Nhận thấy giá trị của cây dược liệu và khả năng phát triển trong môi trường ươm trồng, vài năm trở lại đây, một số hộ dân ở vùng cao Văn Chấn đã bắt tay vào trồng: Sa nhân, thảo quả, đinh lăng và đã cho hiệu quả nhất định.
Tạo chuỗi liên kết, đưa sản phẩm tới thị trường lớn
Tuy nhiên việc trồng cây dược liệu vẫn chỉ là tự phát, trên quy mô nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao. Năm 2017, HTX Lũng Lô, xã Thượng Bằng La đã đi đầu phát triển cây dược liệu với quy mô lớn.
Tận dụng điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu ở khu vực đèo Lũng Lô, đến nay, HTX đang duy trì 20 ha cây dược liệu các loại như: Hà thủ ô, đương quy, kim ngân hoa... Sản phẩm làm ra đến đâu được thu hái, sơ chế và xuất bán ngay đến đó, duy trì sự ổn định cho các thành viên HTX, tạo công ăn việc làm cho người lao động với thu nhập gần 10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Sầm Văn Nưa - Phó Giám đốc HTX Lũng Lô cho biết: "Chúng tôi tập huấn cho tất cả cán bộ, nhân viên tư vấn chuẩn bị đất, trồng và chăm sóc, toàn bộ bằng thủ công chứ không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. HTX cũng đã liên kết với một số các công ty dược trong tỉnh, ngoài tỉnh để xuất hàng".
![]() |
HTX Lũng Lô tạo công ăn việc làm cho người lao động với thu nhập gần 10 triệu đồng/người/tháng. |
Theo ông Nưa, các cây trồng ở đây đều là cây phù hợp với thời tiết, khí hậu, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Từ đó thu hút ngày càng nhiều hộ dân tham gia theo tinh thần lấy cộng đồng làm nòng cốt, tạo chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả và tận dụng tối đa mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Do nhu cầu của thị trường tăng lên, cần mở thêm diện tích vùng trồng dược liệu, HTX đã tích cực tuyên truyền, vận động thành viên HTX, bà con nhân dân trong vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng ngô, trồng lúa và những cây có ít giá trị kinh tế sang trồng dược liệu. Cùng với đó, HTX tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu phát triển các loại cây dược liệu mới, đồng thời mở rộng diện tích các cây dược liệu đang có triển vọng.
Để bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm dược liệu của thành viên HTX và bà con nhân dân, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty cổ phần Dược phẩm Yên Bái, Công ty cổ phần Dược liệu Ninh Hiệp, Công ty cổ phần Dược liệu Sơn Tùng và một số công ty sản xuất và phân phối khác. HTX cũng phấn đấu xuất khẩu được nhiều sản phẩm dược liệu sang thị trường nước ngoài trong những năm tới.
Là thành viên tham gia HTX từ những ngày đầu mới thành lập, anh Hoàng Quang Diệp cho biết: "HTX đã tạo được việc làm thường xuyên cho người lao động. Ngoài ra, chúng tôi còn được tham gia đầy đủ các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Từ khi tham gia vào HTX, thu nhập và cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn trước”.
Theo tìm hiểu, hiện tổng diện tích dược liệu của HTX vào khoảng 10 ha; trong đó, có nhiều diện tích của các hộ thành viên. Họ vừa tham gia góp đất, vừa tham gia lao động hưởng lương hằng tháng; đồng thời, được hưởng lợi tức từ lợi nhuận hằng năm của HTX.
Chị Hoàng Thị Hợi, thôn Mỏ, xã Thượng Bằng La cho biết: "Những diện tích này trước đây chúng tôi chủ yếu trồng ngô, cây màu nhưng hiệu quả không cao; tuy nhiên, từ khi tham gia liên kết với HTX, thu nhập của chúng tôi đã được cải thiện. Chúng tôi cùng tham gia các hoạt động trồng, chăm sóc cây dược liệu và nhận lương hằng tháng. Ngoài ra, thông qua HTX, diện tích canh tác kém hiệu quả được phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân chúng tôi”.
Được biết, HTX đã quy hoạch lại vùng phát triển dược liệu gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Du khách đến với HTX sẽ được trải nghiệm quy trình trồng, chăm sóc, chế biến cây dược liệu, được tham gia chế biến các món ăn từ cây dược liệu và tham quan Khu di tích lịch sử Đèo Lũng Lô huyền thoại.
“HTX đã triển khai làm nhà nghỉ homestay kết hợp với dịch vụ tắm lá thuốc để thu hút du khách nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương”, Phó Giám đốc HTX cho biết.
Góp phần xoá đói giảm nghèo
Có thể thấy, việc phát triển vùng cây dược liệu tập trung ở Văn Chấn là hướng đi đúng, đưa sản xuất dược liệu trở thành ngành hàng quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp huyện, góp phần tạo việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là đồng bào vùng cao.
Đến nay, ngoài Thượng Bằng La, Văn Chấn còn rất nhiều xã vùng cao như Suối Giàng, Sùng Đô, An Lương, Gia Hội, Nậm Búng, Tú Lệ... đều có thể phát triển được cây dược liệu bởi những năm qua, các địa phương này đã có thu nhập khá từ cây thảo quả.
Năm 2024, qua rà soát số hộ nghèo toàn tỉnh, huyện Văn Chấn còn số hộ nghèo là 1.977 hộ, tương ứng 6,31%; giảm 1.522 hộ, tương ứng giảm 4,96% so với năm 2023 (đạt 101,2% so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 161-KH/TU); số hộ cận nghèo là 1.222 hộ, tương ứng 3,90%; giảm 351 hộ, tương ứng giảm 1,17% so với năm 2023 (đạt 117% so với mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 161-KH/TU).
![]() |
Hộ dân ở Thượng Bằng La góp đất cho HTX sản xuất cây dược liệu. |
Dược sỹ Nguyễn Văn Toanh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn, nghiên cứu, chế biến dược liệu, Viện Nghiên cứu phát triển cây lâm nghiệp, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đánh giá: “Văn Chấn có điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu ở quy mô lớn, nhất là ở những khu vực núi cao, có môi trường trong lành. Việc phát triển cây dược liệu ở khu vực vùng cao vừa góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, bảo vệ môi trường sinh thái vừa góp phần bảo tồn nguồn cây dược liệu quý. Phát triển cây dược liệu gắn với bảo vệ và phát triển rừng sẽ là hướng đi quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vùng cao”.
Thấy được tầm quan trọng của việc phát triển cây dược liệu trong công tác giảm nghèo, huyện xác định, quy hoạch vùng trồng, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, hỗ trợ về cơ chế, chính sách cho nhân dân..., phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 1.200 ha cây dược liệu các loại. Trong đó, diện tích vùng tập trung là 105 ha và có 70 ha trồng mới; phân tán ngoài vùng quy hoạch là 1.095 ha. Hàng năm, cung cấp trên 5.000 - 7.000 tấn dược liệu các loại, tạo việc làm ổn định cho 600 - 1.200 lao động địa phương.
Khai thác lợi thế cây thảo dược, phát huy mô hình HTX
Không chỉ tại Văn Chấn, ở huyện Văn Yên, người dân xã Đông An đã liên kết sản xuất dược liệu theo mô hình HTX. Theo đó, HTX Sản xuất dược liệu Yên Bái Thanh Sơn không chỉ đứng ra trồng dược liệu mà còn thực hiện bao tiêu dược liệu cho người dân, thành viên để chế biến sâu thành cao, trà và bột từ cây cà gai leo, mang lại giá trị kinh tế cao.
HTX đã liên kết với 60 hộ dân trồng cà gai leo tại 4 xã của huyện Văn Yên và huyện Yên Bình, với tổng diện tích trên 10 ha, mỗi năm cho sản lượng ổn định khoảng 80 tấn.
Ông Phạm Văn Chiến, Giám đốc HTX cho biết việc sản xuất và chế biến các sản phẩm từ dược liệu được HTX liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp ngành dược để bảo đảm quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. Trung bình mỗi năm, HTX xuất ra thị trường khoảng 6.000 lọ cao cà gai leo cùng nhiều sản phẩm cao bột và nguyên liệu thô khác, đem lại doanh thu khoảng 2-3,8 tỷ đồng/năm. Điều đó đã giúp các thành viên có thu nhập ổn định, yên tâm sản xuất để tiếp tục mở rộng diện tích và thâm canh, tăng năng suất.
Đại diện Hội Đông Y tỉnh Yên Bái cho biết: "Ngoài triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học điều tra, khảo sát, đánh giá các cây thuốc, bài thuốc của tỉnh Yên Bái, chúng tôi đã triển khai các hội thảo khoa học kết nối giữa người dân và doanh nghiệp, kết nối thị trường cho các sản phẩm và đã xây dựng được 3 chuỗi giá trị cây thuốc Nam, đó là chuỗi cho cây lá gan ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, chuỗi cây lá khôi ở huyện Yên Bình và chuỗi cây cà gai leo ở huyện Văn Yên...".
Thống kê của tỉnh Yên Bái, trên địa bàn hiện có khoảng trên 630 loài cây thuốc chữa bệnh. Nếu dược liệu được đầu tư và phát triển đúng cách sẽ giúp phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương và hỗ trợ trực tiếp vào nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân.
Bên cạnh đó, đánh giá cao sự đóng góp của các HTX trong việc xây dựng liên kết chuỗi, giúp ổn định đầu ra, đưa cuộc sống của người dân tăng cao, tỉnh đã phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh phát triển thành lập nhiều HTX, tổ hợp tác.
Theo đó, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND và triển khai thực hiện, qua đó góp phần tạo nguồn lực hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể (KTTT) HTX của tỉnh phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng.
Chẳng hạn, năm 2024, HTX Lũng Lô được hỗ trợ trên 157 triệu đồng theo Nghị quyết số 06 để hỗ trợ đào tạo cho người lao động. Ông Sầm Văn Nưa cho biết: "Từ nguồn hỗ trợ kinh phí đào tạo, cán bộ chúng tôi được đào tạo bài bản sẽ giúp HTX ngày càng phát triển”.
Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 829 HTX, với 33.810 thành viên. Nghị quyết 06 bước đầu đã giúp các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; mở rộng quy mô sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi liên kết, đầu tư xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là công nghệ cao, công nghệ số… góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo việc làm và thu nhập cho thành viên, người lao động.
"Liên minh HTX tỉnh sẽ làm tốt hơn nữa vai trò đại diện, cầu nối chuyển tải những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các tổ chức KTTT, HTX đến các cấp chính quyền của tỉnh và Liên minh HTX Việt Nam; làm tốt công tác phát triển hội viên, tư vấn, hỗ trợ phát triển các tổ chức KTTT, HTX”, đại diện Liên minh HTX tỉnh cho biết.
Nhật Nam