Với quy mô đàn lợn từ 3.000 - 5.000 con, hằng năm, HTX Ít Ong xuất bán từ 800-1.000 tấn thịt thương phẩm ra thị trường. Tưởng chừng với số lượng đàn nuôi lớn như vậy, HTX phải thuê hàng chục lao động, nhưng trên thực tế, máy móc và công nghệ hiện đại của mô hình nuôi lợn trong chuồng lạnh khép kín đã giúp HTX tiết giảm tối đa chi phí và công lao động.
Chăn nuôi chuyên nghiệp
Theo Ban giám đốc HTX, khu trang trại chăn nuôi cách xa khu dân cư nhưng do giao thông thuận tiện nên đối tác mua lợn có thể đánh ô tô vào tận nơi, thuận tiện cho giao dịch.
Khu vực cổng ra vào có hệ thống khử trùng kết hợp rắc vôi bột để bảo đảm an toàn phòng dịch bệnh. Thành viên, người lao động vào trang trại phải mặc quần áo bảo hộ, sát trùng và khử khuẩn tay theo yêu cầu của nhân viên kỹ thuật. Những điều này thể hiện sự chỉn chu, đầu tư bài bản của HTX nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, bảo đảm vệ sinh thực phẩm, đồng thời phòng ngừa dịch bệnh hữu hiệu.
Ông Nguyễn Đình Đạo, thành viên HTX cho biết, các thành viên có điều kiện học hỏi những mô hình sản xuất chăn nuôi sạch ở nhiều địa phương và đều nhận thấy nếu giải quyết được những khó khăn về môi trường sẽ mang lại hiệu quả cao về kinh tế.
![]() |
Nuôi lợn chuồng lạnh giúp giải quyết những nhược điểm của mô hình nuôi lợn truyền thống. |
Chính vì vậy, HTX ứng dụng công nghệ nuôi chuồng lạnh theo quy trình khép kín. Toàn bộ hệ thống tự động được lắp đặt nhằm điều chỉnh nhiệt độ không khí. Ngoài ra còn có quạt hút gió, máng ăn tự động, hệ thống làm mát bằng nước. HTX còn đầu tư lắp đặt hệ thống camera giám sát đàn lợn và an ninh trong khu vực trang trại.
“Đầu tư theo hướng hiện đại có chi phí cao hơn so với lối chăn nuôi truyền thống nhưng ngược lại sẽ tiết kiệm được công lao động 50-60%. Hệ thống giàn mát, điều hòa giúp nhiệt độ trong chuồng luôn dao động ở mức 27-30 độ C”, ông Đạo chia sẻ.
Chăn nuôi theo công nghệ chuồng lạnh đã xuất hiện ở Việt Nam từ khá lâu. Ban đầu, do chi phí lớn, phương thức chăn nuôi này chỉ thích hợp với các doanh nghiệp, nhưng với sự liên kết các hộ lại với nhau, HTX đã giải quyết được khó khăn về vốn đầu tư. Tại HTX Ít Ong, các thành viên góp vốn, kết hợp với vay vốn ưu đãi từ địa phương đầu tư trang trại rộng 3,2 ha, tổng kinh phí 13 tỷ đồng. Ngoài khu vực chuồng nuôi, trang trại còn có nhà điều hành, nhà ở cho người lao động, khu vực khử khuẩn, khu chăn nuôi, ao hồ và hệ thống xử lý chất thải.
Riêng khu vực xử lý chất thải được HTX xây dựng hệ thống hầm biogas. Phân được lọc qua hầm thô, sau đó máy hút khí qua bể lọc phục vụ nhu cầu dùng điện trong trại, còn hầm phân tươi thì sẽ ủ với lá cây cho hoai mục. Cách làm này giúp bảo vệ môi trường vì kiểm soát mùi hôi, giảm lượng chất ô nhiễm trong nước thải…
Đứng vững trước dịch
Với việc ứng dụng công nghệ nuôi chuồng lạnh theo quy trình khép kín, đàn lợn của HTX luôn phát triển tốt. Công tác phòng chống dịch được các thành viên chú trọng, nhất là tiêm phòng vắc xin định kỳ cho đàn lợn; thường xuyên khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
HTX luôn có nhân viên kỹ thuật về thức ăn, thú y và kỹ thuật chăn nuôi ăn ở tại chỗ để hỗ trợ sản xuất suốt cả lứa nuôi. Chính vì vậy , quá trình chăn nuôi được giám sát chặt chẽ , đảm bảo quy trình. Đàn lợn được kiểm tra định kỳ, lấy mẫu xét nghiệm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trước khi xuất bán ra thị trường.
Hiện, HTX đã liên kết được với doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi và doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi giúp HTX xây dựng chuỗi giá trị nông sản hiệu quả, bền vững. Mục tiêu của HTX là sẽ liên kết cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh công đoạn sơ chế, chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, cũng như mở rộng đầu ra cho người chăn nuôi.
Theo Ban giám đốc HTX, vì đã liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp ở cả đầu vào và đầu ra nên dù dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay, nhưng quy trình sản xuất của HTX vẫn được bảo đảm theo đúng kế hoạch. Lợn nuôi đúng độ tuổi và xuất chuồng đúng định kỳ. “Doanh nghiệp đến thu mua và thực hiện đúng theo nguyên tắc phòng chống dịch Covid-19 của địa phương và Nhà nước và với giá đã ký kết nên không xảy ra tình trạng người chăn nuôi bị thiệt hại”, ông Nguyễn Đình Đạo chia sẻ.
![]() |
Chăn nuôi theo chuỗi giá trị và chú trọng đến nhu cầu thị trường giúp HTX vượt qua khó khăn về đầu ra trong mùa dịch Covid-19. |
Tuy nhiên, theo các thành viên, để hạn chế những thiệt hại trong chăn nuôi, ngoài việc xây dựng mô hình theo chuỗi, HTX cần phải kết hợp với doanh nghiệp để có số lượng vật nuôi phù hợp với nhu cầu để có kế hoạch rõ ràng ngay trước khi vào vụ nuôi. Điều này cũng góp phần giải quyết bài toán đầu ra, hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”, nhất là khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Với mô hình chăn nuôi hiệu quả, trung bình mỗi năm, HTX có doanh thu 3-5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của 7 thành viên đạt 10-12 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương.
Có thể thấy, HTX chăn nuôi Ít Ong là một trong những đơn vị trên địa bàn huyện Mường La tiên phong trong ứng dụng khoa học kỹ thuật và chủ động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp theo quy mô lớn, sản phẩm sạch và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này đã giúp HTX vượt qua được những khó khăn mà nhiều hộ chăn nuôi đang gặp phải trong mùa dịch Covid-19.
Tùng Lâm