Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng dệt may 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm ngoái.
Động lực tăng trưởng chính đối với ngành dệt may Việt Nam hiện nay là các FTA với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc… Đồng thời, ngành dệt may được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các FTA lớn như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm nay.
Phụ thuộc nguyên liệu nhập
Theo Vitas, trước đây, việc XK sang Australia hay Canada rất khó khăn, nhưng kể từ khi ký CPTPP, số lượng đơn hàng từ hai thị trường này tăng rất nhanh.
Ngành dệt may Việt Nam đã thực sự bước vào sân chơi lớn. 6 tháng đầu năm 2018, lượng hàng XK sang một số thị trường trọng điểm như Mỹ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, FTA vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam, đặc biệt là đối với hàng rào kỹ thuật về đảm bảo quy tắc xuất xứ.
Ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết trong đàm phán FTA, quy tắc xuất xứ và mức độ mở cửa thị trường (mức độ và thời gian/cắt giảm thuế) có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. EVFTA quy định nguyên tắc xuất xứ từ vải trở đi, CPTPP yêu cầu khắt khe hơn là từ sợi trở đi.
Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành dệt may khi 80% nguyên liệu của ngành phải nhập khẩu (NK), chủ yếu từ những thị trường không tham gia CPTPP như Trung Quốc, Đài Loan hay Hàn Quốc. Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch NK nguyên phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 10,78 tỷ USD, tăng 15,99% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo ông Hoàng Hữu Chương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Nguyễn Hoàng, nói về lý thuyết, CPTPP hay EVFTA chính thức có hiệu lực sẽ là cơ hội lớn cho các DN dệt may Việt Nam, nhưng từ cơ hội thành hiện thực không đơn giản. Khó khăn lớn nhất mà DN gặp phải là đáp ứng quy tắc xuất xứ.
"Hiện nay, DN chủ yếu XK sản phẩm sang Bắc Âu, tuy nhiên đến giờ mới chỉ sử dụng 20- 30% nguyên liệu trong nước, chủ yếu dựa vào nguồn NK. EVFTA chỉ yêu cầu xuất xứ từ vải, không phải từ sợi như CPTPP nhưng DN cũng không đáp ứng được", ông Chương chia sẻ.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, cho rằng các FTA đang đặt ra các thách thức không hề nhỏ với DN dệt may. Cụ thể, DN Việt Nam trước đây chỉ cần ngồi chờ là khách hàng đến, còn đơn hàng hiện nay chỉ đến nếu DN đáp ứng được yêu cầu mà phía đối tác đưa ra.
Cụ thể, nếu DN Việt Nam sử dụng nguyên liệu vải trong nước, khách hàng sẽ đặt đơn hàng FOB (cung ứng thêm nguyên liệu), nếu DN thiết kế được sản phẩm thì đối tác sẽ đặt đơn hàng ODM (từ thiết kế gốc phát triển thành sản phẩm)…
"FTA một sân chơi mà DN phải chấp nhận các nguyên tắc mới có đơn hàng. FTA đến càng gần, thách thức càng lớn", ông Giang nhấn mạnh.
![]() |
Đáp ứng quy tắc xuất xứ luôn là nỗi lo lớn nhất của ngành dệt may khi tham gia các FTA |
"Chơi" FTA phải hiểu luật
Theo ông Giang, nếu không hiểu luật chơi của FTA, các DN sẽ rơi vào "bẫy" của FTA và sẽ bị trả giá.
Một trong những giải pháp để tránh tác động xấu từ FTA là xây dựng chuỗi liên kết hợp tác giữa các DN trong ngành với nhau từ sợi, vải, dệt nhuộm đến may mặc. DN cần phải đặt ra chiến lược bán hàng theo hình thức FOB, ODM, qua đó giá trị thu về sẽ cao hơn.
Đồng thời, các DN dệt may cần liên kết với các DN logistics để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Theo báo cáo của Vitas, chi phí logistics của Việt Nam hiện cao hơn các nước trong khu vực, cụ thể so với Thái Lan cao hơn 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần Singapore.
Điều này làm giảm tính cạnh tranh của hàng dệt may so với các nước trong khu vực dù Việt Nam được cho là quốc gia có chi phí nhân công thấp.
Để xây dựng nguồn nguyên liệu, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng Việt Nam cần phải đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài ở công đoạn trước cắt may như sợi, dệt nhuộm… trên nguyên tắc đảm bảo môi trường. FTA sẽ trở thành vô nghĩa nếu DN không tận dụng được quy tắc xuất xứ.
Bên cạnh đó, "các DN cần chủ động, chủ động hơn nữa để nắm bắt thời cơ"… Từ trước đến nay, DN chỉ quan tâm tới thị trường, chủ yếu gia công, chưa chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Thậm chí đang xảy ra tình trạng sử dụng nhãn hiệu chưa rõ ràng, trong một số trường hợp sản phẩm của nước ngoài nhưng lại gắn "Made in Vietnam", một số khác là sản phẩm Việt Nam nhưng gắn nhãn mác nước ngoài, dẫn tới những tranh chấp pháp lý không đáng có.
Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, một trong những yếu tố bất lợi mà Việt Nam phải hứng chịu là xu hướng lợi dụng danh nghĩa về xuất xứ của Việt Nam. Hàng hóa Trung Quốc có thể đổ bộ thị trường Việt Nam, sau đó lấy danh nghĩa hàng Việt Nam xuất sang Mỹ để tránh thuế chống bán phá giá.
"Thời gian tới, DN cần quan tâm tới xây dựng thương hiệu gắn liền với xây dựng chuỗi phân phối", ông Hải khuyến nghị.
Ở góc độ DN, ông Hoàng Hữu Chương cho rằng trên thực tế, bản thân DN luôn luôn chủ động, nhưng điều DN cần nhất là sự hỗ trợ của Nhà nước, "DN không thể đi một mình khi ra biển lớn nên cần Nhà nước đồng hành".
Cụ thể để giải quyết vấn đề xuất xứ, theo ông Chương, đầu tư sản xuất vải và sợi đòi hỏi vốn lớn, công nghệ cao. DN đơn phương độc mã rất khó làm, vì vậy Nhà nước cần phải có chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai giúp DN.
Lê Thúy
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Tầm nhìn và chiến lược của DN trong thời gian tới cần phải thay đổi từ cách thức quản trị đến phát triển thị trường. Muốn làm được điều này, DN phải đầu tư bài bản, sản phẩm làm ra phải đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Trước đây, chất lượng sản phẩm còn có thể đàm phán, nhưng giờ thì không có chuyện đó, chưa kể còn đi kèm thời gian giao hàng nhanh, giá thành phải cạnh tranh. Ông Hoàng Hữu Chương - Tổng Giám đốc Tổng công ty Nguyễn Hoàng Thực tế, nguyên phụ liệu dệt may ở Việt Nam không hề thiếu, quan trọng là phải tìm cách thiết kế ra sản phẩm sử dụng được nguyên liệu này. Nếu cứ đi chạy theo thiết kế của nước ngoài và sử dụng dụng nguyên liệu NK sẽ không bao giờ tận dụng được cơ hội từ các FTA đem tới. Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu DN không cần thiết phải nắm rõ tất cả cam kết mà FTA đưa ra, thay vào đó chỉ cần quan tâm tới nhóm sản phẩm mà mình đang sản xuất. Cụ thể, với dòng hàng đó, vào thị trường FTA nào sẽ được giảm thuế, phải đáp ứng quy tắc xuất xứ và chịu biện pháp phòng vệ nào? |