Điểm tựa của thành công ấy là hệ thống HTX năng động và sự đồng hành thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang cùng nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước.
Chuỗi liên kết lan rộng
Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, lấy chuỗi giá trị làm nòng cốt. Đặc biệt, ở nhiều địa phương, các HTX đóng vai trò là “cầu nối” giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa sản xuất và thị trường.
Tiêu biểu là HTX nuôi ong Phong Thổ (trụ sở tại xã An Khang, nay thuộc phường An Tường) với mô hình liên kết nuôi ong lấy mật đang được triển khai hiệu quả tại xã Thái Bình (mới), mang lại giá trị cao cho nông dân liên kết, đóng góp đáng kể vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
![]() |
Thành công trong chuyển đổi sản xuất là chìa khóa xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang. |
Theo ông Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX, hiện đơn vị đã phát triển được 900 đàn ong với sự tham gia của 18 hộ dân liên kết. HTX không chỉ cung cấp giống, vật tư, kỹ thuật mà còn ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường.
Nhờ hoạt động hiệu quả, ngày càng hoàn thiện cả về khâu tổ chức sản xuất và tiêu thụ, mỗi hộ tham gia mô hình nuôi ong của HTX có thể đạt doanh thu bình quân hơn 130 triệu đồng/năm, con số đáng mơ ước ở khu vực trung du, miền núi.
Ông Nguyễn Tiến Hưng, hộ liên kết của HTX ở thôn 4, xã Thái Bình, phấn khởi chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ nuôi ong nhỏ lẻ, thu nhập quanh quẩn 5 triệu đồng/tháng. Từ khi tham gia mô hình liên kết với HTX, được hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, thu nhập tăng lên gần 20 triệu đồng/tháng. Gia đình tôi giờ có vườn mẫu 5.000 m², vừa trồng cây ăn quả, rau xanh, vừa nuôi ong – mô hình vườn – ao – chuồng hiệu quả”.
Nền tảng phát triển bền vững
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực chăn nuôi, nhiều HTX khác tại Tuyên Quang cũng đang triển khai hiệu quả mô hình liên kết khép kín “từ trang trại đến bàn ăn”.
Đơn cử như HTX Nông nghiệp và dịch vụ Tâm Hương – đơn vị đã xây dựng chuỗi 3 cửa hàng giới thiệu và bán hơn 400 sản phẩm OCOP là nông sản đặc trưng của các địa phương.
“Chúng tôi liên kết trực tiếp với nông dân, từ khâu cung ứng đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật, đến bao tiêu sản phẩm đầu ra. Nguồn hàng luôn ổn định, chất lượng đảm bảo, tạo lòng tin cho cả đối tác lẫn người tiêu dùng”, ông Nguyễn Đình Tâm, Giám đốc HTX cho hay.
Phát triển HTX, mở rộng mô hình liên kết chuỗi không thể thiếu vai trò của các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và tổ chức như Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh cùng Liên minh HTX Việt Nam đã liên tục lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình khoa học – công nghệ, khuyến công, khuyến nông để hỗ trợ HTX tiếp cận vốn, tập huấn kỹ thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng và xúc tiến thương mại.
Đặc biệt, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã góp phần tạo lực đẩy cho hơn 120 chuỗi liên kết sản xuất tại tỉnh.
Hiện nay, Tuyên Quang đang hỗ trợ 40 dự án nông nghiệp với tổng vốn hơn 130 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ sản xuất nông nghiệp theo hình thức liên kết vẫn mới đạt khoảng 24% – một con số khiêm tốn so với tiềm năng.
![]() |
Diện mạo nông thôn mới tại nhiều địa phương tỉnh Tuyên Quang ngày càng khởi sắc. |
Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã tích cực vào cuộc với vai trò kết nối, tư vấn xây dựng mô hình HTX kiểu mới, hỗ trợ tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi, tư vấn sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc và chuyển giao kỹ thuật cho các HTX thành viên.
Nhiều HTX được Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ lập hồ sơ tham gia chương trình OCOP, kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua hội chợ, sàn thương mại điện tử, góp phần tạo chỗ đứng cho nông sản địa phương trên thị trường rộng lớn hơn.
Xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu
Dù đạt được những kết quả tích cực, song để mô hình liên kết chuỗi không bị manh mún, đứt gãy, theo chuyên gia, các HTX cần chú trọng kiểm soát đồng bộ tất cả các khâu – từ sản xuất ban đầu, thu gom, chế biến, đến phân phối, tiêu thụ.
Với cơ quan quản lý, việc đánh giá tính hiệu quả và bền vững của từng mô hình liên kết là rất cần thiết. Theo đó, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đang tập trung nhóm giải pháp toàn diện để tăng tỷ lệ giá trị sản xuất theo chuỗi, như tiếp tục tuyên truyền, nâng cao năng lực quản trị HTX và người dân, thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ liên kết.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm doanh nghiệp đối tác dài hạn; Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan quản lý để đảm bảo sự cam kết của các bên trong liên kết chuỗi.
Thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh cho thấy, nơi nào có sự phối hợp chặt chẽ giữa người dân, HTX, doanh nghiệp và chính quyền – nơi đó có mô hình nông nghiệp bền vững, đời sống nông dân cải thiện, diện mạo nông thôn mới cũng theo đó khởi sắc rõ rệt.
Có thể thấy, Tuyên Quang không chọn con đường phát triển nông nghiệp theo phong trào, mà đặt nền móng từ căn cơ là phát triển chuỗi liên kết, lấy HTX làm trung tâm, người dân làm chủ thể và doanh nghiệp là bạn đồng hành. Hành trình ấy đang tạo bước “chuyển mình” cho nông thôn mới ở vùng đất trung du và miền núi.
Sự hiện diện của những HTX như Phong Thổ, Tâm Hương... không chỉ là những “điểm sáng” về kinh tế mà còn là hình mẫu cho phương thức làm nông hiện đại, hiệu quả, nâng cao thu nhập, xây dựng nông thôn mới theo chiều sâu, hiệu quả thiết thực.
Với sự đồng hành mạnh mẽ từ các chính sách của tỉnh, sự hỗ trợ thiết thực từ Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang và nỗ lực không ngừng của người dân – có thể tin tưởng rằng Tuyên Quang sẽ tiếp tục tạo ra những đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Một tương lai nông thôn mới xanh – sạch – bền vững đang dần hiển hiện trên mảnh đất giàu tiềm năng này.
Nam Phong