
Như Yến